SearchNews

Hướng đi cho thị trường xuất khẩu VLXD

09/12/2010 13:39

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu VLXD Việt Nam - Thực trạng, định hướng và giải pháp” nhằm thông báo tình hình đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng VLXD Việt Nam trong những năm qua và đưa ra các giải pháp, định hướng xuất khẩu VLXD trong thời gian tới.

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu VLXD Việt Nam - Thực trạng, định hướng và giải pháp” nhằm thông báo tình hình đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng VLXD Việt Nam trong những năm qua và đưa ra các giải pháp, định hướng xuất khẩu VLXD trong thời gian tới.

Ảnh minh họa

Nếu như năm 2005, sản lượng xi măng sản xuất đạt 24,1 triệu tấn, nhập khẩu 4,5 triệu tấn, thì đến năm 2009, sản lượng đạt 45,5 triệu tấn, kế hoạch năm 2010 đạt 51 triệu tấn, tăng gấp 2,12 lần so với năm 2005, đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và có dư để xuất khẩu; gạch ốp lát các loại năng lực sản xuất năm 2005 đạt 175,4 triệu m², năm 2009 đạt 368,7 triệu m², tăng 2,1 so với năm 2005; kính xây dựng năng lực sản xuất năm 2005 đạt gần 80 triệu m², trong đó 50% là sản phẩm kính nổi, năm 2009 công suất đạt 83 triệu m², 95% là sản phẩm kính nổi, năm 2010 năng lực sản xuất đạt 142 triệu m², tăng 1,8 lần so với năm 2005. Năng lực sản xuất một số mặt hàng chủ yếu trong lĩnh vực VLXD đã vượt cao hơn so với nhu cầu tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp nước ta đã từng bước tìm được thị trường xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài, trong đó tập trung vào một số thị trường quốc tế tiềm năng như khu vực Trung Đông, châu Phi, châu Á, Đông Nam Á…

Đi đầu trong xuất khẩu VLXD là các sản phẩm thuộc lĩnh vực gốm sứ xây dựng. Trong nhiều năm qua, nhiều Cty đã nỗ lực tìm kiếm thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế như TCty Viglacera, TCty CP Vinaconex, Toto, Mỹ Đức Đồng Tâm…, kim ngạch xuất khẩu tăng dần đến năm 2009 đạt 276 triệu đô la, dự kiến năm 2010 đạt 310 triệu đô la, tăng 19,3% so với năm 2009. Đến nay, các sản phẩm gốm sứ xây dựng Việt Nam đã có mặt ở khắp các châu lục và hơn 40 quốc gia trên thế giới. Lĩnh vực kính xây dựng chỉ trong 3 năm gần đây, sản lượng kính và xuất tăng đáng kể, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước đạt hơn 368 triệu USD, tăng 34% so với năm 2009.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu các sản phẩm VLXD của Việt Nam ra thị trường quốc tế còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực xi măng. Đây là giai đoạn khởi đầu gian nan cho việc xuất khẩu clinker cũng như xi măng, vì sản phẩm VLXD có trọng lượng lớn, giá vận tải cao, trong khi đó thị trường xuất khẩu lại xa nên chi phí vận tải lớn; công nghệ sản xuất còn lạc hậu, các khu vực sản xuất bị ô nhiễm môi trường rất cao; các doanh nghiệp chưa gắn kết với nhau trong việc cung cấp thông tin về thị trường và các đối tác nên việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp tại các nước Trung Đông vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phản ánh đúng tiềm năng và mong muốn của mỗi bên.

Tại hội thảo đã có nhiều ý kiến của các đại biểu xoay quanh vấn đề thực trạng, giải pháp, định hướng xuất khẩu VLXD.

Dưới đây là một số ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo xung quanh vấn đề này

Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Trong những năm qua, ngành công nghiệp sản xuất VLXD đã có bước phát triển đáng kể, không ngừng đầu tư công nghệ hiện đại, sản xuất VLXD (xi măng, gạch ốp lát, gốm sứ, kính xây dựng) đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu VLXD trong nước; các DN đã tích cực quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Thị trường quốc tế rất tiềm năng nhưng do công tác xuất nhập khẩu chưa có sự chỉ đạo thống nhất, chưa có những chính sách vĩ mô cho các DN xuất khẩu. Hiện, ngoài các thị trường sẵn có thì thị trường Trung Đông là cơ hội tốt cho ngành VLXD xuất khẩu. Bên cạnh đó, các DN cũng cần tăng cường đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại để sản xuất các loại sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với từng thị trường xuất khẩu; tăng cường cải tiến kỹ thuật, đa dạng hoá mẫu mã và chủng loại, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu…

Ông Phạm Văn Bắc - Phó vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng

Để tăng cường công tác xuất khẩu các sản phẩm VLXD trong thời gian tới, theo tôi Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ các DN xuất khẩu VLXD trong công tác xúc tiến thương mại từ quỹ hỗ trợ của Nhà nước; Cơ quan Thương vụ tại các nước thực sự là cầu nối cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho các DN tham gia các hội chợ quốc tế về VLXD; tăng cường kiểm soát các mặt hàng hoá lưu thông trên thị trường, đặc biệt là hàng hoá nhập khẩu; đơn giản hoá các thủ tục hành chính; các DN cần chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, quản trị nhân lực, sản xuất, bán hàng để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tạo cho sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường…

Ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi (Bộ Công Thương))

Trung Đông là thị trường tài chính dồi dào với nguồn vốn dư thừa. Các nước Trung Đông được đánh giá là thị trường lớn trong ngành công nghiệp xây dựng thế giới. Dự báo, các dự án xây dựng hạ tầng của khu vực Trung Đông sẽ tăng 5,4% trong 5 năm tới, cao hơn mức tăng tương ứng của toàn cầu dự kiến là 5,2% một năm. Vì vậy, các dự án mới xây dựng sẽ mang đến cơ hội cho công nghiệp sản xuất và xuất khẩu VLXD của Việt Nam. Nhằm thúc đẩy xuất khẩu VLXD Việt Nam sang Trung Đông, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường quan hệ giữa các bộ của Việt Nam với các bộ đối tác tương ứng ở các nước Trung Đông; thiết lập khuôn khổ pháp lý trong đàm phán, ký kết các hiệp định, thoả thuận hợp tác về lĩnh vực xây dựng và VLXD; các DN chủ động tổ chức các đoàn khảo sát, nghiên cứu thị trường, đề ra bước đi phù hợp; tiếp cận các cơ quan tổ chức đấu thầu dự án xây dựng, các đơn vị thắng thầu dự án để quảng bá sản phẩm VLXD của Việt Nam…

Ông Thái Duy Sâm - Phó chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam

VLXD của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu bao gồm đá ốp lát, gạch gốm ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng… có tính lưu thông cao trên thị trường VLXD thế giới. Trong giai đoạn tới, các DN Việt Nam phải đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới, tạo ra thị trường bên ngoài để hỗ trợ thị trường trong nước. Có như vậy mới giữ vững thị trường trong nước, tạo điều kiện để ngành công nghiệp VLXD phát triển bền vững. Trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão, thương mại toàn cầu cạnh tranh gay gắt. Để có thể thâm nhập thị trường thế giới thì các nhà sản xuất, kinh doanh VLXD trong nước cần phải có sự hợp tác rộng rãi, chặt chẽ hơn nữa với đối tác nội địa và nước ngoài, tạo dựng được thương hiệu có uy tín xuất khẩu lâu dài, ổn định.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc TCty Viglacera

Trong nhiều năm qua, các sản phẩm được xuất khẩu chính của Viglacera đã được nhiều bạn hàng trên thế giới tin dùng (gốm kính xây dựng, sứ vệ sinh và các loại phụ kiện phòng tắm, gạch ốp lát các loại…). Trong quá trình hoạt động vẫn tồn tại nhiều khó khăn bất cập cả khách quan lẫn chủ quan do sản phẩm và sản xuất còn nhiều mặt hạn chế, chủng loại mẫu mã chưa nhiều và phong phú; sức cạnh tranh còn yếu như giá bán còn cao so với một số sản phẩm cùng loại của các nhà sản xuất nước ngoài, vẫn còn bị động và phụ thuộc vào sự thay đổi của thị trường thế giới… Vì vậy, Viglacera kiến nghị với các cơ quan chức năng hỗ trợ tối đa cho DN xuất khẩu trong công tác xúc tiến thương mại; đơn giản hoá hơn nữa các thủ tục xuất khẩu, thông quan nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp; có cơ chế, chế tài thích hợp như hàng rào thuế quan hoặc giấy phép nhập khẩu đối với những sản phẩm VLXD nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn an toàn, chất lượng để hàng hoá Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế…

Ông Bùi Văn Luyện - Tổng giám đốc Cty CP Xi măng Hạ Long

Ngành sản xuất VLXD trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài còn gặp nhiều trở ngại bởi các DN trong nước chưa có sự liên kết, trao đổi thông tin với nhau do khoảng cách (hiện chỉ có ba nhà máy sản xuất xi măng là Nhà máy xi măng Cẩm Phả, Hạ Long, Thăng Long là có được sự liên kết chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin vì được xây dựng gần nhau). Bên cạnh đó, các DN cần đầu tư về công nghệ, chắp nối, thống nhất giá giữa các nhà máy xi măng với nhau để tránh tình trạng bị đối tác nước ngoài ép giá; hướng tới phát triển công nghệ xanh trong sản xuất, đảm bảo môi trường bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu… Hiện nay, trong đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, thông thường họ yêu cầu DN Việt Nam phải giữ giá ổn định trong thời gian ít nhất là từ 6 tháng đến 1 năm. Nhưng với tình trạng giá điện, giá than liên tục tăng giá thì việc giữ giá ổn định là không khả thi. Vì vậy, đề nghị Nhà nước cần điều chỉnh giá nguyên liệu đầu vào, giá điện, than hợp lý để các DN sản xuất trong nước dựa trên cơ sở đó để quyết định giá xuất khẩu ổn định.

(Theo Baoxaydung)

 

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu