> Bất động sản: Doanh nghiệp ít vốn sẽ bị loại
> Nhà đầu tư thứ cấp đang ồ ạt bán bất động sản “lúa non”
Theo Công văn số 8844/NHNN-CSTT ngày 14/11/2011 của Ngân hàng Nhà nước, có 4 nhóm tín dụng được đưa ra khỏi rổ phi sản xuất. Có thể nói đây là dấu hiệu tốt về tín dụng cho bất động sản.
Theo nội dung của văn bản số 8844 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 4 nhóm tín dụng được đưa ra khỏi rổ phi sản xuất là: (1) Nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay; (2) Xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; (3) Xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê với giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở do UBND cấp tỉnh ban hành mà chi phí xây dựng nhà ở hoặc chi phí tiền thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập DN; (4) Xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 01/01/2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hiệp hội Bất Động Sản Việt Nam cho biết, sau khi có thông tin từ NHNN, những người thực sự có nhu cầu mua nhà ở, đặc biệt là nhà thu nhập thấp, các doanh nghiệp, ... đều rất vui, chờ đợi và hi vọng, bởi đây là biện pháp tốt, một chính sách hợp lý.
Ông Minh cho rằng tại thời điểm này, với mặt bằng lãi suất cao, mục tiêu hỗ trợ để giúp thị trường bất động sản (BĐS) ấm lên tuy khó nhưng vẫn khả thi.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, thị trường BĐS là thị trường lớn, có sức ỳ cao, do vậy mỗi chính sách cần có độ trễ nhất định, không thể kỳ vọng đem lại tác động tích cực ngay lập tức.
Vị chuyên gia này phân tích, trong bối cảnh mục tiêu kiềm chế lạm phát đang được quan tâm hàng đầu, thì việc thị trường BĐS gặp khó khăn là tất yếu, do vậy thị trường phải tự vượt qua chứ không nên trông chờ vào việc tăng tín dụng.
Về giải pháp lâu dài hơn cho thị trường BĐS, ông Nguyễn Trí Hiếu, thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng An Bình cho rằng nên tìm hiểu mô hình của các Quỹ tiết kiệm, quỹ đầu tư nhà ở.
Ông bày tỏ sự đồng tình với chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ khi yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng Đề án nhà ở cho thuê và Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở.
Qua khảo sát, hiện tại các ngân hàng không hề gặp khó khăn về vốn dành cho 4 nhóm đối tượng vừa được nới lỏng.
Ngân hàng An Bình (ABBank) bắt đầu triển khai chương trình “Dễ dàng vay vốn - Sở hữu căn nhà mơ ước”, hỗ trợ cho các khách hàng cá nhân có nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công vay vốn để sửa chữa, mua nhà/đất để ở.
Khách hàng có thể vay tối đa 90% tổng nhu cầu vốn và không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo có thể là chính căn nhà/đất dự định mua hoặc bất động sản của bên thứ 3 là cha mẹ, anh chị em ruột. Việc thanh toán thực hiện theo gốc và lãi trả hàng tháng theo dư nợ giảm dần.
Cùng thời điểm, Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cũng tung ra chương trình cho vay mua nhà dự án với lãi suất ưu đãi 19%/năm. Ngân hàng này cho vay tối đa 80% giá trị căn nhà trong thời hạn lên tới 120 tháng. Khách hàng có thể sử dụng chính căn nhà vay vốn để mua làm tài sản đảm bảo khoản vay. Khách hàng lựa chọn phương thức trả gốc hàng tháng/quý hoặc cuối kỳ tùy vào thời hạn vay và khả năng trả nợ của mình…
Tuy chưa có thống kê của các ngân hàng về dư nợ tín dụng cho 4 nhóm đối tượng vừa được nới lỏng, nhưng tại một số trung tâm giao dịch bất động sản đã thấy tín hiệu số người rao bán nhà đã không còn nhiều như trước trong khi số người hỏi mua đã tăng lên.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, tác động làm giảm thanh khoản của một số thị trường khác, thì tín hiệu của NHNN, cùng với đó là sự hưởng ứng, tuy vẫn ở mức dè dặt, từ các ngân hàng thương mại là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện, cần có những tiêu chí minh bạch, công khai và được kiểm soát chặt chẽ để tránh việc lợi dụng chính sách để phục vụ những lợi ích nhóm, và quan trọng hơn, để vẫn đảm bảo thực hiện được mục tiêu cao nhất của Nghị quyết 11 của Chính phủ là kiềm chế lạm phát.
(Theo Chinhphu.vn)