SearchNews

Tìm “thuốc” cho thị trường vốn

05/11/2011 11:35

Mạnh dạn cho phá sản những DN bất động sản nào làm ăn chụp giật, không có chiến lược, đầu tư quá tay và vay vốn nhiều…

Mạnh dạn cho phá sản những DN bất động sản nào làm ăn chụp giật, không có chiến lược, đầu tư quá tay và vay vốn nhiều…

Giá bất động sản (BĐS) sụt giảm nhưng chưa chắc bán được, kênh chứng khoán ảm đạm, kém thanh khoản, nợ xấu trong ngân hàng đang gia tăng và DN đói vốn vì lãi suất cao… Đó là những bộc lộ của một thị trường vốn đang bất ổn.

Làm thế nào để lành mạnh thị trường tài chính, để nguồn vốn rót một cách ổn định và bền vững cho mọi thành phần kinh tế? Dưới đây là một số ghi nhận ý kiến các chuyên gia.

GS. Cao Cự Bội, nguyên giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: Phân loại ngay ngân hàng yếu kém

Tôi cho rằng trước mắt phải sắp xếp lại các ngân hàng để phân loại. Bởi vì chúng ta đã quá dễ dãi khi mở ra quá nhiều ngân hàng trong khi có những ngân hàng quy mô và khả năng chỉ nên là quỹ tín dụng ở tỉnh.

Sau phân loại phải phân định nguồn vốn hoạt động của ngân hàng đó thành hai loại: Vốn do ngân hàng tự có hay tất cả là đi vay. Từ đây chúng ta sẽ tính toán nên sáp nhập, mua bán như thế nào. Nếu vốn đi vay nhiều hơn thì nên hợp nhất các ngân hàng này lại để thành ngân hàng mạnh hoặc ngân hàng lớn mua lại ngân hàng nhỏ. Trong trường hợp một số ngân hàng quá yếu thì phải dùng biện pháp mạnh tay hơn.

Thế nhưng cũng cần có sự phân biệt trong chính sách. Chẳng hạn như phân biệt đối tượng gửi là ai với lãi suất như thế nào cho phù hợp. Bởi các ngân hàng muốn hoạt động chuyên sâu thì phải xác định lại đối tượng khách hàng của riêng mình.

T.S Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế: Kiểm tra “sức khỏe” những ngân hàng cho vay BĐS nhiều

Phải nói lượng tiền cho vay của ngân hàng vào các dự án BĐS rất lớn, khoản cho vay BĐS chiếm trên 30% tổng dư nợ. Nếu khoản vay này chưa thanh toán được sẽ khiến các ngân hàng thiếu thanh khoản, không đủ tiền để trả cho chủ tài khoản, người gửi... dẫn đến một hiệu ứng rủi ro dây chuyền.

Do đó, NHNN cần điều tra “sức khỏe” của các ngân hàng, nhất là các khoản cho vay BĐS không thu hồi được vốn. Nếu ngân hàng cho vay số nợ hàng chục tỉ đồng thì cứ để cho phá sản, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không nên cứu. Tái cấu trúc ngân hàng không phải là NHNN ôm cục nợ vào mình, cái nào làm ăn tốt, quản lý tín dụng hợp lý thì nên khuyến khích giúp đỡ để làm sạch hệ thống ngân hàng.

Hiện còn hơn 30 ngân hàng nhỏ cần sàng lọc. Ngân hàng nào quản lý tốt, phải giúp đỡ cho họ lớn mạnh hơn về công nghệ, con người, năng lực quản lý...

Việc để các ngân hàng nhỏ sáp nhập vào ngân hàng lớn không phải là điều dễ làm. Các ngân hàng lớn nếu muốn sáp nhập thì phải lựa chọn những ngân hàng đang hoạt động tốt. Bởi sáp nhập nghĩa là ngân hàng lớn phải lãnh cả những khoản nợ khó đòi và nợ xấu của ngân hàng nhỏ.

