Mặc dù thị trường bất động sản trong nước tiếp tục bị đóng băng, nhưng trong năm 2012 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn tăng cao và đứng ở vị trí thứ hai.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI đăng ký đầu tư vào bất động sản năm 2012 đạt đến 1,85 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 2 lần so với năm 2011. Năm 2011, vốn FDI chỉ đạt hơn 850 triệu đô la Mỹ (chỉ chiếm 5,8% tổng vốn đăng ký FDI năm 2011).
Năm 2012, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đứng thứ 2, chiếm 14,2% tổng vốn FDI vào Việt Nam, chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư đăng ký. Như vậy, bất chấp sự đóng băng của thị trường bất động sản, vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này vẫn mạnh ở Việt Nam.
Dự án liên doanh giữa Becamex IDC và Tập đoàn Tokyu (Nhật) để triển khai thực hiện dự án đầu tư khu đô thị có vốn trên 1,2 tỉ đô la Mỹ thuộc dự án thành phố mới Bình Dương, tỉnh Bình Dương đã góp phần đáng kể cho việc gia tăng vốn FDI vào bất động sản trong năm 2012. Với sự cam kết hỗ trợ vốn của Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ (Nhật) cho dự án 7.500 căn hộ nhà ở, các cơ sở giải trí, thương mại, văn phòng này, mới đây liên doanh Becamex Tokyu đã động thổ tiểu dự án của công trình.
Lãnh đạo liên doanh này cho rằng dù thị trường bất động sản trong ngắn hạn còn nhiều khó khăn, nhưng liên doanh đầu tư dự án này là có cái nhìn dài hạn.
Trong khi đó, Công ty Keppel Land của Singapore có nhiều dự án đầu tư ở Việt Nam cho biết vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những cơ hội hợp tác đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam, trong đó có dự án khu dân cư phức hợp quy mô hơn 6.000 căn hộ tại quận 2, TPHCM. Nhà đầu tư bất động sản của Singapore này cũng vừa hoàn thành giai đoạn một dự án căn hộ cao cấp The Estella tại quận 2 và dự án khu biệt thự thứ hai Riviera Cove tại quận 9, đang bàn giao nhà cho khách hàng. Công ty cũng đang xây dựng giai đoạn 2 và 3 dự án Saigon Centre trên đường Lê Lợi, quận 1, TPHCM.
Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam vì tin tưởng sẽ phục hồi mà các lý do đưa ra là sự ổn định chính trị, kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng, và nhu cầu nhà ở, trung tâm thương mại ở các đô thị lớn vẫn còn cao…
Giới phân tích cho rằng đây là thời điểm cho các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính muốn tham gia vào các dự án bất động sản Việt Nam bởi các doanh nghiệp trong nước đang khó khăn về vốn có nhu cầu chuyển nhượng dự án với giá tốt và có thể giao đất sạch cho nhà đầu tư mới.
Hàng loạt các tổng công ty, tập đoàn trong nước sau một thời gian đầu tư ngoài ngành mà chủ yếu là vào lĩnh vực bất động sản gần đây cũng đã tuyên bố thoái vốn ra khỏi các công ty, dự án bất động sản của nhiều doanh nghiệp lớn như Vinaconex, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen, Mai Linh Group… là cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài dễ dàng vào thâu tóm.
Theo TBKTSG