Theo quy hoạch 6 vùng kinh tế trên cả nước phải có quy hoạch riêng. Mỗi tỉnh trong vùng cũng phải có quy hoạch theo hướng quy hoạch chung, nhưng thực tế, có vùng chưa duyệt quy hoạch mà địa phương đã xong từ lâu. Lý giải tình trạng lộn xộn này, theo “tư lệnh” ngành Kế hoạch-Đầu tư, là do việc ban hành văn bản pháp luật quá nhiều, nhưng thiếu hợp lý. Liên quan tới quy hoạch, hiện có tới 51 văn bản luật, 7 pháp lệnh của Quốc hội; 56 văn bản nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành. Chưa kể, còn 25 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của bộ, ngành, Trung ương phải lập các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu.
Thực trạng quy hoạch nhiều, nhưng kém hiệu quả, gây lãng phí lớn, theo các chuyên gia, không chỉ xuất phát từ tư duy, năng lực quản lý, mà còn nằm ở các quy định pháp luật chồng chéo, thiếu thống nhất. Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ, địa phương nào cũng làm quy hoạch dù không cần thiết, gây lãng phí. Chưa kể, quy hoạch gắn với tư duy nhiệm kỳ, ai cũng muốn “vẽ” ra những quy hoạch lớn, còn thực hiện được hay không cũng đã hết nhiệm kỳ, người sau lên lại chỉnh sửa. Có những quy hoạch rất hoành tráng, song tính khả thi đến đâu không ai rõ. Hiện nhiều quy hoạch có làm được hay không cũng không ai kiểm tra và không ai chịu trách nhiệm. Ngay trong quy hoạch phát triển nông nghiệp, các công trình thủy lợi, đường, cầu không kết hợp với nhau, lãng phí tiền của Nhà nước, của dân vô tội vạ.
Quy hoạch với mọi quốc gia được coi là định hướng chiến lược, dẫn lối chỉ đường của công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, song ở Việt Nam thực tế lại đang làm hao hụt, lãng phí ngân sách. Nước ta còn nghèo và càng nghèo hơn vì quy hoạch “treo” trên mọi ngành, mọi miền, mọi địa phương.
Theo ANTĐ