Vừa qua, dư luận xôn xao về vụ án "tín dụng đen" xảy ra ở đất Hà Thành mà chủ nợ là bà tiến sĩ Đinh Thị Mai Phương…
Trước đó, bà Phương đã cho Nguyễn Trúc Quỳnh (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vay hàng triệu USD và hàng tỷ đồng với lãi suất cao, rồi sau đó Trúc Quỳnh bị bắt tạm giam, do đơn tố cáo của bà Phương.
Theo đơn tố cáo của chị Trúc Quỳnh gửi báo, từ đầu năm 2005, chị Quỳnh có vay của bà Phương nhiều lần với số tiền là 1,23 triệu USD và 5,22 tỷ đồng với lãi suất 3-4%/tháng để kinh doanh.
Từ tháng 8/2009 đến tháng 5/2010, chị Quỳnh đã trả nợ cho bà Phương 251.000 USD tiền gốc, 408.000 USD và 2,388 tỷ đồng tiền lãi.
Do vào thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với lãi suất phải trả quá cao, doanh nghiệp làm ăn khó khăn nên chị Quỳnh đã xin bà Phương cho hạ lãi suất và được trả dần tiền gốc sau. Bà Phương đã đồng ý nhưng yêu cầu chị Quỳnh và chồng là Lê Trọng Hiếu phải viết giấy bán hai căn nhà số 17, 19 Giang Cao, Bát Tràng, Hà Nội để phòng “xiết nợ” khi vợ chồng chị Quỳnh không hoàn trả.
Bà Phương không mua nhà thật của vợ chồng chị Quỳnh vì biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cả hai ngôi nhà trên đang được vợ chồng Quỳnh thế chấp ở ngân hàng, nếu mua thì phải định giá rẻ mạt.
Để có tiền trả nợ, chị Quỳnh đã bán hai căn nhà trên cho ông Phạm Chí Thắng (trú tại 80B đường Lê Duẩn - Hà Nội) với số tiền 9 tỷ đồng. Số tiền này chị Quỳnh trích một phần đem trả nợ bà Phương, nhưng bà Phương đã né tránh không nhận tiền.
Vào trại giam “siết nợ”
Vì biết vợ chồng chị Quỳnh vẫn đang còn ngôi nhà số 50, tổ 36, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, rộng 391m2 và ngôi nhà ở phố Văn Cao (Hà Nội) có giá trị, nên bà Phương đã làm đơn tố cáo Quỳnh ra cơ quan Công an TP Hà Nội để “ xiết nợ”.
Ngày 28/8/2010, Nguyễn Trúc Quỳnh bị bắt tạm giam lúc đang mang thai 6 tuần tuổi, đến ngày 14/9/2010 chị Quỳnh phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội do bào thai chết lưu. Trước tình cảnh như vậy, để “ xiết nợ” thật nhanh, bà Phương dùng mọi cách đưa công chứng viên vào tận nhà giam số 1 Hà Nội để ép chị Quỳnh phải ký bán ngôi nhà Dịch Vọng với giá 28 tỷ đồng (tại thời điểm này giá ngôi nhà khoảng 40 tỷ đồng).
Người tiếp sức cho tiến sĩ Phương làm các thủ tục công chứng “ xiết nợ” là ông Bùi Ngọc Long, công chứng viên phòng Công chứng số 6 - Hà Nội (sau này ông Long đã bị chị Quỳnh làm đơn tố cáo) và một số người liên quan.
Ngày 2/12/2009, trong khi vợ chồng chị Quỳnh đang ở Bắc Giang để giải quyết chuyện nhập hàng, bà Phương đã cho Vũ Hồng Doanh (lái xe), Nguyễn Đức Nam (cháu bà Phương) và một người tên Minh, tự xưng là Thư ký công chứng viên Phòng công chứng số 6 - Hà Nội lên tận nơi để ép vợ chồng Quỳnh phải ký vào Hợp đồng mua bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất được lập sẵn đối với ngôi nhà ở phố Văn Cao.
Theo đơn tố cáo của chị Quỳnh, lúc đó, vợ chồng chị Quỳnh từ chối không ký, nhưng đến tận 24 giờ cùng ngày, Doanh, Nam và Minh lái xe đuổi theo vợ chồng chị Quỳnh về tận chân cầu Chương Dương chặn đường ép phải ký tên, điểm chỉ bằng được. “Điều đáng nói là trong bản công chứng, ông Bùi Ngọc Long không có mặt tại thời điểm ký nhưng vẫn ký tên và đóng dấu công chứng trong hợp đồng, lời chứng đề ngày 2/12/2009” – đơn tố cáo của chị Quỳnh có đoạn.
Có được bản công chứng trên bà Phương đã “ xiết” được tài sản đáng giá khoảng 10 tỷ đồng của chị Quỳnh.
Không dừng lại ở sự việc trên, chị Quỳnh cho biết, khi đang bị tạm giam trong trại tạm giam số 1, Hà Nội, ngày 1/10/2010, công chứng viên Bùi Ngọc Long cùng một điều tra viên vào tận trại tạm giam để công chứng việc bán ngôi nhà Dịch Vọng.
Trả lời PV, ông Nguyễn Xuân Bang, trưởng phòng công chứng số 6 - Hà Nội cho biết: Phòng công chứng ông quản lý không có ai là thư ký hay công chứng viên tên là Minh, chỉ có một người tên là Trần Quang Minh làm cán bộ kỹ thuật của phòng.
“Còn hợp đồng mua bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ngôi nhà tại phố Văn Cao mà vợ chồng chị Quỳnh bán cho bà Đinh Thị Mai Phương là hợp đồng được lập tại Phòng công chứng số 6 – Hà Nội chứ không phải được lập sẵn và ký tá lúc 24 giờ đêm tại chân cầu Chương Dương như chị Quỳnh nêu trong đơn” - ông Bang cho biết.
Tuy nhiên, trong biên bản ghi lời khai của Nguyễn Đức Nam (cháu bà Phương) ngày 8/7/2010 thì Nam khai có Nam, anh Doanh, anh Minh (văn phòng công chứng số 6) thực hiện ký hợp đồng xong lúc 24 giờ tại khu vực đường Nguyễn Văn Cừ - Long Biên – Hà Nội.
Nhưng thật khó hiểu trong bản hợp đồng công chứng trên lại được công chứng viên Bùi Ngọc Long ký và đóng dấu ghi là tại Phòng công chứng số 6 - Hà Nội.
Như vậy trong ngày 2/12/2009, vợ chồng chị Quỳnh đi giải quyết công việc ở tỉnh Bắc Giang từ sáng sớm đến tận 24 giờ đêm (thời gian này đã có một số cơ quan của tỉnh Bắc Giang xác nhận) thì bản hợp đồng trên được ông Long lập và ký như vậy liệu có đúng?
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Hồng Sơn, giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cho biết, ông mới nhận được đơn tố cáo công chứng viên Bùi Ngọc Long và đã chuyển đơn xuống phòng Thanh tra của Sở để xem xét. Hiện chưa có kết luận thanh tra nên ông Sơn chưa thể trả lời cơ quan báo chí.
(Theo Người Đưa Tin)