SearchNews

Thị trường BĐS: Triển vọng mới từ nguồn vốn tín dụng

23/12/2014 08:04

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2014 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia mới đây cho thấy, thị trường BĐS có dấu hiệu phục hồi và nhiều triển vọng mới. Cụ thể, triển vọng tích cực từ các dòng vốn tín dụng, kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư của hộ gia đình.

Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang từng bước thực hiện chính sách mở về tín dụng đối với cho vay BĐS. Cụ thể, Thông tư 36/TT-NHNN (có hiệu lực từ 1/2/2015) có điều chỉnh: Giảm hệ số rủi ro từ 250% xuống 150% với các khoản khó đòi trong cho vay BĐS; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tăng từ 30% lên 60%.

Thị trường BĐS có nhiều triển vọng mới từ nguồn vốn tín dụng.
Thị trường BĐS có nhiều triển vọng mới từ nguồn vốn tín dụng.

Với chính sách giảm hệ số rủi ro với các khoản khó đòi và tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, NHNN được đánh giá là đang truyền đi thông điệp mở rộng tăng trưởng tín dụng BĐS. Đây được xem là "cú hích" đối với thị trường thời gian tới.

Trước đó, tháng 2/2011, Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã được Chính phủ ban hành. Trong Nghị quyết có nội dung chỉ định giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực kinh doanh phi sản xuất, nhất là lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, BĐS. Sau đó, Thông tư 13/TT-NHNN ra đời, xếp các khoản vay của các công ty kinh doanh BĐS và các khoản vay của các công ty chứng khoán vào nhóm có hệ số rủi ro 250%. Đồng thời, NHNN cũng siết chặt các điều khoản vay cho kinh doanh BĐS, xây dựng kịch bản để vào cuối năm giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất xuống 16%.

Tuy nhiên, hiện thị trường BĐS đã "dễ thở" hơn với hàng loạt động thái nới lỏng, hỗ trợ khi ngành ngân hàng đã đạt được kết quả nhất định trong tái cơ cấu. Đặc biệt, ngày 20/11, NHNN ban hành Thông tư 36/TT-NHNN có hiệu lực ngày 01/2/2015, quy định tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 30% lên 60%, đây là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động cho vay mua nhà.

Ngoài ra, dư nợ tín dụng, giá nhà ở... đang có xu hướng giảm về mức phù hợp. Phó tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Đình Tuệ,  cho rằng: Sở dĩ, 11 tháng đầu năm 2014, dư nợ tín dụng của Ngân hàng tăng 11% là do nguồn vốn đóng góp từ khối khách hàng cá nhân (chiếm hơn 50% tổng dư nợ). Trước tình hình thị trường BĐS ấm lên, lãi suất giảm, nguồn cầu tăng, việc NHNN cho phép tăng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn lên 60% là cần thiết.

Phó tổng giám đốc Nam A Bank, ông Trần Ngọc Tâm cũng chia sẻ, Nam A Bank luôn chú trọng khai thác đối tượng cho vay mua nhà để ở và có nguồn trả nợ từ lương. Hiện, ngân hàng cho vay mua nhà lãi suất từ 9,9%/năm. Theo ông Tâm, trong thời gian tới, khi chính sách tiền tệ dần có hướng mở với hoạt động cho vay BĐS, tín dụng nhà ở sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu