SearchNews

Nhiều điểm mới trong quản lý đất đai

08/03/2012 09:25

Đó là thông tin tại buổi họp báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường diễn ra vào chiều ngày 7/3. 

Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối thường trú tại địa phương đang sử dụng đất nông nghiệp có nguồn gốc đất do Nhà nước giao theo phương án giao đất nông nghiệp đã được phê duyệt trước đây nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được điều chỉnh thời hạn sử dụng đất đến năm 2033 (thêm 20 năm nữa) trên Giấy chứng nhận đã cấp.

Đó là thông tin tại buổi họp báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường diễn ra vào chiều ngày 7/3. Theo đúng quy định của Luật Đất đai 2003, khi hết thời hạn giao đất (20 năm đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy và 50 năm đối với đất trồng cây lâu năm và rừng sản xuất), nếu người dân có nhu cầu và trong quá trình sử dụng tuân thủ đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch sẽ được tiếp tục sử dụng phần đất đó mà không gây bất cứ sự xáo trộn nào. Luật Đất đai cũng đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giao đất. Nên người dân cần phải hiểu đúng, đầy đủ về bản chất của Luật.

Người đang sử dụng đất nông nghiệp do Nhà nước giao theo phương án giao đất nông nghiệp đã được phê duyệt trước đây sẽ được áp dụng thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận mà không phải làm thủ tục cấp mới.

Khi người sử dụng đất có nhu cầu thực hiện các quyền của người sử dụng đất (thế chấp, chuyển nhượng) thì đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để làm thủ tục điều chỉnh thời hạn trên Giấy chứng nhận.

Về gia hạn sử dụng đất nông nghiệp áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân không thường trú tại địa phương sử dụng đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp khó giao, khó chia, đất trống, đồi núi trọc, đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước… được các địa phương cho đấu thầu, giao, cho thuê có thời hạn đến nay đã hết thời hạn, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được gia hạn sử dụng. Người sử dụng đất phải làm thủ tục để được gia hạn sử dụng đất theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 trình Chính phủ xem xét vào tháng 6 năm nay, sau đó xin ý kiến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân để chỉnh sửa và trình Quốc hội vào kỳ họp tới. Hiện Chính phủ cũng đang thảo luận về vấn đề sửa đổi Luật Đất đai 2003; đồng thời đã giao các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết việc thi hành Luật Đất đai. Sắp tới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ bàn về vấn đề này.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính: Tính đến ngày 31/12/2011, đã thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính trên cả nước với tổng diện tích trên 25 triệu ha đất, chiếm 76% tổng diện tích cần đo đạc, trong đó tỷ lệ 1:200 là 15,30 nghìn ha; tỷ lệ 1:500 là 237,80 nghìn ha; tỷ lệ 1:1000 là 1.526 nghìn ha; tỷ lệ 1:2000 là 4.443, 80 nghìn ha; tỷ lệ 1:5000 là 3.181,50 nghìn ha, tỷ lệ 1:10.000 là 15.664,90 nghìn ha.

Qua đó, cho đến nay các địa phương trong cả nước đã cấp được 35.394.800 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 20.264 nghìn ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp đạt 85,1% diện tích, đất lâm nghiệp đạt 86,3%, đất nuôi trồng thủy sản đạt 83% diện tích cần cấp, đất ở nông thôn đạt 79,3%, đất ở đô thị đạt 63,5%...

Công Học

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu