Bản thân thị trường bất động sản (BĐS) là đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên Chính phủ cần có chính sách để tháo gỡ khó khăn.
“Thị trường BĐS phức tạp nhất và kém minh bạch nhất. Thị trường BĐS vẫn tiếp tục khó khăn. Vậy có nên cứu thị trường này không?” - nhận định này của TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, được bàn luận sôi nổi tại hội thảo Tác động của thị trường BĐS lên thị trường tài chính Việt Nam, những khuyến nghị chính sách. Hội thảo này được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Đại sứ quán Ailen tổ chức ngày 18-8. Những ý kiến góp ý tại hội thảo này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
70% vốn đổ vào BĐS là vay ngân hàng
TS Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định giá BĐS tăng nhanh hơn thu nhập của dân cư. Nhu cầu thì rất lớn nhưng giá cả thì luôn tăng mạnh, nguồn cung lại hạn chế. Biên độ giá thông thường như ở Trung Quốc, Thái Lan… chỉ tăng 15% trong một năm, trong khi ở VN là hàng 100%. Biến động giá phụ thuộc vào tin đồn, vào quy hoạch, hạ tầng… Người chịu rủi ro không ai khác là ngân hàng, nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Hiện dư nợ tín dụng BĐS là khoảng 245.000 tỉ đồng, tương đương 10% tổng dư nợ. Con số này ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… là khoảng 6%. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, 10% vẫn chỉ là con số thống kê trên sổ sách, còn thực tế chắc chắn tiền đổ cho BĐS còn lớn hơn nhiều vì có nhiều khoản cho vay tiêu dùng cũng được đầu tư cho BĐS. Đáng lưu ý là một số ngân hàng nhỏ có dư nợ BĐS chiếm 30%-40% tổng dư nợ. Bên cạnh đó là các khoản cho vay nội bộ rất rủi ro. Ước tính chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, nợ xấu BĐS tăng 37%, tương ứng 1.766 tỉ đồng so với cuối năm 2010.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho hay hiện có đến 70% vốn của thị trường BĐS là dựa vào ngân hàng nên rủi ro cho thị trường tài chính hay nói cách khác là cho nền kinh tế là rất lớn. Thị trường BĐS là có thể nổ bất cứ lúc nào nếu như không kiểm soát, giám sát tốt nguồn vốn.
Rủi ro lớn cho ngân hàng
Theo ông Nam, thị trường BĐS VN hiện chưa vỡ mà mới chỉ có dấu hiệu bong bóng thôi. Tuy nhiên, nó đã để lại hậu quả khá nặng nề cho các ngành sản xuất liên quan. Như ngành xi măng, liên tiếp năm tháng qua sản lượng giảm mạnh. Nhiều dây chuyền gạch men đóng cửa còn công nhân thì làm ba ngày/tuần. Bản thân thị trường BĐS là đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên Chính phủ cần có chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này.
Có nên cứu thị trường BĐS hay không? Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nếu nói cứu thì phải cứu cả thị trường chứng khoán, BĐS và ngân hàng. Tuy nhiên, cứu như thế nào là điều cần bàn.
“Từ nay đến cuối năm tín dụng BĐS vẫn tiếp tục bị thắt chặt, nên cứu thị trường BĐS hay là cứu các ông kinh doanh BĐS? Nhưng đứng trên quan điểm nền kinh tế quốc dân, không thể đáp ứng được vốn nhiều hơn cho ông nào kêu to hơn. Vì tiêu chí cần phải xem xét là trong bối cảnh hiện nay, thị trường BĐS hay thị trường chứng khoán phục vụ bao nhiêu người. Bài toán ở đây không thể trả lời có cứu thị trường BĐS không mà nền kinh tế này được xử lý như thế nào để thoát khỏi khủng hoảng?” - ông Thiên khuyến nghị.
Giá BĐS xuống 50% thì việc phát mại BĐS sẽ gây nguy cơ rủi ro gì đối với các ngân hàng? Ông Nghĩa cho hay, BĐS chiếm 50% tổng tài sản của các ngân hàng vì tài sản cho vay thế chấp hoặc cho vay trực tiếp đều có liên quan đến BĐS. Vì vậy, giá BĐS xuống gây rủi ro rất lớn cho ngân hàng. Tuy nhiên, ở VN chưa có dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ lớn đối với cho vay BĐS ngoài các ngân hàng nhỏ cho vay BĐS cao. Điều này đã được Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cho vay của các ngân hàng nhỏ có tỉ lệ cho vay BĐS lớn.
Lúc này có nên cứu thị trường BĐS? Theo TS Nghĩa, muốn cứu cũng không cứu được vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào nền kinh tế phục hồi đến đâu. Và ở VN nó còn phụ thuộc vào việc chúng ta kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; thu nhập của dân cư phải tăng cao, đồng thời khống chế lạm phát. Cùng với đó, ngân hàng có thể tăng cung tiền hoặc giảm lãi suất. Cho nên việc phục hồi thị trường BĐS phải chờ thời gian.
(Theo PLTPHCM)