SearchNews

Xu hướng sử dụng ống nhựa

22/02/2011 13:54

Sử dụng ống nhựa PPR, HDPE cỡ lớn đang là xu hướng mới trong ngành vật liệu xây dựng do có nhiều đặc tính ưu việt.

Sử dụng ống nhựa PPR, HDPE cỡ lớn đang là xu hướng mới trong ngành vật liệu xây dựng do có nhiều đặc tính ưu việt.

Vài năm gần đây, xu hướng sử dụng ống nhựa PPR, HDPE trong các công trình xây dựng thay cho ống bê-tông, gang thép, gốm sứ ngày càng phổ biến. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, từ những năm 1990 đến năm 2005, nhu cầu về ống HDPE tăng từ 3-3,5 lần trong khi ống PPR tăng 5 lần.

Hai loại ống này có nhiều đặc tính kỹ thuật ưu việt như trọng lượng nhẹ, chống gỉ sét, độ kín cao, không độc hại và tuổi thọ trung bình có thể lên đến 50 năm nếu lắp đặt đúng kỹ thuật. Ngoài ra, nhờ có dạng mềm, dễ uốn cong để linh hoạt trong thi công, mối nối thao tác đơn giản nên ống HDPE được ưa chuộng hơn PPR.

Vì thế, theo ông Trần Quang Hưng, Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, HPDE và PPR đang được cải tiến để tiện dụng hơn, dùng trong hệ thống thoát nước các công trình xây dựng công nghiệp, giao thông, tưới tiêu phục vụ nông nghiệp và bảo vệ đường cáp ngầm.

Khe hở của thị trường

Theo tính toán của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng sản lượng ngành nhựa giai đoạn 2005-2010 khá cao, 20%/năm. Riêng ống nhựa làm vật liệu xây dựng tăng 25%/năm và được dự báo tiếp tục tăng cao hơn vào các năm sau.

Hơn nữa, sức ép từ tốc độ phát triển đô thị, dân số và tỉ lệ thất thoát nước đang khiến Việt Nam đối mặt với nguy cơ quá tải ngày càng lớn. Biểu hiện cụ thể là mỗi năm, dân số ở đô thị tăng thêm 1 triệu người và mỗi tháng có thêm 1 đô thị mới. Trong khi đó, bình quân tỉ lệ thất thoát nước trên cả nước là 33%/năm (theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam). Tình trạng trên, theo ông Hưng, đã buộc Chính phủ đi đến quyết định đầu tư hệ thống cấp nước với tỉ lệ bao phủ 85-90% đối với đô thị loại II và 50-60% đối với đô thị loại III và IV.

Tại các nước phát triển, ống HDPE đường kính trên 1.000 mm được sử dụng phổ biến trong xây dựng hạ tầng lớn. Còn tại Việt Nam, ống HDPE do công ty trong nước sản xuất thường có đường kính từ 630 đến dưới 1.000 mm nhưng các nhà thầu hay yêu cầu dùng ống đường kính từ 1.000 mm trở lên. Đó là nhận định của ông Manfred Reichel, cố vấn kinh doanh Tập đoàn KraussMaffei (Đức), chuyên cung cấp dây chuyền sản xuất ống HDPE cỡ lớn.

Cũng do sản phẩm trong nước chưa đáp ứng nhu cầu nên khi tham gia các dự án hạ tầng lớn, nhà sản xuất Việt Nam phải dùng ống nhựa HDPE cỡ lớn của Anh, Đức, Hàn Quốc để chào hàng. Giá thì cao gấp 2-3 lần giá gốc lại phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc (giá rẻ hơn, mặt hàng đa dạng hơn). Nhãn hiệu Trung Quốc mà giới xây dựng thường dùng là Ginde, có thể cung cấp các loại ống nhựa HDPE đường kính từ 800-1.800 mm.

Nắm được khe hở đó của thị trường, tháng 8.2009, Công ty Nhựa Bình Minh quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất ống HDPE với các kích cỡ đường kính 710 mm, 800 mm, 900 mm. Nhưng kết quả không như mong đợi do nhu cầu trong nước cần ống kích cỡ lớn hơn.

Mới đây, Công ty đã đầu tư 80 tỉ đồng để nhập dây chuyền công nghệ của KraussMaffei về sản xuất ống HDPE 1.200 mm, công suất 10.000 tấn/năm. Hiện đây là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất ống HDPE kích cỡ trên 1.000 mm.

Mặc dù dây chuyền hoạt động hoàn toàn tự động, khép kín nhưng ông Reichel cho biết, để sản phẩm đạt chất lượng cao, nhà sản xuất phải tuân thủ quy trình kiểm tra nghiêm ngặt từ khâu nguyên liệu cho đến các áp lực thay đổi môi trường. Đặc biệt, khâu sử dụng màu sắc phải thống nhất vì nó ảnh hưởng đến tác động bức xạ của tia cực tím, có thể làm ống nhanh hao mòn.

Đồng bộ chính sách

Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh, cho biết việc đưa dây chuyền sản xuất mới vào hoạt động sẽ nâng công suất công ty con của Nhựa Bình Minh ở miền Bắc lên 30.000 tấn/năm và công suất cả Công ty là 70.000 tấn/năm, giữ ổn định tốc độ tăng trưởng chung khoảng 15-20%/năm.

Việc Nhựa Bình Minh đầu tư lớn có thể dẫn đến lo ngại giá sản phẩm tăng cao. Nhưng theo quy hoạch của Bộ Công Thương giai đoạn 2010-2015, các nhà sản xuất nhựa sẽ được đáp ứng 50-70% nguyên liệu trong nước nhằm hạn chế ảnh hưởng từ giá nguyên liệu thế giới.

Thêm vào đó, một khi trong nước đã sản xuất được, các nhà thầu không dại gì chọn hàng nhập khẩu. Vì như vậy, họ sẽ mất khoản tiền từ 2.000-3.000 USD/lượt (chưa kể phí vận chuyển) cho mỗi container 4 ống HDPE cỡ lớn (nếu nhập từ Úc), một đại diện Nhựa Bình Minh cho biết.

Sắp tới, Nhựa Bình Minh sẽ tung sản phẩm HDPE 1.200 mm ra thị trường với giá (chưa tính thuế giá trị gia tăng) thấp hơn 20% so với hàng Trung Quốc, Hàn Quốc. “Trước mắt, chúng tôi tập trung vào thị trường miền Bắc, sau đó sẽ thử nghiệm nguyên vật liệu mới nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá sản phẩm”, bà Yến cho hay.

Nhận thấy khe hở thị trường để tung ra sản phẩm phù hợp, nhưng điều bà Yến còn lo ngại là chính sách vĩ mô ủng hộ hàng trong nước chưa rõ ràng, thống nhất. Thậm chí, công ty tư vấn, ban quản lý dự án cũng chưa ưu tiên chọn sản phẩm nội. Nếu giải quyết được khâu này, ống HDPE cỡ lớn của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt so với hàng nhập khẩu.

(Theo NCĐT)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu