Bốn đời chủ nhà đều gặp tai ương, đến nay, người chủ mới nhất cũng khóa trái cửa bỏ không mấy năm trời. Ngôi nhà rêu mốc, hoang phế càng trở nên rờn rợn bởi những lời đồn đoán huyễn hoặc.
Ngay cả những người già nhất trong Khu 1, Thị trấn Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang cũng không nhớ nổi ngôi nhà cấp bốn nằm hướng ra mặt phố Quang Trung có từ khi nào. Chỉ biết rằng, từ người lớn đến trẻ nhỏ ở đây đều truyền tai nhau một câu chuyện huyễn hoặc mà người “yếu bóng vía” không khỏi rợn người.
Lời đồn ma quái
Câu chuyện đồn rằng, vào thời chiến tranh, tại khu đất của căn nhà này có hai người lính Lê Dương đã bị bắn chết và chôn ở đây. Hiện, hài cốt vẫn nằm sâu dưới nền móng và nhất là “hồn vía” của hai người “Tây đen” ấy vẫn ám ảnh ngôi nhà cả trăm năm nay.
“Theo tôi được nghe kể thì ngôi nhà đã qua tay cả thảy 4 đời chủ. Nhưng ai cũng chỉ ở đây được vài năm thì hoảng hốt, tức tốc đề biển bán nhà”, chị Nguyễn Thị Mai, một người hàng xóm sống gần căn nhà kể lại không giấu giọng run sợ.
Theo lời chị Mai, người chủ đầu tiên là nhà bà Lựu, có con trai tên Đức (sinh năm 1958), nhưng đến năm 7 tuổi thì đột ngột bị chết không rõ lý do. Con thứ hai của bà tên An cũng chết năm mới lên 11, 12 tuổi. Quá hoảng sợ vì lời đồn đất dữ cùng cái chết đau thương của hai đứa con, bà Lựu đã bán lại nhà cho ông Hồng. Những sự lạ cứ liên tiếp diễn ra trong căn nhà đầy tai tiếng.
Tuy nhiên, chỉ ở được vài năm ông Hồng lại vội vàng bán lại cho nhà ông Bình – Đỉnh. Sau nghe những người hàng xóm kể lại, chính vợ ông Hồng có kể, đêm đêm bà cứ bị đánh thức bởi những tiếng động ma quái, lúc mở mắt ra thì hết hồn khi nhìn thấy bóng của hai người da đen đứng ở đầu giường cười sằng sặc.
Thế nhưng, người chủ mới của căn nhà là ông Bình cũng lại gặp phải sự không lành khi đứa con vừa 7 tháng tuổi, xinh xắn bụ bẫm của ông bỗng… lăn ra chết. Vốn là người không tin vào những chuyện dị đoan, nhưng đến lúc này ông Bình cũng phát hoảng mà đề biển rao bán căn nhà. Đến khoảng năm 2006, căn nhà vẫn chưa ai hỏi mua, còn bỏ trống nên ông cho anh Khiêm làm thợ mộc ở nhờ.
“Công việc làm ăn ban đầu của anh cũng khấm khá nhờ tay nghề giỏi, khéo léo, giá cả lại phải chăng. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao chỉ đầy một năm sau, anh ta bỗng tuyên bố vỡ nợ rồi lại vội vàng chuyển đi khiến người dân quanh vùng càng thêm phần hoảng sợ và thêu dệt những câu chuyện ma quái. Căn nhà lại được rao bán với “giá bèo”, nhưng những người ở đây chẳng ai dám hỏi mua.
Cách đây vài năm, có một người ở Gia Lâm, Hà Nội xuống hỏi mua lại. Khi tham khảo ý kiến những người hàng xóm, ai cũng gàn ông ấy, bảo ngôi nhà này ám khí nặng nề, không ai dám ở. Nhưng ông ấy cứ nhất nhất đòi mua, bảo rằng không tin những chuyện đồn đoán nhảm nhí.
Ấy thế mà vừa mua căn nhà, còn chưa dọn đến ở, nghe đâu vợ chồng đã cãi nhau nảy lửa, rồi lôi nhau ra tòa ly dị. Bản thân ông ý cũng bị tai nạn gãy chân. Ông chủ nhà cũng chẳng dọn đến ở ngày nào, căn nhà bỏ không như vậy từ bấy cho đến nay
Chưa hết, người cầm chìa khóa giữ nhà cho chủ mới, cả năm chỉ mở cửa có vài lần để thu hoạch vườn chuối sau nhà cũng gặp vận rủi. "Nghe đâu, con gái ông ta cũng vừa sảy thai, dân quanh đây bảo cũng bị cái nhà “ma” nó ám”, chị Mai kể thêm.
“Cho không cũng không ai dám ở”
Ngôi nhà cấp bốn nằm lọt thỏm trên con phố sầm uất với những ngôi nhà cao tầng, đẹp đẽ bên cạnh như càng toát thêm vẻ u ám.
Cánh cửa gỗ ọp ẹp đã bị mối mọt gặm nhấm gần hết, ổ khóa hoen gỉ, bức tường vàng đã đổi màu nham nhở và đầy rêu mốc. Ngay cả mảnh sân trước cửa, cỏ cũng mọc um vì thiếu bàn tay người chăm sóc. Phía trên cửa ra vào, người ta chỉ đọc được 3 số 198, còn chữ số cuối cùng cũng bị lộn ngược. Người đoán đây là số 2, người bảo số 5, người lại chắc chắn là số 7… càng khiến cho ngôi nhà nhuốm màu huyền bí. Chữ bán nhà viết bằng phấn cũng bạc thếch màu thời gian.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Tuấn Phương, trưởng khu 1, Thị trấn Thắng cũng thừa nhận, những lời đồn đại xung quanh ngôi nhà trên đã tồn tại từ nhiều năm nay.
“Bản thân tôi cũng từng nghe những câu chuyện truyền tai như thế. Hiện dân quanh đây ai ai cũng cho rằng ngôi nhà ấy bị “ma ám”. Người lớn cũng hạn chế qua lại và trẻ con cứ đến tối là tuyệt nhiên không dám đi qua đây.
Nếu theo giá bán ở khu này, mảnh đất ấy cũng được trên dưới 1 tỷ nhưng chẳng ai dám mua. Nhiều người cho rằng, có cho không họ cũng chẳng dám ở. Thấy mảnh đất bỏ phí, ngôi nhà lại hoang phế gây mất mỹ quan cho khu phố nên chúng tôi cũng bàn cách mua lại để làm Nhà Văn Hóa, tuy nhiên, mức giá chúng tôi đưa ra, chủ nhà vẫn chưa chấp nhận.
Ngôi nhà mảnh đất vẫn bỏ không như thế, người chủ cũng chả đoái hoài, thậm chí mấy năm nay chúng tôi vẫn chưa thu được tiền thuế nhà đất vì chẳng bao giờ gặp được ông ta. Càng hoang phế, những lời đồn đại lại càng nhiều. Tuy nhiên, đồn đại là thế nhưng dù cũng chỉ cách mấy nhà mà tôi chưa từng nhìn thấy chuyện gì khác lạ cả. Có thể, những tai ương với chủ nhà kia chỉ là sự trùng lặp, người ta cứ vin vào đó mà thêu dệt những chuyện huyễn hoặc gây xôn xao dư luận”, ông Phương phỏng đoán.
(Theo Bưu Điện Việt Nam)