> Lừa đảo kinh doanh BĐS tổng giám đốc tù chung thân
Hợp đồng huy động vốn luôn là “miếng mồi thơm” dụ các nhà đầu tư bất động sản ham siêu lợi nhuận sa bẫy…
Sau 1 tuần xét xử, vụ án xét xử “siêu lừa” Lê Hồng Bàng, nguyên Tổng giám đốc Công ty Sàn bất động sản (BĐS) Việt Nam đã khép lại, nhưng thủ đoạn lừa đảo của bị cáo này vẫn là lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với những nhà đầu tư BĐS.
Mánh lừa không mới
Công ty Sàn BĐS Việt Nam được thành lập từ tháng 4/2004 và tháng 11/2008, Bàng (sinh năm 1976, trú tại thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc. Trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty không có nghiệp vụ kinh doanh đầu tư xây dựng nhà ở, hơn nữa, Công ty cũng không có khả năng tài chính để thực hiện các dự án BĐS, nhưng Bàng vẫn tìm mọi cách để nhảy vào kinh doanh BĐS.
Tháng 12/2008, Bàng gặp Hà Tuấn Linh, Giám đốc CTCP Đầu tư và Thương mại Hoàng Hà và Hoàng Văn Cường, Giám đốc CTCP Đầu tư phát triển xây dựng Cường Thịnh. Cả 3 đối tượng đã bàn bạc và đi đến quyết định thành lập “liên doanh ma” lập dự án xây nhà ở tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Theo đó, Cường và Linh có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ pháp lý lập dự án, còn Bàng có nhiệm vụ huy động vốn và thi công xây dựng. Cả nhóm này dự tính tạo dựng 8 dự án xây dựng nhà ở rồi tổ chức bán cho khách hàng dưới hình thức huy động vốn.
Chỉ sau đó một thời gian ngắn, 4 dự án có tên là 683, Phương Đông, Lộc Hòa và Cửu Long đã ra đời.
Đầu năm 2009, Bàng đã thuê một số DN làm các thủ tục như hồ sơ pháp lý của Công ty Sàn BĐS Việt Nam, rồi tự in ra nhiều tờ bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất tỷ lệ 1/500, bản đồ phân lô 1/500, bản đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan các dự án. Bàng còn cho máy xúc, máy ủi ra các khu dự án san lấp mặt bằng một cách công khai, mời khách hàng đến xem. Đồng thời, Bàng còn rầm rộ quảng bá, giới thiệu về tính khả thi của các dự án trên.
Trên thực tế, diện tích đất của 4 dự án nói trên không phải là đất dự án, mà do nhóm đối tượng nói trên mua đất nông nghiệp của người dân được giao để canh tác, sau đó, san nền trái phép để lập dự án. Các dự án này không có quyết định giao đất hoặc cho thuê đất của UBND TP. Hà Nội. Bàng đã thuê các công ty vẽ bản vẽ thiết kế tỷ lệ 1/500 và bản đồ chi tiết khi chưa được UBND Thành phố phê duyệt.
Để tạo niềm tin cho nhà đầu tư mua nhà tại dự án, tại trụ sở của Công ty, Bàng và các nhân viên còn trưng bày các bản đồ chi tiết có ghi rõ số ô, số lô đất, đồng thời cam kết về tính khả thi của các dự án. Hơn nữa, nhóm của Bàng còn sử dụng văn bản “đã thụ lý hồ sơ xin lập dự án” do cơ quan chức năng cấp để tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Kèm theo những hồ sơ này, Bàng đã dí vào tay khách hàng các “Đơn đăng ký mua căn hộ”.
Ông Lê Văn Khắc, một trong hàng trăm nạn nhân của Bàng kể lại rằng, vào giữa năm 2009, Bàng và các nhân viên môi giới liên tục gọi điện giục khách hàng nhanh chóng nộp tiền. Những lời cam kết ngon ngọt như sắp giao nhà, chuẩn bị giao nhà, dự án sắp hoàn thiện… làm cho nhiều người tìm mọi cách huy động tiền và ký hợp đồng.
Dự án giả, thu tiền thật
Tại phiên tòa xử Lê Hồng Bàng, nhiều nạn nhân thừa nhận, chính vì tin tưởng vào tính khả thi các dự án do Bàng đưa ra, nên họ mới đóng tiền cho bị cáo, dưới hình thức vay vốn để đầu tư thực hiện dự án. Từ tháng 3 đến 7/2009, Bàng chỉ đạo nhân viên của Công ty thu tiền của khách với giá từ 10 đến 14 triệu đồng/m2, đồng thời thu tiền chênh lệch giá không có phiếu thu từ 3 đến 3,5 triệu đồng/m2. Đến tháng 7/2009, Bàng không thu tiền chênh lệch này mà đưa luôn vào hợp đồng vay vốn với giá từ 18 đến 19 triệu đồng/m2.
Thời gian đó, đồng loạt trên mạng Internet, rao vặt, sản phẩm của 4 dự án này được rao bán rất nhiều. Hàng trăm người đã mua đi, bán lại các hợp đồng góp vốn. Riêng chỉ từ tháng 3 đến 7/2009, Bàng cùng nhân viên Công ty đã lập 841 hợp đồng góp vốn, thu hơn 346 tỷ đồng của các bị hại.
Việc vẽ dự án “ma”, dùng hồ sơ giả để làm dự án không phải là chiêu thức mới. Tuy nhiên, số lượng hàng trăm người mắc bẫy trong vụ án này cũng như một số vụ án năm 2010, 2011 diễn đúng như “kịch bản” của Bàng cho thấy, ma lực của lợi nhuận từ BĐS đã làm mờ mắt nhiều người. Họ không đủ tỉnh táo để phát hiện ra những bất thường của dự án. Đồng thời, vụ án cho thấy, tính minh bạch của thị trường BĐS rất kém, khiến nhà đầu tư không được cung cấp thông tin về dự án, nên đã lãnh đủ rủi ro.
(Theo Báo Đầu Tư)