Các chủ dự án tới tấp giảm giá bán hàng, nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng nóng ruột khi quyết tâm hạ giá bán để cắt lỗ. Bong bóng BĐS đã nổ? Đúng hơn là BĐS mới chỉ bắt đầu "xì hơi"
Khu đô thị Kim Chung Di Trạch (Hoài Đức), nhiều nhà đầu tư rao bán biệt thự, liền kề với giá 20 - 22 triệu đồng/m2. Hay Dự án Geleximco (Lê Trọng Tấn (Hà Đông), khu C, D, với giá hấp dẫn nhất chỉ từ 19 - 20 triệu đồng/m2. Đất liền kề, biệt thự tại Dự án Nam An Khánh cũng đang được nhiều nhà đầu tư “đại hạ giá” còn 19 - 20 triệu đồng/m2…
Trong khi các chủ dự án tới tấp giảm giá bán hàng, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng nóng ruột không kém trong việc hạ giá bán để cắt lỗ. Quả bóng bất động sản (BĐS) dường như đang được “xì hơi” toàn diện để tránh một hệ quả đổ vỡ của thị trường.
Sau một thời gian dài “án binh” để nghe ngóng, gần đây, nhiều chủ dự án đã đồng loạt chào bán sản phẩm ra thị trường. Để bán được hàng trong bối cảnh thị trường đang cạn kiệt thanh khoản, việc giảm mạnh giá bán là tất yếu.
Thực tế, nhiều chủ đầu tư dường như đã mất kiên nhẫn, khi chấp nhận giảm đến 30% giá bán với hy vọng sẽ bán được hàng. Thế nhưng, việc giảm giá sốc của nhiều chủ đầu tư vẫn không khiến thị trường ấm lên. Dù theo quy luật, thời điểm cuối năm là giai đoạn thị trường BĐS giao dịch sôi động nhất.
Không bán được hàng, các DN vốn rất khó khăn sau một thời gian dài thị trường đóng băng, có thể lâm vào tình trạng kiệt quệ. Vì khó khăn, các chủ đầu tư có thể phải dừng dự án để chờ đợi nguồn vốn mới; hoặc chấp nhận lỗ, tiếp tục giảm giá để bán được sản phẩm.
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Đình Châu, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư Mai Linh, chủ đầu tư Dự án Golden Palace (Mễ Trì, Từ Liêm), dự án vừa có đợt mở bán với giá giảm khoảng 10 triệu đồng/m2 căn hộ xuống còn 22,6 triệu đồng, cho rằng, đa số chủ đầu tư giảm giá thời gian vừa qua vẫn chưa kích thích được sức cầu, do đó làn sóng giảm giá có thể còn tiếp tục.
Đặc biệt, có một điều tưởng như nghịch lý là nhiều chủ dự án đã bán được đa số sản phẩm cũng chấp nhận giảm giá mạnh. Nguyên nhân là do đã vay một khoản không nhỏ từ ngân hàng để xây dựng dự án trước đó và hiện tại tiếp tục cần vốn hoàn thiện dự án đúng tiến độ để bàn giao cho khách hàng.
Trong khi các chủ đầu tư vẫn có xu hướng giảm giá bán, thì trên thị trường, nhiều nhà đầu tư cũng có biểu hiện hết kiên nhẫn, tiếp tục điệp khúc hạ giá… cắt lỗ.
Khảo sát tại nhiều sàn giao dịch BĐS và trên nhiều trang tin rao vặt mua bán gần đây cho thấy, tin rao bán căn hộ, nhà liền kề, biệt thự được nhà đầu tư gửi gắm tại các sàn và đăng tải liên tục nhiều tháng nay. Những tin rao vặt rất cũ về sản phẩm, nhưng thường xuyên được “làm mới” bằng các mức giá ngày càng thấp. Mức giảm giá nhiều hay ít phụ thuộc vào sản phẩm rao bán thuộc dự án có vị trí gần hay xa trung tâm; hoặc dự án ấy có tiến độ nhanh hay chậm. Căn cứ vào các yếu tố này, giá BĐS tại một số dự án đã giảm đến 50%, song giao dịch thành công vẫn rất ít.
Chẳng hạn, căn hộ Dự án Đô thị Dương Nội của Nam Cường được nhiều nhà đầu tư xả hàng mạnh thời gian qua với giá chỉ 16 - 17 triệu đồng/m2, thấp hơn giá gốc 7 - 8 triệu đồng. Thế nhưng, để bán được hàng, còn có người “cắt lỗ” bán trên thực tế với giá chỉ từ 12 - 14 triệu đồng/m2. Dự án căn hộ The Pride trước được rao bán 17 - 18 triệu đồng/m2, nay chỉ còn 14 - 15 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nhà liền kề, biệt thự tại nhiều dự án cũng được rao nhan nhản với giá thấp hơn mức rao bán các quý trước.
Một đại diện Sàn giao dịch Nhadat24h.net cho rằng, các tin rao bán BĐS với giá ngày càng giảm thời gian qua cho thấy tâm lý nhiều khách hàng có phần hoảng loạn. Ngoài ra, để tăng tính thanh khoản, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng giảm mạnh giá bán trực tiếp cho khách hàng, khiến giá thương lượng trên thực tế tiếp tục thấp hơn khoảng 30% so với mức giá đã rao bán trước đó.
Tình trạng các nhà đầu tư hết kiên nhẫn liên tục giảm giá bán để cắt lỗ đã tác động không nhỏ tới các chủ đầu tư dự án. Bởi khi ấy, các chủ đầu tư muốn tiếp tục hạ giá bán hàng để huy động vốn, việc bán được hàng cũng cực khó. Cụ thể, chủ đầu tư Hải Phát mới đây đã chấp nhận giảm 3 - 4 triệu đồng/m2 căn hộ dự án The Pride, nhưng không thể bán được hàng do không cạnh tranh được với các căn hộ đang được chính khách hàng của họ bán phá giá trên thị trường.
Việc giá BĐS tại thị trường sơ cấp và thứ cấp liên tục giảm cho thấy quả bóng BĐS vẫn đang tiếp tục xì hơi. Vấn đề là chưa biết đến bao giờ cung - cầu gặp nhau và thị trường cân bằng trở lại.
(Theo DTCK)