Bước sang năm 2012, câu chuyện về vốn cho thị trường bất động sản vẫn là câu hỏi lớn khi những chính sách tín dụng cho bất động sản chưa sáng sửa, cộng với nhiều biến động của thị trường.
Đau đầu nguồn vốn
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành, thị trường bất động sản năm 2011 đã trải qua nhiều bước thăng trầm, trong đó khó khăn lớn nhất của thị trường đó là nguồn vốn đầu tư, do chính sách thắt chặt tín dụng. Đến nay khi kết thúc năm thị trường vẫn trong chiều hướng ảm đạm, và được dự báo còn tiếp tục khó khăn hơn khi bước sang năm 2012. Năm 2012 chắc chắn là khó khăn hơn năm 2011 vì tình hình kinh tế còn khó khăn.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển nhà Thủ Đức nhận định, thị trường bất động sản vốn đã trầm lắng nay lại càng khó khăn hơn khi thiếu nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, nhu cầu vay vốn để đầu tư bất động sản bị hạn chế, đầu ra các dự án tắt nghẽn, sản phẩm không tiêu thụ được, cầu trên thị trường cạn kiệt.
Chính sách bất ngờ được ban hành và thực thi, đã làm nhiều doanh nghiệp bất động sản không kịp chuyển đổi cơ cấu kinh doanh, nhiều dự án đang thực hiện dang dở không thể thu hút thêm vốn để triển khai dẫn đến tình trạng bị đình trệ hoặc tạm hoãn, khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản phải oằn mình gánh chi phí lãi vay và các chi phí đầu vào liên tục tăng cao.
Nếu việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP được triển khai một cách nghiêm túc thì vào giai đoạn cuối năm các ngân hàng sẽ phải gia tăng siết nợ để thu hồi vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Trong khi đó tình hình kinh tế rơi vào suy thoái, nguồn vốn cho thị trương bất động sản hầu như cạn kiệt. Nên từ đây đến cuối năm các doanh nghiệp bất động sản sẽ chịu áp lực về việc thu hồi vốn rất lớn. Do đó tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư thứ cấp cũng như những người có nhu cầu về nhà ở thực sự đều kỳ vọng giá bất động sản sẽ tiếp tục sụt giảm trước áp lực siết nợ của ngân hàng dẫn và kết quả là thị trường càng trở nên trầm lắng.
Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng một thời gian nữa cho đến khi tình hình thanh khoản của ngân hàng bớt căng thẳng và lạm phát có dấu hiệu suy giảm thì mặt bằng lãi suất mới hạ nhiệt và các chủ thể trên thị trường bất động sản mới có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý hơn.
Tìm lời giải
Trong tình hình khó khăn như hiện nay, ông Hiếu cho rằng, chỉ còn cách các doanh nghiệp bất động sản muốn tồn tại và vượt qua khủng hỏang thì cần phải chấp nhận thay đổi để tái cơ cấu lại doanh nghiệp, phải biết sắp xếp tổ chức lại hệ thống, chủ động bố trí lại nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí... Ngòai ra phải điều chỉnh phương hướng kinh doanh, đưa ra các chiến lược phù hợp để thích nghi được với sự thay đổi khắt nghiệt của thị trường.
Một giải pháp khác được ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland đề xuất là quỹ đầu tư bất động sản. Ông Hoàng cho rằng, đây là mô hình phổ biến mà nhiều nước đang làm đạt hiệu quả là quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư phát triển bất động sản, quỹ tín thác bất động sản, quỹ đầu tư thế chấp bất động sản …
Ông Đực, giám đốc công ty Đất Lành cho rằng, hiện nay một số sản phẩm bất động sản không còn phù hợp với thị trường. Nhu cầu của người dân hiện nay là dưới 1 tỷ đồng/căn hộ nhưng thị trường lại chủ yếu là căn hộ từ 2-3 tỷ đồng. Do đó, thị trường rơi vào khủng hoảng vừa thừa vừa thiếu.
Nếu Bộ xây dựng không có chính sách kịp thời, và nhanh chóng ban hành những quy định cho xây dựng các căn hộ có diện tích nhỏ 30-60m2 với trị giá 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí là phá sản.
Năm 2012 là năm thị trường sẽ cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Thậm chí là tính sống còn, doanh nghiệp nào đủ khôn ngoan, đủ bản lĩnh thì mới có thể sống được. Còn doanh nghiệp nào yếu về tài chính, yếu về nhân lực, yếu về khoa học công nghệ có thể sẽ không tồn tại.
Duy Anh