Vật liệu xây không nung (VLXKN) - vật liệu của tương lai với những tính năng tiến bộ hạn chế tối thiểu ảnh hưởng tới môi trường, tận dụng phế thải làm nguyên liệu, tiết kiệm thời gian thi công…
Tại hội thảo “Ứng dụng VLXD, thiết bị công nghệ mới trong các công trình xây dựng đảm bảo an toàn, tiết kiệm năng lượng và giá thành hợp lý”.PGS.TS Nguyễn Văn Chánh cùng nhóm cộng sự Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã trình bày nghiên cứu công nghệ Geoplymer từ bùn thải của quặng bauxit và tro bay để sản xuất VLXD nhà ở và đường giao thông nông thôn. Trong quá trình tuyển quặng thường thải ra lượng đất bùn đỏ. Nếu sử dụng loại đất này để làm đường thì vào mùa khô tạo thành bụi và lầy lội vào mùa mưa. Tro bay, một loại phế thải công nghiệp từ các nhà máy nhiệt điện cũng đã được các nhà nghiên cứu tạo thành chất kết dính trong sản xuất VLXKN.
Nghiên cứu cho thấy, công nghệ Geoplymer tạo cho đất có cường độ cao và ổn định lâu dài không chỉ trong trạng thái khô mà ngay cả trong trạng thái bão hòa nước nhờ các chất liên kết. Các khoáng chất rời rạc trong đất sẽ được liên kết lại thành bộ khung không gian vững chắc, tạo nên cường độ và sự ổn định cho sự không ổn định của đất khi gặp sự thay đổi liên tục của môi trường khô ẩm. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng 10 - 20% tro bay, 6 - 8ml chất đóng rắn/100g bột, cường độ chịu nén là 120 - 150 kgf/cm2, cường độ kéo khi bửa là 13 -19kgf/cm2, mô đum đàn hồi là 4.000 - 6.000kgf/cm2, độ hút nước đạt 6,8 - 8,8%, hệ số mềm 0,8 - 0,9 với điều kiện sấy 6 giờ và nhiệt độ 1000C.
“Vật liệu Geoplymer từ bùn thải và tro bay là sự kết hợp có tính chất kỹ thuật phù hợp với việc áp dụng sản xuất gạch không nung cho xây dựng nhà ở và phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển - kinh tế xã hội của nông thôn trên phạm vi cả nước”. PGS.TS Nguyễn Văn Chánh khẳng định.
TH