Sẵn vốn lớn, muốn đầu tư, nhưng lại chưa biết đầu tư vào mảng gì, ở đâu. Đó là nghịch lý đang tồn tại trong một số không ít nhà đầu tư BĐS.
Vốn là người chuyên nghiên cứu thị trường bất động sản, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Việt Nam vẫn lấy làm suy tư với một kết quả khảo sát mới được Savills Việt Nam thực hiện nhằm phác họa chân dung người mua và nhà đầu tư bất động sản thời điểm này.
- Thưa ông, sau những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN, có dự báo thị trường có thể ấm lại từ quý III tới. Ai sẽ là người mua đủ sức làm nóng thị trường - giới đầu cơ, đầu tư hay người sử dụng cuối cùng?
Savills vừa có một cuộc khảo sát các nhà đầu tư bất động sản, qua đó chúng tôi nhận thấy, hiện đang tồn tại nhu cầu đầu tư của cá nhân vào bất động sản. Có những người đầu cơ cũ ra vào hợp lý nên vẫn còn khả năng để nhập cuộc. Mức giá hiện nay của thị trường cũng hấp dẫn những nhà đầu cơ mới và tạo động lực cho cả những nhà đầu tư dài hạn. Những người có nhu cầu mua bất động sản để ở cũng đang nghe ngóng thị trường đã chạm đáy hay chưa để hiện thực hóa dự định của mình. Nhu cầu mua bất động sản rõ ràng là rất thực và lúc nào cũng có.
- Ông có thể cho biết, hiện người mua cuối cùng quan tâm đến phân khúc nào và giới đầu tư dự định rót tiền vào đâu?
Người sử dụng cuối cùng quan tâm nhất đến phân khúc 1-3 tỷ đồng/ căn với gần 70% số người được hỏi. Trong khi chỉ có gần 30% người được khảo sát chú ý đến phân khúc 3-7 tỷ đồng/ căn và 0% người để ý đến loại hơn 7 tỷ đồng/căn. Nhưng với các nhà đầu tư cá nhân câu chuyện lại khác. Chính phân khúc 3-7 tỷ đồng/ căn lại chiếm đến gần 40% nhu cầu đầu tư, trong khi 1-3 tỷ đồng/ căn lại chỉ có gần 40% nhà đầu tư được hỏi để tâm.
Phân khúc hạng sang hơn 7 tỷ đồng/ căn cũng được số lượng không nhỏ nhà đầu tư quan tâm với con số xấp xỉ 25% nhà đầu tư được hỏi có ý định đầu tư. Tại Hà Nội, quận Cầu Giấy và Từ Liêm được các nhà đầu tư cá nhân quan tâm hơn cả. Ở thời điểm thị trường bất động sản trầm lắng nhưng họ cũng sẵn sàng đầu tư ra ngoài Hà Nội. Nhưng điều đáng nói ở đây, chính những nhà đầu tư càng có ý định đầu tư nhiều tiền lại càng ít chắc chắn về địa điểm đầu tư, về quy mô loại căn hộ đầu tư. Và đặc biệt, ý định đầu tư khoản tiền càng lớn nhà đầu tư lại càng ít yêu cầu cụ thể về thời điểm bàn giao nhà. Bản thân tôi cũng bất ngờ với kết quả khảo sát này.
- Vậy đằng sau nghịch lý "không rõ chính nhu cầu của mình" là câu chuyện gì, thưa ông?
Rõ ràng các nhà đầu tư cá nhân hiện có cả nhiệt tình lẫn tiềm lực để tham gia thị trường. Nhưng việc chưa biết rót vốn vào đâu, như thế nào lại cho thấy những giả thiết như, hoặc là nhà đầu tư không chuyên nghiệp, hoặc thị trường còn nghèo loại hình sản phẩm để đầu tư, cái đang được chào bán không phải cái họ muốn. Một khả năng nữa là kết quả này phản ánh chính tâm lý của thị trường, tất cả đối tượng tham gia thị trường đều đang bối rối.
- Nếu căn cứ vào kết quả trên, thì tồn tại một sự khác biệt giữa nhà đầu tư và người mua cuối cùng?
Các nhà đầu tư vẫn nhắm đến phân khúc 3-7 tỷ đồng/căn và hơn 7 tỷ đồng/căn bởi họ vẫn còn tâm lý kỳ vọng đầu tư "ra tấm ra món" để có mức lợi nhuận cao như trong quá khứ. Điều này phần nào phản ánh thực tế, các nhà đầu tư cá nhân vẫn thiếu hụt kiến thức cũng như chưa nắm được sự biến đổi của thị trường. Thay vì phải hướng đến cái nhìn tổng thể, nhắm đến đối tượng người sử dụng cuối cùng, các nhà đầu tư vẫn thường nghĩ đến cái tôi và cái lợi ngắn hạn.
- Ông đánh giá thế nào về dòng tiền vào thị trường bất động sản, liệu những nới lỏng về tín dụng cho lĩnh vực này có giúp thị trường hồi phục?
Có thể tưởng tượng thị trường bất động sản như một "bệnh nhân" đang ốm nặng. Việc mở van tín dụng cho chảy vào thị trường lúc này chỉ có ý nghĩa như truyền nước biển khiến bệnh nhân cảm thấy khá hơn chút nhưng không thể khỏi được bệnh. Nếu không giải quyết được cốt lõi vấn đề của thị trường thì sẽ không ai có thể biết được cần bao nhiêu tiền, bơm trong bao lâu mới có thể hồi phục được thị trường bất động sản. Cần phải cẩn trọng với quyết định bơm tiền vào thị trường vì đó chỉ là giải pháp ngắn hạn mà không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Thực tế, lượng vốn ở trong dân rất lớn. Lượng vốn này đọng trong vàng hoặc đang chảy vào chứng khoán và rất muốn được "hiện thực hóa" ở thị trường bất động sản. Các chủ đầu tư nên lắng nghe nhu cầu của những nhà đầu tư cá nhân và đặc biệt là người sử dụng cuối cùng. Đó là chìa khóa giải quyết vấn đề.
Xin cảm ơn ông!
(Theo DĐDN)