Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam về giá nhà ở dành cho người thu nhập thấp ở Hà Nội.
Ông cũng cho rằng, vẫn còn khả năng hạ giá nhà thu nhập thấp ở Hà Nội nếu doanh nghiệp biết vận dụng tối đa công nghệ mới.
-
Một số người đã trúng suất mua nhà thu nhập thấp ở Hà Nội nhưng có thể phải trả lại vì không đủ tiền, có phải vì giá nhà quá cao, thưa ông?
- Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Hiện nay, một bộ phận lớn người dân có thu nhập thấp, không đủ khả năng tiếp cận với mô hình nhà ở thương mại. Thế nên, cần xây dựng quỹ nhà dành cho người thu nhập thấp để đáp ứng nhu cầu cho những đối tượng này. Nhưng thực tế nhiều người được mua nhà ở thu nhập thấp lại không có khả năng thanh toán. Lo nhà ở cho nhân dân là trách nhiệm của Nhà nước. Nhưng trong điều kiện hiện nay, chúng ta không có khả năng lo cho tất cả các hộ gia đình đều được sở hữu nhà ở. Trong khi đó, thói quen rất lâu đời ở nước ta là người dân đều hướng tới việc sở hữu nhà. Đó là đặc thù của Việt Nam. Đất nước còn nghèo nhưng tỷ lệ sở hữu nhà ở lại rất cao, song chất lượng nhà không đảm bảo. Hiện nay, do nguồn lực của Nhà nước còn rất hạn chế nên phải đi theo hướng nhà ở do các doanh nghiệp triển khai xây dựng bằng các nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng.
- Phải chăng hỗ trợ từ Nhà nước chưa đủ nên giá thành nhà vẫn cao và người dân khó tiếp cận?
- Nhà nước đã hỗ trợ những gì có thể trong điều kiện hiện nay như không thu tiền đất, giảm thuế, cho vay một phần từ Ngân hàng Phát triển, nâng hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… Tuy vậy, chúng ta cần phải đi sâu hơn nữa, nghiên cứu thiết kế các mô hình nhà cho hợp lý. Trong đó, có việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, vật liệu tiên tiến để hạ giá thành nhà. Tôi cho là vẫn còn dư địa để hạ giá thành nhà. Mặt khác, chúng ta phải tạo điều kiện cho người có thu nhập trung bình trong xã hội có thể thanh toán được tiền mua nhà.
- Cách nào để giúp được những người đã có suất mua mà thiếu tiền nên có nguy cơ phải trả lại?
- Về phương thức thanh toán, có thể thêm hình thức thuê mua, trả trong vòng 10-20 năm với khoản đặt cọc đầu tiên khoảng 20% giá trị nhà. Chúng ta cần tạo được nguồn vốn để cho những đối tượng này vay thêm. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về đề án lập quỹ tiết kiệm nhà ở trên cơ sở là lấy số đông giúp cho số ít, người mua trước giúp người mua sau. Bộ cũng đang tiếp tục khảo sát các mô hình quỹ đã thành công ở Trung Quốc, Hàn Quốc. Quỹ này không mang tính chất lợi nhuận, không kinh doanh sang các lĩnh vực khác mà chỉ cho các đối tượng có nhu cầu mua nhà thu nhập thấp vay, hay cho doanh nghiệp vay để tạo ra sản phẩm nhà ở thu nhập thấp.
- Nhiều ý kiến cho rằng, giá nhà thu nhập thấp hiện nay quá cao, liệu có phải doanh nghiệp tự ý nâng giá nhà lên không?
- Nói giá nhà cao hay thấp cần so với chuẩn nào. Nếu so với thu nhập của người làm công ăn lương hiện nay thì là cao. Chính vì thế, con đường phát triển nhà thu nhập thấp cũng không phải là con đường duy nhất. Chúng ta còn phát triển loại hình nhà ở cho thuê dành cho những người không đủ tiền mua nhà thu nhập thấp. Hiện nay, tại một số dự án người dân có phàn nàn là giá nhà cao, đây là những dự án phát triển nhà thu nhập thấp theo con đường nhà ở thương mại có sự hỗ trợ của Nhà nước. Như vậy, tiền đền bù GPMB doanh nghiệp phải bỏ ra. Vật liệu xây dựng cũng phải mua theo giá thị trường nên giá không thể thấp quá như mong muốn.
- Vậy giá nhà thu nhập thấp ở Hà Nội nên ở mức như thế nào là phù hợp?
- Tôi đã nói vẫn có dư địa để giảm giá thành nhà thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế mẫu, áp dụng công nghệ, vật liệu tiên tiến, kết hợp với sự kiểm tra, thẩm định chặt chẽ hơn nữa của chính quyền địa phương. Một số nơi như Đà Nẵng, Huế, Thanh Hóa, giá nhà thu nhập thấp chỉ khoảng 6 triệu đồng/m2 do đất đai của những khu vực này thường rẻ và chính quyền địa phương giao những khu đất tại nội thành đã có hạ tầng nên chi phí cho hạ tầng thấp. Còn ở Hà Nội, giá trên dưới 10 triệu đồng/m2 là thích hợp. Chúng ta không cầu toàn mà từng bước cố gắng đưa công tác phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị vào nền nếp.
(Theo ANTĐ)