Có một thực tế đã tồn tại nhiều năm nay tại khu du lịch Hàm Tiến, Mũi Né (Bình Thuận), đó là người dân và du khách khó tìm được bãi tắm, thậm chí không có đường xuống biển bởi các khách sạn, resort đã xây dựng không còn chỗ trống.
Resort… lấn biển
Vô hình chung, khái niệm bờ biển là của các khu resort đang trở thành thông lệ được hiểu ngầm ở đây. Trong khi đó, các cơ quan chức năng khẳng định, chưa bao giờ có chủ trương khóa mặt biển như vậy. Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nơi đây, mà theo giới chuyên môn, còn hạn chế tiềm năng du lịch biển.
Ông Mai Um năm nay đã hơn 70 tuổi, sinh sống tại vùng đất này đã ngót 50 năm, nhà cách bờ biển chỉ 1 con đường (chưa đầy 100m), nhưng vài năm nay, ông không biết đường ra bãi biển bởi một khách sạn đã khóa tầm nhìn và cả đường ra biển.
Ông Mai Um, Người dân sống ở Hàm Tiến, Mũi Né (Bình Thuận) cho biết: “Làm gì còn đường mà xuống biển, không lẽ phải đi qua khách sạn, mà có đi qua, người ta cũng không cho. Dọc toàn bộ đất ở bên bờ kia, sát biển đã bán hết rồi. Người dân ở đây chẳng có đường xuống biển, khách đến đây cũng không ra bãi biển được”.
Dọc bờ biển tại Hàm Tiến - Mũi Né, các khu resort xây dựng sát vào nhau, không chừa một chỗ trống. Gần 10km bờ biển, có lẽ đây là con đường xuống biển duy nhất còn sót lại. Hàng ngày, người dân đi qua đây để xuống biển đánh cá, nhưng họ chỉ được sử dụng 1 khoảng nhỏ. Người dân cho biết, đất bên kia là của các khu resort.
Người dân ở Hàm Tiến - Mũi Né (Bình Thuận): “Chỉ có một phần nhỏ để chúng tôi đánh cá thôi, ra kia khách sạn người ta không cho. Trước kia, cả bãi biển dài, đứng đâu cũng được, nhưng bây giờ không được nữa. Bãi biển là của chung mà cớ sao, khách sạn rào lại cấm chúng tôi”.
Ông Trần Thinh, nguyên Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch tỉnh Bình Thuận khẳng định, chưa bao giờ tỉnh có chủ trương khóa mặt biển và cũng không có ai cấp bãi biển cho nhà đầu tư. Thậm chí, thời điểm ông còn công tác từ năm 1997 đến 2002, khu vực này đã quy hoạch để chừa ra 100m ven biển cho du khách và người dân cùng được xuống biển. Theo quy hoạch khu vực Hàm Tiến - Mũi Né có không ít đường xương cá xuống biển, nhưng không hiểu sao đến bay giờ lại không có…
Nói như ông Thinh thì có nghĩa là, các khu resort, khách sạn tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né xây dựng không theo như quy hoạch đã đề ra. Hiện cũng không có quy định nào về việc cấp bãi biển cho nhà đầu tư. Vậy nhưng chẳng có ai, hay cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm về việc này. Người dân cứ thấy cấm thì không dám vào. Và như thế, khái niệm bờ biển là của các khu resort như thông lệ được hiểu ngầm ở đây.
Dọc bãi biển Mũi Né có khoảng 100 resort, khách sạn. Giá để thuê một phòng tại đây vào khoảng vài chục cho đến vài trăm USD/ngày. Đây là mức giá quá cao so với đại bộ phận người dân. Giá thành cùng với sự liên kết chặt chẽ giữa các resort này vô hình chung đã tạo nên một hàng rào ngăn cách người dân với một trong những bãi biển được coi là đẹp nhất hành tinh.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, mà hiện diễn ra tràn lan ở nhiều tỉnh khác như Phú Quốc, Phú Yên. Theo ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, lối quy hoạch này không chỉ chiếm đoạt quyền lợi của người dân, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tiềm năng du lịch biển. Điều đầu tiên là giảm tiềm năng du lịch, khách du lịch không tiếp cận được với cảnh quan, rồi hàng loạt các dịch vụ khác không triển khai được...
Ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: “Đối với một số khu du lịch đã xảy ra tình trạng khóa mặt biển thì xử lý rất khó, nhưng vẫn phải có phương án để khắc phục. Còn đối với những khu du lịch mới hiện đã lỡ chia lô nhưng chưa xây dựng thì nên nhìn nhận và sửa quy hoạch ngay, phải mạnh dạn làm điều này. Thứ hai, cần bỏ ngay lối tư duy xây dựng đô thị cho xây dựng, quy hoạch khu du lịch, đây là 2 vấn đề khác nhau hoàn toàn”.
Cái khó hiện nay là mặc dù biết những bất cập trong quy hoạch ở Mũi Né, nhưng lại không dễ để điều chỉnh lại. Vì gần như toàn bộ diện tích suốt chiều dài 192 km bờ biển của Bình Thuận, chỗ nào cũng đã được giao cho các nhà đầu tư, tức là đất đã có chủ. Hay nói đơn giản là đất ven biển đã được bán hết. Lẽ dĩ nhiên, bài học về quy hoạch bờ biển không chỉ dành riêng cho tỉnh Bình Thuận.
(Theo VTV)