SearchNews

Trung tâm thương mại "đua nhau" mọc

25/09/2014 07:32

Vào những tháng cuối năm, Hà Nội và Tp.HCM đang "đua nhau" đập chợ xây siêu thị, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng của các trung tâm này như thế nào sau khi xây dựng thì không ai dám khẳng định chắc chắn.

Nếu Hà Nội "giật mình" với đại quy hoạch 999 siêu thị thì Tp.HCM cũng làm dân tình không khỏi xôn xao trước chuyện đập chợ Tân Bình để xây một trung tâm thương mại (TTTM) mới hoành tráng với tổng kinh phí hơn 4.800 tỉ đồng.

Trung tâm thương mại "đua nhau" mọc
Nhiều TTTM sau khi xây dựng một thời gian đã vắng khách. (Nguồn ảnh: citinews)

Điều đáng nói ở đây là, chuyện đập chợ xây siêu thị, TTTM không chỉ đang diễn ra mạnh tại 2 đô thị bậc nhất của nước ta mà hoạt động này đã trở thành phong trào ở nhiều địa phương, kể cả các tỉnh nghèo. Với tốc độ lạm phát siêu thị, TTTM trên đà chóng mặt như vậy, chợ truyền thống đang rơi vào danh sách "đỏ".

Thiết nghĩ việc quy hoạch hệ thống siêu thị và các TTTM cũng là tất yếu trong tình hình kinh tế hội nhập hiện nay. Tuy vậy, việc quy hoạch cần phải đảm bảo gắn liền thực tế và mang tính khả thi chứ không phải quy hoạch xong rồi để đó. Việc quy hoạch theo kiểu dự kiến đến năm 2020, quy mô dân số thủ đô sẽ ở mức 9.4 triệu người với mức thu nhập bình quân 7.500 USD/người nên tổng mức bán lẻ sẽ đạt khoảng 45.6 tỉ USD, vậy cần phải có khoảng 999 siêu thị và 64 TTTM mới đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, liệu dự kiến này có sát thực hay không thì còn là vấn đề lâu dài.

Thực tế trong thời gian qua trên cả nước ta đã có rất nhiều TTTM sau khi chuyển đổi từ chợ dân sinh nhưng hoạt động kém hiệu quả, thậm chí nhiều nơi còn bỏ hoang, gây lãng phí. Trên địa bàn Tp.HCM, hiện có 25 TTTM, 82 siêu thị và 240 chợ, dự kiến đến năm 2020, TP sẽ mở thêm 43 siêu thị và 92 TTTM. Con số này tuy chưa bằng một nửa của Hà Nội nhưng thực trạng chợ hoang, TTTM vắng khách ở Tp.HCM đang rất nhiều. Điển hình như chợ Tân Bình hiện hữu vẫn còn một tầng bỏ trống.

Tình trạng không sử dụng hiệu quả các TTTM sau khi chuyển đổi đã được đưa ra chất vấn tại các kỳ họp HĐND ở Hà Nội và Tp.HCM nhưng vẫn còn là vấn đề nằm chờ, chưa có sự giải quyết thỏa đáng. 

Theo kinh nghiệm ở Singapore từng được ông Lý Quang Diệu, khi còn làm Thủ tướng, chia sẻ, nếu nơi nào có nhiều người dân đi lại nhất, thích đến nhất, tạo thành lối mòn thì nên làm đường, xây chợ ở nơi ấy. Nghĩa là khi đề ra dự án  quy hoạch siêu thị, TTTM vấn đề cần lưu ý trước hết là phải tính được hiệu quả xây dựng, dự đoán được công suất hoạt động chứ không phải cứ xây lên được vài năm lại chuyển đổi công năng do hoạt động không hiệu quả.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu