Chính phủ của một loạt các quốc gia ở châu Á đang cố gắng tìm những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn bong bong trên thị trường bất động sản.
Tại quốc gia đông dân nhất trên thế giới, sau khi nhà chức trách nước này ban bố hàng loạt các biện pháp cứng rắn như định mức giá trần, thắt chặt tín dụng và hạn chế những người đã có nhà muốn mua thêm bất động sản…thì giá nhà đất tại đây trong tháng 5 vừa qua vẫn không hề có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp mạnh tay nhằm hạn chế những giao dịch mua bán bất động sản trong thời điểm nhạy cảm hiện nay, cụ thể là việc hạn chế tín dung đối với những đối tượng mua căn nhà thứ ba cũng như thắt chặt điều kiện chi chải đối với người mua căn nhà thứ hai (diện đối tượng được mua căn nhà thứ hai cũng được kiểm soát rất chặt chẽ.)
Thực tế cho thấy mặc dù giá nhà đất tại Trung Quốc chưa giảm nhưng doanh số bán hàng của các công ty bất động sản cũng đã có những biến động lớn. Những con số thống kê cho thấy, doanh số kinh doanh bất động sản tại một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm tới 70% trong tháng 5 năm 2010.
Ở đặc khu Hong Kong, bất chấp những động thái cam kết gia tăng nguồn cung đi kèm với những chính sách hạn chế được nhà chức trách đưa ra, những số liệu thống kê vẫn cho thấy, thị trường này hiện đang ở trong giai đoạn tăng trưởng nóng nhất kể từ năm 1997 cho tới nay.
Những diễn biến tại hai thị trường lớn khác của khu vực châu Á là Singapore và Đài Loan cũng tương tự như những gì đang xảy ra ở Trung Quốc và Hong Kong.
Nhìn chung, tác động mà những chính sách và biện pháp mà giới chức của các nước đưa ra chưa thể ngay lập tức “làm mát” được giá nhà đất đang “nóng rẫy” mà mới chỉ có thể tác động đến thị trường chứng khoán khi cổ phiếu niêm yết của các công ty bất động sản đã liên tiếp giảm điểm.
Theo đó, chỉ số chứng khoán cổ phiếu bất động sản trên thị trường châu Á Thái Bình Dương tính tới thời điểm này của năm 2010 đã giảm 15% trong khi đó theo chiều ngược lại, cổ phiếu của các công ty bất động sản Mỹ lại tăng 1,5%.
Đề cập đến vấn đề trên, quỹ tiền tệ IMF cũng đã đưa ra cảnh báo cho rằng việc giá nhà đất tại châu Á tăng quá cao sẽ dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn và rủi ro cao đối với ổn định tình hình tài chính. Việc chính phủ các nước nỗ lực đưa ra những biện pháp hạn chế sức nóng của thị trường là cần thiết để tránh những rủi ro giống như những gì đã xảy ra tại thị trường nhà đất Mỹ.
Hùng Cường (Theo Bloomberg)