Sáng nay (14/05), hội thảo “Giải pháp về vốn cho thị trường bất động sản” do Hiệp hội bất động sản Việt Nam cùng Dothi.net tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng, Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS thuộc Bộ Xây dựng cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Ông Tống Văn Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Bất động sản là lĩnh vực đầu tư đòi hỏi phải có nguồn vốn vững mạnh, kế hoạch tài chính dài hạn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thiếu vốn luôn là vấn đề khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải trăn trở.
TS. Trần Kim Chung, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Nguồn vốn có tính quyết định và vai trò lớn nhất cung cấp cho thị trường bất động sản là từ hệ thống ngân hàng.
Các kênh cấp vốn cho doanh nghiệp bất động sản và thị trường bất động sản bao gồm: kênh tín dụng từ các ngân hàng thương mại, kênh thông qua hệ thống thế chấp và tái thế chấp trong hệ thống ngân hàng, kênh tiết kiệm bất động sản, kênh thông qua trái phiếu, cổ phiếu bất động sản, kênh thông qua các quỹ đầu tư, kênh đầu tư từ các nhà đầu tư tiềm năng, kênh đầu tư từ nước ngoài.
Giải pháp khơi nguồn vốn cho thị trường bất động sản: tăng cường tín nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản để thu hút vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng. Đẩy mạnh việc mua lại, sáp nhập và các loại hình liên doanh; tăng cường các hoạt động thu hút vốn trên thị trường cổ phiếu thông qua niêm yết doanh nghiệp lên sàn chứng khoán; tăng cường huy động các nhà đầu tư nước ngoài; hình thành hệ thống tài chính bất động sản theo mô hình của một số quốc gia phát triển đang vận hành rất thành công (đặc biệt là quỹ đầu tư tín thác bất động sản.
Ông Phạm Thanh Hưng, Tập đoàn bất động sản Thế kỷ mới (CENGROUP)
Sản phẩm bất động sản rất phong phú nên tùy từng loại mà yêu cầu về vốn cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về vốn do nguồn vốn tự có thấp, nhất là chủ đầu tư nhỏ.
Hiện ở Việt Nam đã xuất hiện sự liên thông nhưng mới ở trạng thái một chiều - tạo nguồn cho việc hình thành bất động sản. Quá trình phân bổ rủi ro rất hẹp trong phạm vi giữa số ít đối tượng tham gia giao dịch. Vì thế, tính thanh khoản chỉ đảm bảo được khi giá bất động sản tăng.
Trong trường hợp giá sụt giảm, tính thanh khoản cũng kém đi nên không có mức cân bằng giá mới. Vì vậy, doanh nghiệp này đề nghị nên áp dụng ức lãi suất cố định cho người mua bất động sản để đề phòng rủi ro; đồng thời cung cấp cơ hội, khả năng cho người vay tái cấp tài chính để mua tài sản khi lãi suất giảm...
TS. Vũ Đình Ánh, Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả
Có thể nói, nguồn vốn “nóng” đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam hội tụ cả các điều kiện chủ quan và khách quan cần và đủ để phát triển.
Chính vì vậy, không thể đơn thuần ngăn cấm nguồn vốn “nóng” đổ vào thị trường BĐS căn cứ vào những rủi ro mà nó đem lại bằng các biện pháp hành chính hay pháp lý trong khi những cơ sở tồn tại khách quan hay và môi trường hoạt động của nó vẫn đã, đang và sẽ tồn tại. Vấn đề là tìm ra biện pháp quản lý nguồn vốn ngắn hạn đầu tư vào thị trường BĐS để giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn gắn liền với nó. Một trong những biện pháp đầu tiên là phải nhận dạng được các nguồn vốn “nóng” tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam hiện nay.
Các nguồn vốn “nóng” đó chủ yếu bao gồm: Huy động vay mượn trong dân cư, Sử dụng vốn tự có, tín dụng ngân hàng, chiếm dụng vốn.
Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC)
Bên cạnh, hoàn thiện thị trường BĐS minh bạch thông tin về cung, cầu trong thị trường, tổ chức sàn giao dịch BĐS chuyên nghiệp, hạn chế tình trạng đầu cơ, kích giá; xây dựng khung pháp lý hoàn thiện, việc các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh từ doanh nghiệp tư nhân sang CTCP để tiếp cận kênh huy động vốn thông qua niêm yết cổ phiến trên sàn chứng khóa là một giải pháp tối ưu.
Tổng hợp