Dồn dập tung ra các gói cho vay hàng nghìn tỷ đồng, áp dụng lãi suất thấp tới 12% mỗi năm, đẩy nhanh tốc độ xét duyệt... ngân hàng kỳ vọng thu hút khách vay mua và sửa chữa nhà dịp cuối năm.
Tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm cuối tháng 10 đạt chưa tới 3% so với cuối năm ngoái. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại TP HCM cho biết dư nợ cho vay tại ngân hàng này thậm chí còn âm khá lớn.
Từ thực tế này, cuộc đua tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay của các ngân hàng càng trở nên khốc liệt hơn khi thời gian còn lại của năm khá ít. Nhiều nhà băng đang căng đầu tìm cách thu hút khách vay tiền nhưng nhìn chung cửa giải ngân tín dụng hiện vẫn hẹp.
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tuy đang vào mùa chuẩn bị hàng Tết nhưng khá e dè tiếp cận vốn ngân hàng vì vướng hàng tồn kho, sức mua yếu... Duy nhất, kênh cho vay tiêu dùng mua nhà để ở và sửa chữa nhà dịp cuối năm là có vẻ khả quan nên các nhà băng đua nhau tung ra nhiều sản phẩm cho vay mới nhằm thu hút khách.
Chẳng hạn OCB giảm lãi suất 3 điểm phần trăm, còn 13,5% năm cho khách vay mua nhà, thời gian cho vay cao nhất là 15 năm và mức giải ngân tối đa là 1,5 tỷ đồng cho một khách hàng. Lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất tại HDBank cũng chỉ 8,6% một năm, áp dụng trong 3 tháng đầu tiên. Tổng hạn mức cấp tín dụng trong chương trình này của HDBank là 1.000 tỷ đồng.
Eximbank hôm qua cũng công bố gói cho vay 5.000 tỷ đồng dành cho khách mua nhà, sửa chữa nhà để ở. Lãi suất cố định trong 2 năm ở mức 12% một năm. Sau thời gian này, lãi suất cho vay mua nhà sẽ bằng lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng 2,5 điểm phần trăm. Mức cho vay tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo.
Các "ông lớn" như Vietcombank, Vietinbank, BIDV...cũng liên tiếp bung các gói cho vay mua nhà kéo dài đến hết năm nay. Lãi suất chỉ xoay quanh mức 12% trong 3-6 tháng đầu tiên, sau đó sẽ thỏa thuận lại với khách hàng dựa trên lãi suất thị trường.
Phó tổng giám đốc thường trực Eximbank Trần Tấn Lộc cho biết, gói 5.000 tỷ đồng này dự kiến sẽ được giải ngân 1.000 tỷ trong tháng 12 năm nay. Số vốn 4.000 tỷ còn lại sẽ giải ngân đến hết 6/2013.
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần khác chia sẻ thêm, nguồn vốn huy động bằng tiền đồng của ngân hàng ông hiện khá lớn. Thời điểm này nhà băng đẩy mạnh cho vay mua nhà cũng là cơ hội cuối cùng cải thiện tín dụng cũng như có thể giải ngân nguồn vốn huy động tiền đồng đang khá dồi dào.
"Ngân hàng tôi đang nghiên cứu để nới lỏng thêm điều kiện cho vay, đồng thời đưa ra mức lãi suất ưu đãi hơn nữa nhằm thu hút thêm khách hàng", ông nói.
Nhìn nhận về động thái mạnh tay chi cho việc vay mua nhà của các nhà băng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn khó khăn, sức cầu trong và ngoài nước suy yếu. Hàng tồn kho của doanh nghiệp vẫn còn ở mức cao. Trong đó, đặc biệt là tình trạng tồn kho bất động sản do bị đóng băng thị trường, khiến nợ xấu của bản thân doanh nghiệp cũng như ngân hàng tăng cao.
Ông Minh cho rằng, các ngân hàng đưa ra chương trình cho vay mua nhà để ở với những điều khoản thông thoáng hơn, lãi suất giảm còn quanh mức 12% cố định trong thời gian dài...sẽ giúp người vay yên tâm khi tiếp cận vốn. Theo ông, mua nhà để ở luôn là một nhu cầu lớn, nhất là đối với một nước có cơ cấu dân số trẻ như tại Việt Nam.
“Rõ ràng, với chiều hướng giá bất động sản giảm thấp là thời điểm tốt để ngân hàng đẩy mạnh sản phẩm vay mua nhà cho khách hàng, vì sự quan tâm của họ với sản phẩm này là có thực”, ông Minh nói.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea) Lê Hoàng Châu cũng thông tin, hiện TP HCM tồn kho khoảng 10.100 căn hộ chung cư, 1.000 căn nhà thấp tầng, 19.000m2 văn phòng và trung tâm thương mại. Hiện nay, giá bất động sản đang giảm sâu, thậm chí có nơi giá bán đã giảm đến 30%, có công ty bán chịu lỗ vẫn không bán được hàng. Do vậy, nhiều doanh nghiệp có dư nợ lớn, một số khoản vay đã trở thành nợ xấu cộng với lãi suất vay rất cao đang là gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Theo ông Châu nếu Hiệp hội này được hỗ trợ nguồn tín dụng tối đa 20.000 tỷ, lãi suất khoảng 8%, thời gian vay 8-10 năm dành cho những người mua căn hộ đầu tiên, có thể sẽ phá được băng bất động sản. "Riêng cá nhân tôi cho rằng, chỉ khoảng 10.000 tỷ là cũng có thể phá được tảng băng bất động sản cho TP HCM", ông nói.
Thừa nhận khó khăn của doanh nghiệp bất động sản, nhưng Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại chia sẻ, cho vay tiêu dùng là sản phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, nhà băng phải áp dụng những điều kiện ràng buộc và cân nhắc mức lãi suất sao cho có thể bù đắp chi phí, hạn chế một phần rủi ro.
(Theo Vnexpress)