SearchNews

Việt Nam có thể thừa hơn 10 triệu tấn xi măng

14/09/2009 15:28

Nếu các nhà máy chạy hết công suất thì Việt Nam có thể dư thừa hơn 10 triệu tấn xi măng trong năm 2010.

Nếu các nhà máy chạy hết công suất thì Việt Nam có thể dư thừa hơn 10 triệu tấn xi măng trong năm 2010.

Trao đổi với phóng viên trước thềm hội nghị rà soát lại các dự án xi măng trọng điểm theo "Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020" diễn ra tại Bình Phước vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, Hiệp hội vừa kiến nghị Bộ Xây dựng không cấp phép thêm cho bất kỳ dự án đầu tư sản xuất xi măng nào nữa, cho dù dự án đó khả thi. Lý do, theo ông Thiện, là nguy cơ dư thừa xi măng đã hiện hữu.

Xác nhận thông tin trên, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết thêm, Hiệp hội Xi măng Việt Nam còn kiến nghị xem xét lại các dự án xi măng đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai thực hiện.

Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tổng số dây chuyền sản xuất xi măng ở Việt Nam năm 2009 là 105, với tổng công suất thiết kế hơn 61 triệu tấn, ước tính sản xuất 50 triệu tấn.

Ông Thiện cho biết, năm 2008, Việt Nam tiêu thụ xấp xỉ 40,1 triệu tấn xi măng, năm 2009 tiêu thụ khoảng 44 - 45 triệu tấn. Dự báo tiêu thụ xi măng trong năm 2010 sẽ tăng thêm 4 - 5 triệu tấn, lên 48 - 50 triệu tấn. "Nếu các nhà máy chạy hết công suất thì Việt Nam sẽ có thể dư thừa hơn 10 triệu tấn xi măng trong năm 2010", ông Thiện nói.

Với năng lực sản xuất như trên, tính đến hết năm 2009, Việt Nam đứng trong “top” 10 quốc gia có sản lượng xi măng lớn nhất thế giới (Trung Quốc 1.370 triệu tấn/năm; ấn Độ 160 triệu tấn/năm; Mỹ 113 triệu tấn/năm; Nhật Bản 68 triệu tấn/năm; Thái Lan 65,7 triệu tấn/năm; Tây Ban Nha 54 triệu tấn/năm, Brasil 52,9 triệu tấn/năm...). So với các nước trong khu vực, tốc độ phát triển các dự án xi măng tại Việt Nam đạt mức kỷ lục.

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà sản xuất xi măng ở Việt Nam đã phải tính đến chuyện xuất khẩu dư thừa. Tuy nhiên, việc xuất khẩu xi măng là điều không đơn giản bởi cước phí vận tải cao sẽ làm cho giá thành xi măng đội lên, mất đi tính cạnh tranh, chưa kể xi măng không phải là mặt hàng có thể để lâu ngày. "Ngay các nước sản xuất xi măng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, ấn Độ, Mỹ… sản xuất xi măng cũng chỉ để phục vụ nhu cầu trong nước", ông Thiện cho biết.

Theo ông Thiện, căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tới Việt Nam thì mức tiêu thụ xi măng trong năm 2010 tại thị trường trong nước sẽ không đột biến. Hiện có thông tin một số nhà máy xi măng đang được bán cho nước ngoài và khi yếu tố nước ngoài xuất hiện thì ngay cả các liên doanh cũng rất khó cạnh tranh.

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2010 và định hướng đến 2020, từ năm 2005 - 2010 có 53 dự án đầu tư nhà máy xi măng sẽ được hoàn thành và đi vào khai thác. Ngoài ra, còn có một số dự án nằm trong quy hoạch bổ sung và các dự án không nằm trong quy hoạch nhưng đã được đầu tư, thậm chí đã hoàn thành như Hướng Dương, Phúc Sơn 2, Vinakansai 2, Hoà Phát, Lam Thạch 2, La Hiên 2, Phú Tân. Năm 2011, Dự án Áng Sơn 2, Lạng Sơn cũng sẽ hoàn thành.

Tính đến cuối năm 2011, dự kiến có 63 dự án hoàn thành và sẽ đi vào sản xuất (nhiều hơn 10 dự án so với quy hoạch). Trong số này có tới 22 dự án không có trong quy hoạch nhưng có trong quy hoạch bổ sung hoặc được báo cáo qua Bộ Xây dựng là đã hoàn thành.

Ngoài ra, còn 12 dự án có trong quy hoạch nhưng hiện chưa được triển khai (gồm Mỹ Đức, Sơn Dương, Thạch Mỹ, Liên Khê, Lâm Thao, Quang Minh, Lai Châu, Long Thọ, Sông Đà Yaly, Sông Đà, Tân Phú Xuân, Lào Cai). Như vậy, từ năm 2005 đến 2009, mặc dù lượng dự án bổ sung chiếm khoảng 40% quy hoạch, nhưng số dự án này lại được triển khai khá nhanh, nhằm đáp ứng nhu cầu xi măng trong điều kiện cung không đủ cầu ở một số khu vực.

Tại một số thời điểm nhất định, đây là nhân tố tích cực. Thế nhưng, theo tính toán của các chuyên gia, cứ theo đà phát triển như hiện nay thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ có tổng công suất sản xuất xi măng vào khoảng 130 triệu tấn. Đến năm 2020, khi dân số Việt Nam ước khoảng 100 triệu, với mức tiêu thụ 1 tấn/người (tương đương mức tiêu thụ tại Trung Quốc- nước sản xuất nhiều xi măng nhất thế giới) thi luợng xi măng dư thừa sẽ vào khoảng 30 triệu tấn. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải tính toán lại vấn đề đầu tư sản xuất xi măng ở nước ta hiện nay.


(Theo Đầu tư)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu