UBND TP HCM vừa quyết định chợ Văn Thánh (phường 25, Bình Thạnh) sẽ trở thành Trung tâm thương mại - dịch vụ - cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp. Khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa cũng được đầu tư xây dựng một sòng bạc.
Theo đánh giá của UBND TP, sau nhiều năm hoạt động kinh doanh không hiệu quả, ngôi nhà lồng chợ Văn Thánh đã xuống cấp trầm trọng cần thay đổi để tránh lãng phí trong sử dụng đất.
Với diện tích gần 6.000 m2 đất mặt tiền đường Điện Biên Phủ, Trung tâm thương mại Văn Thánh mới sẽ cao 25-27 tầng (khoảng 90-95 m). Khối nhà có hai phần, gồm khối bệ ở dưới (4-5 tầng) và khối tháp ở trên. Khối bệ làm trung tâm thương mại - dịch vụ, khối tháp làm văn phòng, căn hộ.
Hiện thành phố đã giao cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ tịch hội đồng chọn nhà đầu tư. Đã có hơn 20 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký tham gia đấu thầu dự án này. Dự kiến, hội đồng sẽ tuyển chọn nhà đầu tư từ đầu tháng 9. Tiêu chí quan trọng để chấm điểm nhà đầu tư là khả năng bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư phải tái bố trí các hộ tiểu thương tại chợ hiện nay vào nơi kinh doanh mới. Các tiêu chí chọn nhà đầu tư ở chợ này cũng sẽ áp dụng cho khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học, tại quận 1. Sau khi sơ kết 2 dự án chỉnh trang trên, thành phố sẽ thực hiện đồng loạt với các dự án khác.
Dự án đầu tư ở bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, phường 28, Bình Thạnh cũng đang rục rịch khởi động sau 15 năm treo. Với tổng diện tích gần 427 ha, đây sẽ là một trong 4 dự án thí điểm chọn nhà đầu tư vào khu trung tâm. Dự kiến, dự án sẽ chia làm 3 khu chức năng gồm dân dụng (khoảng 160 ha); chức năng đặc thù (khoảng 250 ha) và hệ thống hạ tầng (khoảng 25 ha). Bán đảo này sẽ có một khu phức hợp vui chơi giải trí (khách sạn, nhà hàng, casino…). Riêng về casino, Thủ tướng đã yêu cầu, chỉ xem xét những dự án có quy mô 4 tỷ USD trở lên.
Hiện có gần 20 nhà đầu tư đăng ký vào đây. Các nhà đầu tư sẽ phải xây 3 cây cầu qua sông Sài Gòn (gồm cầu nối với phường Thảo Điền, quận 2; nối với Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức; nối với tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài), đồng thời xây tuyến kè chống sạt lở sông Sài Gòn (nhiều năm nay thành phố đã làm nhưng chưa xong). Để tránh chuyện dân "dài cổ" chờ, tiêu chí thời gian thực hiện công trình sẽ do nhà đầu tư tự ấn định, gồm thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ai làm ngắn nhất sẽ được ưu tiên.
(Theo SGTT)