Hàng chục nghìn nhà thầu thi công, tư vấn và kiểm nghiệm trên cả nước tới đây sẽ chịu sự thanh lọc, quản lý cả về số lượng lẫn năng lực. Đây là khâu then chốt trong quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Dự thảo Nghị định về Quản lý chất lượng công trình Xây dựng vừa được Bộ Xây dựng trình lên Thủ tướng Chỉnh phủ đã có nhiều điểm mới đáng chú ý theo hướng giản lược từ 30-40% thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích, an toàn cho cộng đồng.
Đây là bước thay thế, sửa đổi Nghị định 209 năm 2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng cũng như Nghị định 49/2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ một số điều của Nghị định 209.
Kiểm soát thông tin nhà thầu
TS. Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đặt vấn đề, theo quy định hiện hành thì điều kiện đăng ký hoạt động kinh doanh của nhà thầu không khác gì với các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, nghĩa là đều thông qua Sở Kế hoạch đầu tư.
Đến ra thực tế công việc, chỉ có chủ đầu tư là người kiểm soát chất lượng nhà thầu. Điều này là thiếu chặt chẽ bởi nhiều trường hợp chủ đầu tư chọn nhà thầu là vì lợi ích riêng của chủ đầu tư mà không đứng trên quyền lợi chất lượng an toàn của cộng đồng. Trong khi ở góc độ Nhà nước, hoạt động xây dựng lại là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Để tăng cường quản lý, kiểm soát năng lực các nhà thầu, Nghị định mới khuyến khích các nhà thầu tự công bố danh tính, cập nhật thông tin về năng lực của mình trên trang thông tin điện tử do cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Xây dựng) quản lý. Điều này vừa giúp các chủ thể xã hội dễ dàng tìm kiếm thông tin nhà thầu, vừa có tác dụng đối với việc kiểm tra kiểm soát của các cấp quản lý.
Dự thảo cũng lần đầu tiên đề xuất đánh giá kết quả thực hiện công việc của các nhà thầu là tốt hay chưa tốt qua từng công trình dự án cụ thể và được cập nhật, đăng tải trên trang thông tin điện tử. Đây sẽ là một trong những tiêu chí để chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu ở các công trình tiếp theo.
Từ chỗ khuyến khích thông tin, công khai hóa năng lực, điểm đặc biệt là Nghị định mới áp chế: với những công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, chủ đầu tư phải lựa chọn nhà thầu đã được đăng ký và công bố thông tin về năng lực trên website nói trên. Như vậy chỉ những đơn vị rõ ràng, đầy đủ thông tin, năng lực mới được tham gia các công trình lớn, khắc phục được tình trạng mù mờ, "vàng thau lẫn lộn".
Giới hạn nhà thầu tư vấn phản biện
Theo thống kê của Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, trung bình mỗi năm trước, cả nước thường xảy ra 40-50 sự cố, sập đổ giàn giáo, công trình xây dựng, trên tổng số 50.000-60.000 dự án đầu tư, công trình được triển khai mỗi năm.
Quan điểm của cơ quan soạn thảo nghị định cho rằng, số lượng hàng nghìn nhà thầu phản biện (tư vấn, kiểm tra, thẩm định, giám định, chứng nhận sự phù hợp, các phòng thí nghiệm chuyên ngành...) so với các nhà thầu thi công là quá nhiều.
Tỷ lệ hiện tại ước chừng là 50/50, trong khi đáng lẽ, số lượng nhà thầu thi công, thực hiện phải giữ vai trò chủ đạo. Các nhà thầu tư vấn giám sát chỉ nên giữ ở con số giới hạn - một danh sách ngắn là vài trăm đơn vị đánh giá chuẩn, có uy tín, được Nhà nước chứng nhận, quản lý.
Có nên quản lý bằng cách quay lại cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực này hay không, bởi trước khi Luật Doanh nghiệp ra đời, cách đây chục năm, Nhà nước đã thống nhất cấp giấy phép hành nghề xây dựng, nhưng sau đổi mới quản lý, mở rộng thông thoáng trong kinh doanh thì thủ tục giấy tờ này đã bị bãi bỏ?
TS. Lê Quang Hùng bày tỏ băn khoăn các nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc vẫn áp dụng chứng chỉ hành nghề này trong khi ta lại coi đây là lĩnh vực kinh doanh không điều kiện. Hiện nay chưa thể khẳng định có quay lại việc quản lý bằng thủ tục nói trên hay không nhưng chắc chắn rằng, cơ quan quản lý sẽ từng bước thí điểm, đưa hoạt động này vào kiểm soát, tăng cường chế tài xử phạt.
Theo đó bên cạnh việc tăng cường thông tin, công khai minh bạch hóa hoạt động, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này sẽ được quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Ngoài hình thức phạt tiền tối đa lên tới 500 triệu đồng như trước đây, những trường hợp gian dối, vi phạm pháp luật trong chất lượng công trình xây dựng có thể bị dừng thi công, tước giấy phép kinh doanh xây dựng...
Tăng vai trò của người quyết định đầu tư
Theo pháp luật hiện hành, người quyết định đầu tư (Nhà nước) chỉ kiểm soát chất lượng thiết kế thông qua việc thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở. Thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công hoàn toàn giao hết cho chủ đầu tư. Điều này chưa đủ cơ sở để người quyết định đầu tư kiểm tra về đảm bảo an toàn công trình và dự toán xây dựng.
Mặt khác, trong thực tế nhiều chủ đầu tư không có chuyên môn về xây dựng đã thuê đơn vị tư vấn thẩm tra trước khi thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, nhưng hoạt động này nhiều trường hợp rất hình thức, không đảm bảo chất lượng thiết kế, dự toán, nhất là tại các công trình sử dụng vốn nhà nước.
Vì thế, dự thảo nghị định mới đề xuất, kiểm tra thiết kế của người quyết định đầu tư; kiểm tra thiết kế của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; kiểm tra việc nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Mở rộng, bổ sung quy định về quản lý an toàn thi công xây dựng. Thể hiện ở chỗ nếu trước đây quy định chỉ dừng ở an toàn lao động thì nay còn điều chỉnh, quản lý cả về an toàn công trình chính, an toàn công trình phụ trợ và lân cận; phân loại, kiểm soát các sự cố, rủi ro bất thường...
(Theo VEF)