SearchNews

Thị trường đổi màu

13/10/2006 08:08

Các nhà đầu tư châu Á đến từ Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore cùng nhiều quỹ nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội rót vốn vào thị trường bất động sản VN, thông qua việc mua lại dự án đang hoạt động, thay vì khởi động từ khâu thuê đất như trước kia.

Các nhà đầu tư châu Á đến từ Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore cùng nhiều quỹ nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội rót vốn vào thị trường bất động sản VN, thông qua việc mua lại dự án đang hoạt động, thay vì khởi động từ khâu thuê đất như trước kia.

"Hơn 500 USD cho một phòng họp rộng chừng 30-40m2 trong vòng 2 giờ tại khách sạn Guoman", Tổng giám đốc CBRE Marc Towsend lấy ví dụ cho sự khan hiếm và khó khăn khi thuê phòng họp tại Hà Nội ở thời điểm này. Ông cho biết thêm giá thuê văn phòng hạng A tại hai thành phố lớn nhất cả nước hiện tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Có những văn phòng được khách thuê sẵn sàng trả tới 40 USD/m2 mỗi tháng, tăng 10 USD so với quý trước.

Thị trường căn hộ cho thuê cũng nóng không kém. Hiện Hà Nội có 1.222 căn hộ cho thuê hạng A và B, hiệu suất sử dụng gần 99%. Số lượng người nước ngoài tiếp tục gia tăng khiến ngay những căn hộ tầm trung tại Trung Hòa Nhân Chính tăng giá cho thuê từ 600 USD lên 800 USD mỗi tháng.

Trong bối cảnh đó, một loạt dự án lớn đang được đẩy nhanh tiến độ. Tại Hà Nội, tháp BIDV do nhà đầu tư Singapore bỏ vốn 44 triệu USD đã hoàn tất thủ tục, tòa nhà Hanoi City Complex do Luxembourg đầu tư vốn 115 triệu USD đang khởi động. Theo quy hoạch, gần Trung tâm hội nghị quốc gia sẽ có thêm 4 khách sạn 5 sao, một của Bitexco, 1 tại Khu đô thị Đông Nam và 2 khách sạn của nhà đầu tư nước ngoài.

TP HCM cũng đang triển khai một loạt dự án xây dựng tổ hợp văn phòng, căn hộ, trung tâm thương mại như Saigon Pearl do Hong Kong đầu tư 156 triệu USD, Saigon Sport City do Singapore đầu tư 130 triệu USD, Kumho Asiana Plaza (Hàn Quốc) vốn 223 triệu USD, Saigon Happiness Square (Đài Loan) 428 triệu USD, Tháp Bonday Bến Thành (Hong Kong) 55 triệu USD.

Khoảng cách từ tìm hiểu đến đầu tư

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản hiện chiếm 18,3% tổng lượng vốn FDI và có khả năng tăng mạnh trong vài năm tới.

Trong 2 tháng trở lại đây rất nhiều hội thảo thu hút đầu tư nước ngoài đã được các công ty, quỹ đầu tư tổ chức cả trong và ngoài nước. Trong hội nghị do VinaCapital chủ trì diễn ra tại Hong Kong từ ngày 11 đến 13/10, phần giới thiệu về thị trường bất động sản VN đứng ở vị trí đầu tiên. Điểm khác biệt so với trước đây là khách tham dự hội nghị gồm các nhà đầu tư chứ không phải những nhà phát triển dự án. Điều này có nghĩa, nhiều đại gia sẵn tiền muốn mua lại dự án đang khai thác hoặc rót tiền cho các quỹ đầu tư bất động sản tại VN. Trước kia đầu tư bất động sản chỉ gói gọn ở hình thức tiến hành lập liên doanh rồi xin đất, thực hiện dự án từ đầu.

Tuy nhiên điều đáng quan tâm là làm thế nào để nhà đầu tư chuyển từ tìm hiểu đến quyết định dốc hầu bao. "Số dự án kêu gọi đầu tư nhiều nhưng hồ sơ được trình bày nghèo nàn chưa bộc lộ được tính khả thi. Thông thường hai bên mất rất nhiều thời gian để đi đến quyết định hợp tác, điều này có thể khiến nhiều cơ hội bị bỏ qua", Tổng giám đốc CBRE Marc Towsend nhận xét.

Gần 30 năm định cư ở Na Uy, bà Lệ Tân, vốn là một kiến trúc sư, rất ấn tượng với dự án xây dựng căn hộ giá rẻ nhưng không khỏi lo lắng về sự chưa rõ ràng của luật pháp. Những nhà đầu tư như bà chỉ biết “lờ mờ” các chính sách trên giấy tờ, qua báo chí nhưng khi đi vào thực tế lại thấy khác quá xa.

Bà Lý Thanh Hiền, Giám đốc nguồn nhân lực Công ty Archetype Vietnam muốn thành lập công ty cung cấp dịch vụ quản lý bất động sản nhưng lại băn khoăn không biết thực thi theo Luật Đầu tư đã có hiệu lực hay Luật kinh doanh bất động sản sẽ có hiệu lực vào năm 2007.

Ngay tại Hội thảo thu hút đầu tư nước ngoài do IDJ tổ chức đầu tuần này tại Hà Nội, Tổng giám đốc Citibank cũng chưa nhận được lời giải đáp thỏa đáng về chuyện tham gia góp vốn cho một dự án bất động sản tiềm năng.

 Phong Lan

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu