Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản tiếp nhận xem xét hồ sơ đăng ký tổ chức Ngày hội mua nhà giá gốc. Trong khi đó đơn vị tổ chức cho biết đến ngày hội, sẽ “chìa giấy phép ra”.
Chưa được cấp phép
Chỉ còn gần 2 tuần nữa là đến ngày khai mạc sự kiện Ngày hội mua nhà giá gốc - được đơn vị tổ chức là Công ty CP Truyền thông Asean C&C truyền thông quảng bá diễn ra ngày 24-25/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Tuy nhiên, đơn vị này lại mới nộp hồ sơ đăng ký cấp phép.
Tính từ lúc gửi hồ sơ đến lúc sự kiện diễn ra chưa đủ 30 ngày nên chưa đáp ứng điều kiện thời gian theo quy định. Vì thế, hiện Sở Công Thương còn chưa xác nhận đăng ký, chứ chưa nói đến việc đồng ý cấp giấy phép tổ chức.
"Quy định thương nhân phải đăng ký trước 30 ngày tổ chức sự kiện thì với trường hợp này, Sở không thể xét tổ chức vào ngày 24-25/9 được" - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Đồng - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội với PV Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet ngày 9/9.
Ban tổ chức sự kiện Ngày hội mua nhà giá gốc đã bắt đầu rậm rịch truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cuối tháng 8. Đến ngày 7/9, họ chính thức tổ chức họp báo lần 1 tại Hà Nội.
Phó phòng Kế hoạch Tài chính thuộc Sở Công Thương - ông Nguyễn Linh xác thực, đại diện của Công ty Asean C&C mới lên nộp hồ sơ xin tổ chức sự kiện Ngày hội giá gốc vào hôm 8/9.
Đáng nói là, tại sự kiện họp báo lần 1, ông Nguyễn Trung Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Asean C&C cho biết, đến thời điểm đó, họ đã có 50 chủ đầu tư đăng ký tham gia chương trình.
Quy mô của Ngày hội sẽ bao gồm 176 gian hàng. Trong đó 80 gian hàng loại A có giá thuê 15 triệu đồng và 96 gian hàng loại B có giá thuê 10 triệu đồng/2 ngày.
Việc thu nhận, ký kết hợp đồng thuê gian hàng tại Ngày hội từ các doanh nghiệp, khách hàng đã, đang diễn ra và sẽ kết thúc vào ngày 14/9. Để rồi buổi họp báo lần 2 - dự kiến hôm 15/9, ban tổ chức sẽ thông tin đầy đủ con số gian hàng, tên các doanh nghiệp tham gia cũng như lượng đăng ký mua của người dân.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đồng, đơn vị tổ chức đã thông tin, quảng bá rầm rộ, thực hiện ký kết hợp đồng cho thuê gian hàng trong khi chưa có giấy phép nên Sở Công Thương đã nhận được một thư tố cáo Công ty Asean C&C làm không đúng luật.
"Đơn vị tổ chức phải chịu trách nhiệm hành vi của mình. Còn bằng thẩm quyền, Sở chỉ cấp phép khi đơn vị có đăng ký đúng điều kiện và quy định. Nếu muốn được cấp phép, họ phải lùi thời hạn tổ chức lại, còn không, sẽ có cơ quan quản lý tới xử phạt" - ông Đồng nói.
Đến ngày tổ chức: "Sẽ chìa giấy phép ra"
Làm việc với chúng tôi hôm 8/9, ông Nguyễn Huy Du - Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc dự án của Asean C&C cũng xác nhận, công ty đã chuyển hồ sơ đầy đủ lên Sở Công Thương và hiện đang chờ.
Trả lời câu hỏi, khi chưa đủ thủ tục pháp lý thì căn cứ vào đâu để loan báo truyền thông về sự kiện và ký hợp đồng tham gia, cho thuê gian hàng, ông Du cho hay: "Vấn đề thực hiện trên tinh thần các đơn vị đó (doanh nghiệp thuê - PV) có đơn đăng ký, sau đó mọi người mới tiến tới hợp đồng để thuê địa điểm gian hàng.
Còn về chương trình, để tổ chức vào ngày 24/9 thì trước ngày 24, chúng tôi phải chìa cái giấy phép ấy ra thì mới được tổ chức. Cũng như giấy phép tổ chức họp báo, trước lúc họp thì mình chìa giấy phép ra là đủ. Anh không có quyền bảo kiểm tra giấy phép của tôi trước bao nhiêu ngày. Đó là điều không cần thiết.
Khi diễn ra, đơn vị nào cần thì chúng tôi chuyển. Đấy chỉ là việc ngày trước ngày sau thôi. Chúng tôi làm từng bước một, chứ không thể bảo có tất cả mọi thứ thì mới làm".
Về việc sẽ giải thích thế nào với các bên đã ký hợp đồng thuê trong trường hợp không được cấp phép tổ chức sự kiện như dự kiến, ông Du khẳng định, ban tổ chức sẽ phải có trách nhiệm. Nếu Sở Công Thương từ chối cấp phép thì sẽ phải có nguyên nhân, trả lời.
"Về mặt nguyên tắc thì như thế nhưng chúng tôi chưa nhận được bất cứ một thông tin phản hồi nào về việc chưa cấp phép. Chúng tôi chỉ biết là nộp về đấy để chờ, và đến ngày 24/9 làm sao chìa giấy phép ra để mở cửa.
Bên cạnh đó, Hợp đồng tham gia có điều khoản rất rõ: quyền và nghĩa vụ của bên B (bên thuê gian hàng) là được nhận gian hàng trưng bày từ 14h ngày 23/9. Bên B sẽ không được hoàn trả tiền thuê gian hàng nếu hủy tham gia. Còn trong trường hợp hủy tổ chức, bên A phải hoàn trả lại tiền cho bên B".
"Quan trọng là tìm được sản phẩm"
Theo quan sát của ông Du, có rất nhiều hoạt động sự kiện, ban tổ chức có thể bán vé trước vài năm là chuyện bình thường. Miễn sao ngày diễn ra thì nó được tổ chức đúng luật.
"Một chương trình truyền hình trực tiếp chưa chắc được cấp phép trước đó bao nhiêu nhưng đơn vị tổ chức vẫn có thể có thể quảng cáo chương trình đó từ trước," ông Du lập luận. "Quan trọng nhất trong ngày tổ chức biểu diễn đó anh có được phép hay không".
Vị đại diện công ty truyền thông này cho biết, để tổ chức thành công được Ngày hội mua nhà giá gốc này, thì công đoạn đáng lo nhất với ban tổ chức là thu thập sản phẩm phù hợp từ các chủ đầu tư. "Đến ngày hội đó mà chưa có sản phẩm, đó mới là cái chết".
Lấy ví dụ, nếu bây giờ mình có giấy phép rồi nhưng không có khách hàng thì khổ. Quan trọng là mình đang làm cái khâu này, là khâu chắc ăn nhất - đó là phải có người chắc chắn đến bán. Sau đó chúng tôi mới gửi giấy mời cho người mua".
Ông Du cũng bày tỏ sự thất vọng, bức xúc trước thái độ dửng dưng, thiếu thiện chí và gièm pha của một bộ phận giới kinh doanh bất động sản đối với nỗ lực của đơn vị tổ chức. Mặc dù đã gửi các tài liệu sang mời các sàn hợp tác phối hợp, tư vấn tổ chức bởi đơn vị ông không có nghiệp vụ về bất động sản "nhưng ngược lại, người ta đâu có muốn".
Về phần mình, qua phân tích những điểm đáng quan ngại trong việc tổ chức sự kiện mang tính chất bán hàng này, ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng nếu không làm đúng sẽ làm mất lòng tin của người mua trong bối cảnh thị trường đã rất khó khăn; cạnh tranh trực diện và thủ tiêu hoạt động kinh doanh của các mạng sàn. Ông Cường cũng cho biết tuần tới, Câu lạc bộ sẽ tổ chức họp báo thông tin và lên tiếng bảo vệ quyền lợi của số đông hội viên của mình.
Luật Thương mại năm 2005
Điều 129. Hội chợ, triển lãm thương mại
Hội chợ, triển lãm thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện tập trung trong một thời gian và tại một địa điểm nhất định để thương nhân trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích thúc đẩy tìm kiếm cơ hội giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa dịch vụ.
Điều 132. Tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam
1. Hội chợ, triển lãm thương mại tổ chức tại Việt Nam phải được đăng ký và phải được xác nhận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.
Nghị định 37/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại:
Điều 31. Sử dụng tên, chủ đề của hội chợ, triển lãm thương mại.
Trường hợp tên chủ đề hội chợ triển lãm thương mại có những từ ngữ để quảng bá chất lượng danh hiệu hàng hóa, dịch vụ, uy tín của danh hiệu của thương nhân, tổ chức cá nhân tham gia hội chợ triển lãm thương mại thì hoạt động có liên quan đến thương mại khi tổ chức hội chợ phải tuân thủ pháp lý sau đây:
Có bằng chứng pháp lý chứng minh chất lượng hàng hóa thương hiệu dịch vụ tham gia hội chợ triển lãm phù hợp với tên, chủ đề của hội chợ, triển lãm thương mại đã đăng ký;
Có bằng chứng chứng minh uy tín, danh hiệu của thương nhân tổ chức hoặc cá nhân tham gia hội chợ phù hợp với tên, chủ đề của hội chợ, triển lãm thương mại đã đăng ký.
|
(Theo Diễn đàn kinh tế Việt Nam)