T.S Hoàng Công Gia Khánh, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế Luật TP.HCM: Có những giải pháp kỹ thuật để sáp nhập

Một ngân hàng yếu kém muốn tái cấu trúc có nhiều vấn đề cần phải giải quyết như tiền gửi, tiền lãi của hàng ngàn khách hàng. Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, mức quy định hiện nay là 50 triệu đồng. Trường hợp số tiền cao hơn thì sẽ giải quyết theo Luật Phá sản. Việc tái cấu trúc không chỉ diễn ra vài tháng mà kéo dài đến vài năm.

Khoảng năm 1996 đã từng diễn ra việc tái cấu trúc Ngân hàng Việt Hoa. Khi ấy chúng ta đã mất cả chục năm để xử lý các vấn đề quanh nó. Một câu chuyện khác, trước đây NHNN đã từng chỉ đạo Vietcombank mua lại cổ phần của Ngân hàng Gia Định, NHNN đóng vai trò là chủ sở hữu. Còn hiện nay không thể ép các ngân hàng cổ phần mua lại, bởi khi đã cổ phần rồi thì họ luôn tính toán việc mua lại ngân hàng yếu có đem lại lợi ích gì cho mình hay không.

Chính vì thế theo tôi, trong trường hợp này, NHNN sẽ có những giải pháp kỹ thuật khác nhau để vẫn tiếp tục tiến hành tái cấu trúc ngân hàng trong các trường hợp.

Quy mô vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu hay thậm chí là tổng tài sản dứt khoát không thể là mục tiêu cần hướng đến khi tái cấu trúc mà cần tập trung vào sự an toàn và hiệu quả của từng ngân hàng riêng lẻ theo hướng bám sát các tiêu chuẩn an toàn của Hiệp ước Basel (những tài liệu hướng dẫn những quy định nâng cao công tác quản lý rủi ro tín dụng, tăng cường các giải pháp kiểm soát rủi ro của hệ thống ngân hàng). Trong bối cảnh kinh tế của chúng ta thì bám sát các tiêu chuẩn an toàn của Hiệp ước Basel nhưng phải xây dựng một chuẩn riêng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM: “Cứu” có chọn lọc DN BĐS

Theo tôi, với những DN BĐS nào đầu tư quá tay, không nghiên cứu thị trường, không có chiến lược và vay vốn quá nhiều… thì cứ để cho phá sản. Tuy vậy thời điểm này Chính phủ nên cứu, bơm vốn các dự án BĐS sắp hoàn thành, bơm cho dự án dành cho đối tượng thu nhập trung bình vì bên cạnh yếu tố lành mạnh tài chính còn là vấn đề an sinh xã hội. Mặt khác, cứu DN BĐS có chọn lọc như trên cũng sẽ tránh đi hiện tượng domino trong lĩnh vực tài chính.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Ngọc Trường Linh: Hướng đến sự ổn định

Bất ổn của lĩnh vực BĐS, chứng khoán và lãi suất cao lúc này theo tôi nguyên nhân là do một thời gian dài vốn tín dụng ngân hàng bơm vào nền kinh tế quá lớn. Bình tĩnh xem xét lại thì thấy các năm trước nền kinh tế tăng trưởng nhanh, sôi nổi đều do vốn từ ngân hàng hà hơi tiếp sức, có năm tăng trưởng tín dụng lên gần 70%-80%.

Cho nên khi BĐS ảm đạm, chứng khoán lao dốc, lãi vay cao… chúng ta cần phải quyết liệt tái cấu trúc lại cả thị trường vốn. Tái cấu trúc nhanh, nhất là lĩnh vực ngân hàng nhưng phải định hướng để cho thị trường vốn thông suốt, ổn định và hướng vào mục tiêu bền vững để nguồn vốn có thể phục vụ cho nhiều thành phần kinh tế.

Ngân hàng phải báo cáo dư nợ cho vay BĐS cho NHNN

Ngày 4-11, NHNN đã có Văn bản số 8641 gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu báo cáo dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS.

Theo đó, thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở) báo cáo một số thông tin về tín dụng liên quan đến BĐS chậm nhất vào ngày 9-11.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ của các thông tin báo cáo cho NHNN.

(Theo Pháp Luật TPHCM)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu