Sau hơn 4 năm suy thoái, thị trường BĐS Việt Nam đang ở vùng đáy, vì vậy những người giàu có đang lặng lẽ đổ tiền vào kênh đầu tư này.
Ông Nguyễn Việt, một doanh nhân kinh doanh chuỗi nhà hàng ở Hà Nội, vừa bán hết số cổ phần còn lại trong công ty, thu được hơn 80 tỷ đồng. Số tiền này ông dự định đầu tư bất động sản (BĐS).
Vì thế, tuần qua, ông đã vào TP. HCM để đàm phán mua một lô đất diện tích 1.000 m2 trên mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 để xây cao ốc cho thuê. Ông Việt nói: “Nhà đất ở TP. HCM rẻ hơn Hà Nội, nhưng giá cho thuê lại cao hơn và nhu cầu thuê nhiều hơn, vì vậy nhà đầu tư sẽ chuyển tiền của họ vào BĐS ở TP. HCM”.
Tháo gỡ bế tắc
Sau 2 năm suy thoái, thị trường BĐS Việt Nam đang ở vùng đáy, vì vậy những người giàu có đang lặng lẽ đổ tiền vào kênh đầu tư này. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp BĐS đang sa lầy nợ, nhưng với chính sách nới lỏng quản lý tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và mặt bằng lãi suất đang giảm, nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, thị trường BĐS sẽ được tháo gỡ khỏi tình trạng đóng băng.
Nhiều người dự đoán, Ngân hàng Nhà nước có thể nới lỏng thêm dòng tín dụng bằng chính sách quy định hệ số rủi ro đối với khoản cho vay kinh doanh BĐS và chứng khoán sẽ giảm từ 250% xuống 150%, qua đó, các ngân hàng được tăng thêm “room” để rót vốn cho BĐS. Đồng thời, số tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức (thường gửi để thanh toán, số lượng rất lớn) được coi như tiền gửi chung của ngân hàng. Động thái kỹ thuật này sẽ giúp ngân hàng tăng đáng kể khả năng nguồn vốn cho vay.
Việc nới lỏng tín dụng cho vay đối với BĐS giống như giải pháp kích cầu thị trường. BĐS liên quan tới các ngành sản xuất, buôn bán vật liệu xây dựng, dịch vụ xây dựng, nhu cầu nhà ở và cả nợ xấu ngân hàng. Hiện các mặt hàng xi măng, sắt thép, trang trí nội thất đang tồn kho số lượng lớn, vốn bị chôn, doanh nghiệp phải trả lãi, người lao động thất nghiệp. Thị trường BĐS phục hồi sẽ tháo gỡ được những bế tắc này.
Đón dòng tín dụng và kiều hối
Nhận thấy xu hướng nới lỏng tín dụng nên nhiều ngân hàng đang tập trung dành vốn lớn cho BĐS. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố từ ngày 1/5 tới sẽ dành gói tín dụng 4.000 tỷ đồng cho cá nhân, hộ gia đình mua nhà các dự án do BIDV tài trợ với lãi suất 16%/năm, thời gian vay có thể đến 15 năm, mức cho vay lên tới 85% giá trị căn nhà.
Do thanh khoản cải thiện, vốn khả dụng đang có dấu hiệu thừa, hàng loạt ngân hàng cũng đang có kế hoạch giải ngân cho BĐS. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á và Ngân hàng An Bình, mỗi đơn vị dành 1.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua, xây, sửa chữa nhà.
Ngân hàng Phát triển TP. HCM cũng triển khai chương trình “Ưu đãi lãi suất cho vay” đối với các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn để mua nhà ở, xây, sửa nhà, với thời hạn vay tối đa 60 tháng… So với năm ngoái, dòng tín dụng dành cho BĐS dồi dào hơn, lãi suất đã giảm mức 5 - 8%, xuống còn 16 - 17%/năm. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường đóng băng, thanh khoản khó, mức lãi suất cho vay hiện tại vẫn còn cao.
Năm qua, lượng kiều hối chính thức đạt 9 tỷ USD. Theo số liệu công bố từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong số tiền này có tới 52% đổ vào BĐS. Dự kiến, năm nay, lượng kiều hối sẽ lên 10 tỷ USD, chiếm gần 10% GDP. Nếu 1/2 lượng vốn này tiếp tục đổ vào BĐS thì thị trường sẽ được chi viện thêm 100.000 tỷ đồng, giúp tháo dòng thanh khoản và thúc đẩy “phá băng” thị trường BĐS.
(Theo NLĐ)