SearchNews

Thị trường bất động sản 2012: Kỳ vọng vào cuối năm

22/03/2012 08:34

Có nhiều lý do để nhận định thị trường và các doanh nghiệp bất động sản còn tiếp tục khó khăn trong năm 2012. 

Có nhiều lý do để nhận định thị trường và các doanh nghiệp bất động sản còn tiếp tục khó khăn trong năm 2012. Tuy nhiên, cũng đã có những cơ sở để dự báo một triển vọng tốt hơn cho thời gian những tháng cuối năm, liên quan tới chuyện có hay không sự nới lỏng phần nào về chính sách tiền tệ.


Ở thời điểm sắp kết thúc quý 1 này, cả các nhà kinh doanh lẫn giới chuyên gia đều chỉ ra những tín hiệu được cho là khá lạc quan, như lạm phát bắt đầu xu hướng giảm, lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, nguồn kiều hối được dự báo sẽ tăng lên...


Phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh xung quanh câu chuyện triển vọng thị trường bất động sản.

- Theo ông, tín hiệu nào được cho là tích cực đối với thị trường bất động sản hiện nay?

Điều mà thị trường bất động sản mong muốn trong năm nay là nguồn tín dụng sẽ được nới lỏng hơn, từ nhiều phía. Sau đợt phát hành thành công trái phiếu Chính phủ, đã thu hút được trên 11.000 tỷ đồng, với lãi suất 11%/năm và dài kỳ từ 2-5 năm.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành hàng loạt tín phiếu với tổng giá trị trên 5.000 tỷ đồng để thu tiền về, với mức lãi suất cao hơn trái phiếu Chính phủ dao động khoảng 1,5%/năm. Rõ ràng, nguồn tín dụng nằm trong ngân hàng hiện đang rất dồi dào và chắc hẳn họ sẵn sàng tìm cửa để đầu tư, nếu có cơ hội. Ngân hàng cũng sẽ không thể tiếp tục huy động vốn với lãi suất 13% như hiện nay và do vậy trần lãi suất chắc chắn giảm là xu thế rất rõ ràng.

Vấn đề là tiền đã có trong ngân hàng nhưng chưa biết đổ vào đâu. Và việc lãi suất giảm là tín hiệu lạc quan đầu tiên đối với thị trường bất động sản.

- Nhưng lãi suất giảm không có nghĩa sẽ bớt khó khăn đối với thị trường bất động sản. Vì còn rất nhiều kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, tiền tệ... kể cả khu vực sản xuất, kinh doanh cũng hút vốn?

Vấn đề là rủi ro, cơ hội và năng lực tiếp nhận của từng kênh đầu tư. Thời gian qua, sự thăng trầm của thị trường chứng khoán, sự biến động của thị trường vàng và ngoại tệ đã cho các nhà đầu tư thấy thực tế và để chiêm nghiệm.

Trong năm nay, khu vực sản xuất, kinh doanh cũng được dự báo sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn nên ít có khả năng được tiếp cận với nguồn tín dụng lớn từ phía ngân hàng. Vì thế, nên xem đây là cơ hội lớn đối với thị trường bất động sản.

- Để tiếp nhận cơ hội này, theo ông, trước mắt, các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản nên làm gì?

 Vấn đề mấu chốt cần phải xử lý ngay là giá và cơ cấu thị trường bất động sản. Theo Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường nhà ở căn hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 37% là cao cấp, 28% trung bình và chỉ có 25% là nhà ở bình dân.

Thị trường nhà ở căn hộ tại Hà Nội lại chủ yếu là các căn hộ có diện tích lớn trên 100m2 và khoảng 40% là hạng cao cấp với giá bán trên 30 triệu đồng/m2. Như vậy là vẫn còn rất cao và vượt quá xa năng lực tài chính của số đông người dân. Và còn một khoảng trống khá lớn về thị trường các căn hộ có diện tích từ 30-70m2 hoặc đất nền có giá dưới 10 triệu đồng/m2 tại Thành phố Hồ Chí Minh và dưới 20 triệu đồng/m2 tại Hà Nội ở các vị trí hợp lý.

Một khi vấn đề giá, vấn đề cơ cấu thị trường bất động sản được giải quyết, cùng với các điều kiện kinh tế vĩ mô tốt lên thì thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng ấm lại và mở ra nhiều cơ hội, không chỉ cơ hội kinh doanh đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản, mà còn cơ hội tiếp cận nhà ở giá phải chăng đối với người tiêu dùng.

- Ông tiên lượng như thế nào về tương lai gần của thị trường bất động sản?

Người ta vẫn nói: "Điều đáng sợ nhất không phải là lúc đến cuối đường hầm mà là chúng ta không biết khi nào thì đến cuối đường hầm." Vì thế, nếu thị trường bất động sản đã ở cuối đường hầm thì phía bên kia sẽ là ánh sáng. Và chắc chắn sẽ nhanh chóng thoát ra khỏi đường hầm ấy.

Xin cảm ơn ông!

(Theo TTXVN)


Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu