Cốm làng Vòng mập mờ câu chuyện phẩm màu
Thực phẩm bẩn tấn công thành phố
Phần lớn các quán ăn ở Làng Đại học Thủ Đức – TPHCM đều dùng các loại thịt, cá ươn, hôi thối để chế biến món ăn.Sáng 13-10, theo chỉ đạo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TPHCM, Phòng Y tế quận Thủ Đức đã tiến hành kiểm tra các quán cơm trên địa bàn phường Linh Trung sử dụng thực phẩm đã bốc mùi hôi, dùng các hóa chất không rõ nguồn gốc để khử mùi, chế biến thành thức ăn bán cho sinh viên.
Nhếch nhác, dơ bẩn
Tại buổi kiểm tra, Phòng Y tế quận Thủ Đức xác định 20 quán cơm, quán nhậu ở khu vực trên đều không được quận Thủ Đức cấp giấy phép kinh doanh. Đáng nói là các quán này vi phạm các quy định về ATVSTP như: Các nhân viên phục vụ không được khám sức khỏe định kỳ; thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, nhiều loại thực phẩm đã bốc mùi hôi do để lâu ngày…
Đặc biệt trong quá trình kiểm tra, Phòng Y tế quận Thủ Đức đã phát hiện hầu hết các quán ở đây đều dùng phẩm màu không nhãn mác. tại quán cơm ở địa chỉ 17/16, tổ 7, khu phố 6, phường Linh Trung, hầu hết thịt gà, thịt heo, cá đều đã thâm tím do được ướp trong tủ lạnh lâu ngày.
Theo chủ quán, tất cả các loại thực phẩm trên đều được các mối mang đến bán với giá rẻ hơn so với ở chợ, được ướp trong tủ đá để bán dần. Tuy vậy, khi tiến hành kiểm tra thì thực phẩm trên đã ươn. Còn các loại rau củ, quả như khoai tây, hành tây… hơn phân nửa đã bị mốc, đang trong quá trình bị phân hủy. Ngoài ra, vệ sinh quán cơm này hết sức nhếch nhác, khu vực nhà bếp dơ bẩn kinh khủng, chuột chạy tha thức ăn vương vãi khắp nhà.
Tại quán lẩu Trăn Vàng (địa chỉ 17/17, tổ 7, khu phố 6) do ông Phan Văn Bảo làm chủ cũng dơ bẩn không kém. nhiều phụ gia như dầu ăn, bột ngọt, tương ớt… đều không rõ nguồn gốc. Dầu để nấu lẩu và chế biến các món ăn được chủ quán này đựng trong những chiếc can lớn 20 lít. Qua tìm hiểu, loại dầu này được bán tại chợ Bến Thành, chợ Bà Chiểu chỉ với giá 3.500 đồng/lít.
Kết thúc buổi kiểm tra, đoàn đã lập biên bản xử lý hành chính một số quán. Đồng thời yêu cầu tất cả các quán phải cam kết thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm ATVSTP. Đoàn kiểm tra cũng đã thu nhận một số mẫu hóa chất tại các quán nói trên để xét nghiệm, truy tìm nguồn gốc.
Thiếu kiểm tra
Hiện tại, Làng Đại học Thủ Đức (thuộc địa phận ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có gần 100 quán ăn. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Lan Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Dĩ An, cho biết tất cả các quán cơm, quán nhậu trên đều không có giấy phép kinh doanh, sử dụng nguồn thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng. Trước đây, đoàn có đi kiểm tra và phát hiện các lỗi như không bảo đảm ATVSTP, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác… nhưng không có biện pháp giải quyết.
Dù đã được báo chí phản ánh nhưng đến nay, các cấp chính quyền địa phương ở đây vẫn chưa quyết liệt xử lý các quán ăn vi phạm.
Ông Võ Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An, giải thích do các quán cơm nằm trên địa bàn giáp ranh với quận Thủ Đức nên việc quản lý, kiểm tra có bị chồng chéo, gặp khó khăn. Tuy thế, trước phản ánh của Báo Người Lao Động, ông Giàu cho hay đã giao cho Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Dĩ An tiến hành giám sát, có kế hoạch tổ chức tập huấn cho những hộ dân nói trên về thực hiện ATVSTP. Đồng thời lãnh đạo thị xã cũng giao xã Đông Hòa triển khai kiểm tra, giám sát, có báo cáo cụ thể để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý.
Xem lại công nghệ nấu ăn, liệu có phải chỉ của riêng Thủ Đức?
Một vài thao tác chế biến đồ ăn phổ biến ở đây:
Chủ quán lấy một ít bột màu trắng cho vào thau, đổ nước vào đánh tan sau đó bỏ rổ thịt heo vào. Vừa làm, bà vừa giải thích cho nhân viên: “Chỉ cần một tí bột này, thịt sẽ cứng và có màu đỏ như thịt tươi, chất này còn giúp khử mùi hôi do thịt để lâu ngày”.
Tiếp đó, bà chủ quán lấy chiếc chảo vẫn còn dính dầu từ ngày hôm qua, bỏ rau vào xào. Sau khi chế biến xong món thịt heo, chủ quán chuyển sang món gà. Cũng như trước đó, đầu bếp cho thêm vào một ít bột nở giúp thịt nở ra, căng phồng lên, sau đó dùng một loại chất bột màu đỏ rắc lên khiến thịt gà chuyển sang màu tươi và tỏa mùi thơm.
Khi thức ăn trong ngày bán không hết hoặc khách ăn còn dư, không được bỏ mà phải gom lại để tận dụng chế biến món khác. Ví dụ, thịt luộc dư có thể băm nhuyễn quấn với lá lốt rồi nướng hoặc đem trộn vào thức ăn của ngày hôm sau…
Để nấu cơm: sau khi nước được đổ vào một chiếc xoong lớn, bà chủ bỏ vào nửa chén chất bột màu trắng rồi lấy gạo đổ vào (chất bột này được người nhà của chủ quán mua từ chợ Bà Chiểu có tác dụng làm gạo nở và xốp cơm). Khoảng 30 phút sau, cơm chín, dù chỉ với hơn 5 kg gạo nhưng cho ra được một nồi cơm to tướng. Bà chủ quán chia ra làm hai nồi, sau đó vào nhà lấy thêm một thau cơm còn thừa lại từ tối qua đã dính bệt vào nhau, đổ vào hai nồi rồi trộn đều, đưa ra bán cho khách.
Để pha nước mắm: chủ quán cho vào xô một chén nước mắm không nhãn mác, nửa chén bột ngọt và một ít tương ớt. Sau khi đánh đều “hỗn hợp” này, bà chủ lấy hai ca nước lạnh trong bể chứa đổ vào, khuấy thêm vài cái, thế là xong!
Đó cũng chỉ là một vài trong số các thao tác quen thuộc trong công nghệ nấu ăn của các chủ quán ở đây. Nếu còn chứng kiến cả việc rửa đồ, hay dùng tay bẩn sếp đồ của nhân viên các quán ăn này chắc hẳn không ít người sẽ...kinh tới già. Cũng chắc rằng những bí quyết nấu ăn trên cũng không phải "công nghệ" riêng của nơi đây.
TH (tổng hợp)