Kể từ khi Khu tập thể Văn Chương, quận Đống Đa (Hà Nội) có quyết định cải tạo, xây mới đến nay đã tròn 10 năm, nhưng Dự án vẫn chưa thể khởi công… Đây là ví dụ điển hình về sự chậm chạp trong cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội.
Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội gửi UBND Thành phố cho thấy, tính đến tháng 8/2011, tiến độ cải tạo các khu chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô mới đạt xấp xỉ 1% trên tổng số 982 khu nhà chung cư cũ nát trên địa bàn Thành phố. Trong số 11 công trình nhà chung cư xếp hạng D (hạng đặc biệt nguy hiểm) mới có duy nhất 1 dự án đã hoàn thành là nhà B14 Kim Liên, 10 khu chung cư nguy hiểm khác đều còn dang dở mà Khu tập thể Văn Chương là một ví dụ điển hình. Theo thống kê của Ban Quản lý dự án - Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (đơn vị chủ đầu tư được Thành phố giao cải tạo Dự án), Khu tập thể Văn Chương có tổng cộng 878 hộ dân với gần 3.800 nhân khẩu, sinh sống trong các khu tập thể cao 4 - 5 tầng. Tất cả các khu nhà A1, D1, E1, H1 đều đã xuống cấp, dột nát. Điều đặc biệt nguy hiểm ở chỗ, hầu hết các khu nhà đều bị người dân tự ý lấn chiếm hành lang (tầng 1), cải tạo, cơi nới, treo “chuồng cọp” (các tầng 2, 3, 4). Kết cấu chung của ngôi nhà bị phá vỡ và rất khó ứng phó khi xảy ra cháy hoặc có các sự cố.
Ông Nguyễn Chí Sỹ, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội cho biết, sau khi tiến hành điều tra xã hội học, dự án vẫn chưa triển khai thêm được bước nào so với chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt. Dự án chỉ cơ bản đáp ứng tái định cư khoảng 1/4 số dân đang sinh sống tại đây, trong khi đa phần người dân đều muốn tái định cư tại chỗ. Các hộ dân này cũng khó chấp nhận việc phải mua phần tăng thêm diện tích căn hộ theo giá thị trường sau khi cải tạo (các căn hộ cũ chỉ có diện tích từ 24 đến 35 m2, mà diện tích căn hộ tối thiểu sau cải tạo cũng phải là 45 m2). Một số khác (đa số là các hộ tầng 1, có diện tích đất lấn chiếm lớn) chỉ đồng ý khi chủ đầu tư dự án chấp nhận đền bù, tái định cư tại chỗ (gồm cả căn hộ ở và mặt bằng kinh doanh). Với mật độ xây dựng và chiều cao công trình bị khống chế theo tỷ lệ chung của Thành phố thì rất khó để chủ đầu tư có thể thực hiện dự án cải tạo, xây mới.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cải tạo chung cư cũ bị chậm tiến độ. Trong đó chủ yếu là do trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng phát sinh nhiều ý kiến khác nhau từ phía người dân và doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp lúc đầu rất tích cực, nhưng trong quá trình thỏa thuận phát sinh nhiều ý kiến của người dân, đòi hỏi về quyền lợi (liên quan đến diện tích nhà tái định cư, các khoản phí hỗ trợ...), nên đã lặng lẽ rút lui.
Có doanh nghiệp thì đề nghị Thành phố cho phép nâng số tầng, nhằm đảm bảo tái đầu tư…, nên vi phạm chiều cao khống chế công trình. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp chủ đầu tư cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng cách đưa ra những ưu đãi lớn hơn để kích động người dân phản đối đơn vị thành phố giao nhiệm vụ, gây nên những lộn xộn, cản trở việc triển khai các dự án.
Theo ông Tuấn, để thúc đẩy các dự án cải tạo chung cư cũ, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đề nghị UBND Thành phố phê duyệt và công khai thông số quy hoạch cho từng khu chung cư cũ. Các chủ đầu tư có thể dựa vào đó để tiến hành thực hiện dự án. Các quận, huyện, sở, ngành tập trung làm công tác giải phóng mặt bằng phá dỡ nhà nguy hiểm tại những dự án đã có chủ trương của Thành phố và được giao đất để triển khai. Sau đó, nếu chủ đầu tư nào vẫn không tiến hành dự án theo đúng tiến độ, Thành phố sẽ kiên quyết thu hồi để giao cho các đơn vị có năng lực hơn.
(Theo Báo Đầu tư)