Địa ốc ế ẩm, nhiều môi giới tự gắn mác "vỡ nợ", "cần tiền giải chấp ngân hàng" cho nhà đất để gây sốc kích cầu. Nhưng kế hoạch bất thành vì "thượng đế" khi biết bị lừa đã tẩy chay. Không những thế, hành vi quảng cáo không trung thực để bán hàng có thể phạm vào tội quảng cáo gian dối.
“Nước đục thả câu”
Đọc được lời quảng cáo rao bán biệt thự ở khu P.V nằm giữa đô thị Bắc An Khánh TP.HCM, phá giá 15 triệu đồng mỗi m2 chị Hương mừng như bắt được vàng. Khi gọi điện thoại hỏi mua, chị được người môi giới cho biết, sở dĩ giá giảm tới 50% so với thị trường vì chủ nhà đang bán tháo. Lô đất được quảng cáo rất mùi mẫn: “Đường trước mặt tiền rộng 36 m2, nhìn ra hồ” nhưng buộc phải bán gấp vì cần tiền giải chấp ngân hàng nên mua nhanh bán nhanh”. Theo lời người môi giới, hợp đồng vẫn ở dạng góp vốn, khi khách hàng xây xong móng sẽ chuyển sang hợp đồng mua bán. Người bán sẵn sàng châm chước, chỉ cần thanh toán trước 2 tỷ, khoảng 2 tỷ còn lại có thể trả sau. Do phải vay ngân hàng, cần tiền gấp làm dự án, nên chủ nhà mới có giá rẻ thế.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu cặn kẽ, chị Hương mới tá hỏa vì không hề có chuyện bán tháo căn hộ. Người bán hàng lấy danh vỡ nợ chỉ để đánh vào tâm lý giá đất rẻ và gây chú ý. Trên thực tế, các lô đất khu vực này rao bán 15-17 triệu đồng mỗi m2 nhiều nhan nhản - chị Hương bức xúc.
Không chỉ người mua mà chính khổ chủ của khu đất cũng đau đầu vì những lời quảng cáo mùi mẫn mà giới trung gian tự “sáng tác” ra. Ông Linh (Hà Nội) nói, ông đang có nhu cầu bán gấp một căn biệt thự ở khu Linh Đàm gần hai mặt đường rộng 14m và 17m , tuy nhiên không có chuyện bán tháo để trả nợ cho con. Nhà biệt thự rộng tới 230 m2, hướng Tây Nam trước vườn hoa, gần hồ, sổ đỏ, chính chủ được chào giá 95 triệu đồng mỗi m2. Năm ngoái, nhiều khách hỏi mua trả giá tới 116 triệu đồng mỗi m2 song ông lại không muốn bán, đúng đợt sau Tết, thị trường trầm hẳn ,giá chung cư biệt thự đều lao dốc nên ông đành bán rẻ chấp nhận lỗ. “Tôi đã ngoài 70 tuổi, muốn bán gấp để chuyển lên ở với con cái nhưng không hề có chuyện vỡ nợ như người môi giới nói. Vẫn biết môi giới rao vậy để dễ bán nhưng khi con cháu đọc được lời quảng cáo này, tôi cũng rất ngại”, ông chia sẻ…
Trên nhiều trang rao vặt, diễn đàn, không ít những dòng rao bán rẻ đến mức gây sốc. Hàng loạt các căn hộ chung cư cao cấp, lô đất nền, đất thổ cư rao bán giảm giá nhan nhản với mác “vỡ nợ”, thậm chí có trường hợp còn kể khổ: “Con trai của chủ nhà làm ăn thua lỗ nên bố bán để trả nợ cho con”, hay quảng cáo ấn tượng “bán nhà rẻ như cho không”... Khách hàng tên Thu cho hay, chị được một người bạn giới thiệu đang có mảnh đất cần bán gấp ở Phùng Khoang, gần khu đô thị mới An Lạc với giá 1,4 tỷ đồng và “sẵn sàng thương lượng”. Do vướng vào một vài chuyện riêng cần phải xử lý, nên người bán sẽ phá giá. Tuy nhiên, đến khi tìm hiểu, chị mới biết, khu đất này được rao bán từ năm ngoái, qua nhiều “kênh” khác nhau. Sau nhiều tháng chưa “đẩy” được hàng, môi giới buộc phải nghĩ ra chiêu trò vỡ nợ để kích thích trí tò mò của người mua. “Hỏi ra mới hay, khu đất buộc phải bán tháo vì đang vướng quy hoạch, có khả năng bị giải tỏa nên đưa ra giá rẻ chứ không hề có chuyện vỡ nợ”, chị chia sẻ. Có thể nói, lý do bán nhà giá “bèo” nhiều không kể hết: Từ việc sổ đỏ thế chấp ngân hàng đáo nợ, chủ nhà trốn nợ phải vay nóng, cho đến môi giới tự gắn mác bán tháo nhà đất để kích cầu… Đối với những trường hợp bán tháo vì vỡ nợ thật thường bị khách mua ép giá, và người bán do đang cần tiền gấp nên cũng dễ dàng thương lượng hơn. Thậm chí có những trường hợp, chủ nhà dễ dãi tới mức “khách mua bao nhiêu, bán bấy nhiêu”, miễn từ 30m2 trở lên để đủ điều kiện tách sổ.
Phạm tội quảng cáo gian dối?
Ông Đ.V.Q, giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM cho hay, áp lực bán tháo hiện nay đang diễn ra trên diện rộng do nhiều lý do, trong đó, vỡ nợ cũng là một khả năng. Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp vỡ nợ thật, có không ít người mượn danh này để đẩy hàng nhanh, gây sự thu hút của người mua. “Khi mang tiếng vỡ nợ, bán tháo, người rao bán sẽ tạo ra cảm giác giá bèo, giá rẻ bất ngờ. Đây là một chiêu marketing được nhiều môi giới cũng như người bán bất động sản sử dụng. Theo ông Q., hình thức mượn chiêu vỡ nợ bán tháo thường xảy ra đối với những đơn vị tư nhân, không sợ ảnh hưởng đến thương hiệu như các tổ chức hoặc doanh nghiệp bất động sản. Đưa ra hình thức bán tháo ảo chỉ làm người mua mất lòng tin và càng làm thị trường ế ẩm hơn.
Luật sư Trần Công Ly Tao, phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM nói về vấn đề này: Hành vi quảng cáo không trung thực để bán hàng có khả năng phạm vào tội quảng cáo gian dối được quy định tại Điều 168 Bộ Luật hình sự (BLHS). Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi trên hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước tình hình quảng cáo lộn xộn ở Việt Nam như hiện nay thì việc tăng mức xử phạt là cần thiết để chấn chỉnh tình hình. Được biết, Luật Quảng cáo vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2013 . Luật sư Lê Hoàng Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, luật này (Luật Quảng cáo) bao hàm rất rộng trên nhiều lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành, nhiều Bộ. Do vậy, trong hướng dẫn thi hành luật, Chính phủ cần thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó cũng cần có những quy định với thủ tục đơn giản khả thi nhất cho người dân, tránh những quy định rườm rà, tốn kém, đi lại mất nhiều thời gian khi họ cần được bảo vệ liên quan sản phẩm tiêu dùng.
(Theo PLVN)