Thời gian gần đây tình trạng khai thác khoáng sản ở Bình Ðịnh diễn ra hết sức hỗn loạn. Nghiêm trọng hơn, các đối tượng khai thác trái phép tập trung "cướp" các loại đá gra-nít và sa khoáng ti-tan với số lượng lớn. Tình trạng này cần được các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh Bình Ðịnh sớm có biện pháp ngăn chặn.
Ðiểm nóng của nạn khai thác trái phép đá gra-nít tại núi Hòn Chà, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn và một số xã, thị trấn của huyện Tuy Phước. Trong nhiều năm qua, tình trạng khai thác trái phép tài nguyên ở đây xảy ra một cách công khai, rầm rộ, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường, lãng phí tài nguyên. Nhiều cơ quan truyền thông đã lên tiếng phản ánh thực trạng này, cơ quan chức năng địa phương cũng đã vào cuộc, UBND tỉnh đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra xử lý nhưng khi đoàn rút đi thì đâu lại vào đó.
Trong khi lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng đang loay hoay tìm giải pháp hữu hiệu thì nạn "cướp" tài nguyên vẫn tiếp diễn. Ðiều đáng nói là ngay trước khi đoàn của lãnh đạo tỉnh đi thị sát vài ngày, lực lượng này như được báo trước đã vội vã rút lui. Các đối tượng khai thác trái phép ngang nhiên dùng cả phương tiện cơ giới và nổ mìn, tổ chức khai thác chụp giật gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng môi trường sống của nhân dân và DN liền kề. Giám đốc Sở TN&MT Bình Ðịnh Trần Thái Nga cho biết: Sở dĩ vẫn xảy ra tình trạng khai thác đá bừa bãi là do chồng chéo trong phân cấp quản lý; nhập nhằng trong cấp phép, quy hoạch. Theo đại diện Sở Công thương và Công an Bình Ðịnh, phần lớn các doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá ở đây đều không đủ năng lực về công nghệ thiết bị và tài chính. Họ chỉ xí phần rồi lại thuê người dân địa phương khai thác. Hiện ở đây có ít nhất 25 DN khai thác đá gra-nít, trong đó, nhiều doanh nghiệp khai thác lậu, có doanh nghiệp mới chỉ được cấp phép thăm dò cũng tiến hành khai thác... Có DN bị xử phạt vi phạm nhiều lần nhưng mức phạt chưa đủ tính răn đe.
Chủ tịch UBND phường Trần Quang Diệu Ðoàn Văn Vỹ cho biết: Nhiều năm qua, hoạt động khai thác đá trái phép tại núi Hòn Chà rất ngang nhiên. Chúng tôi rất bức xúc trước chất vấn của người dân khi họ phản ánh tình hình ô nhiễm nguồn nước, bụi bặm, tiếng ồn mà họ phải chịu đựng trong suốt nhiều năm... Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân Nguyễn Văn Bằng bức xúc: Hoạt động khai thác đá đã gây sa bồi ba ha ruộng tại khu vực 4, khiến bà con không thể canh tác. Hiện nay, tất cả các sông, suối trên địa bàn đều bị bồi lấp đến hai phần ba dòng chảy.
Thời gian gần đây, tình hình khai thác, vận chuyển, mua bán ti-tan trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh cũng diễn biến phức tạp không kém. Ðiểm nóng là hai huyện Phù Cát, Phù Mỹ. Trung bình mỗi ngày có hàng trăm người dân địa phương đi xúc ti-tan để bán cho các "đầu nậu" là dân địa phương hoặc người đến từ các tỉnh phía bắc và cả người nước ngoài. Hoạt động tranh mua, tranh bán đã làm cho tình hình an ninh, TTATXH rất phức tạp trở thành điểm nóng... Do làm ăn theo kiểu chụp giật, các lực lượng khai thác lấn chiếm đất của dân, chặt phá rừng phòng hộ để lấy khoáng sản. Nhiều khu rừng phòng hộ ven biển nhiều chục năm tuổi ở các xã Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải... (huyện Phù Cát); Mỹ Thành, Mỹ An, Mỹ Chánh... (huyện Phù Mỹ); Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) đã bị tàn phá nặng nề, gây hiện tượng cát bay, sa bồi đất sản xuất... gây bức xúc trong nhân dân. Hệ quả là nguồn nước ngầm ở đây bị ô nhiễm và cạn kiệt đến mức nghiêm trọng. Toàn bộ hệ thống đường ống thoát nước dài 15 km của đường trục Khu Kinh tế Nhơn Hội bị cát bồi làm tắc, nhiều đoạn phải đào lên để khơi thông trước mùa mưa.
Hiện nay, cả tỉnh Bình Ðịnh có 24 giấy phép được cấp cho 14 DN, khối lượng khai thác 328.765 tấn/năm trên diện tích 461,63 ha. Nhưng lâu nay, việc cấp giấy phép mới chỉ dừng lại ở việc nhìn thấy mỏ khoáng sản đưa vào quy hoạch và cấp giấy phép cho DN khai thác chứ chưa đánh giá chính xác trữ lượng của mỏ, chất lượng và trị giá khoáng sản. Bởi vậy, sản lượng khoáng sản mà các DN khai thác trên thực tế vượt nhiều lần so với số được cấp phép, dẫn đến khoáng sản bị thất thoát lớn, thất thu ngân sách.
Thực tế cho thấy khoáng sản ở Bình Ðịnh chủ yếu được khai thác, sơ chế và xuất khẩu thô nên giá trị thấp, nguồn thu cho ngân sách địa phương không đáng kể, nhưng để lại nhiều hậu quả lâu dài về mặt môi trường và xã hội. Nếu tính toán đầy đủ nguồn thu từ khoáng sản chưa chắc đủ bù đắp cho khắc phục các hậu quả để lại. Trong một thời gian dài các cơ quan quản lý nhà nước chưa phối hợp tốt với nhau dẫn tới không kiểm soát được hoạt động khai thác khoáng sản. Tỉnh Bình Ðịnh gần như khoán trắng cho doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò, khai thác đến xuất khẩu, nên để lại nhiều hậu quả. Các doanh nghiệp thường muốn thu hồi vốn thật nhanh, ít doanh nghiệp nghĩ đến việc đầu tư dài hạn. Thực tế ngân sách địa phương thu không được nhiều, công ăn việc làm của người dân cũng chẳng được là bao.
Trong những năm qua, hằng năm các DN bán quặng ti-tan thô ở thị trường nội địa nhưng thực chất là xuất khẩu thông qua đường tiểu ngạch khoảng từ 250 nghìn đến 300 nghìn tấn/năm. Với sản lượng đó hằng năm, tỉnh Bình Ðịnh thất thu hàng trăm tỷ đồng. Gần đây UBND tỉnh đã yêu cầu ba cảng Quy Nhơn, Thị Nại, Tân Cảng dừng làm thủ tục vận chuyển nội địa đối với các lô hàng ti-tan thô; giao UBND hai huyện Phù Cát, Phù Mỹ chỉ đạo Công an huyện và các đơn vị trên địa bàn triển khai lập lại trật tự trong khai thác, vận chuyển, mua bán quặng ti-tan; xử lý nghiêm những đối tượng khai thác ti-tan trái phép... UBND tỉnh Bình Ðịnh sẽ lập tổ công tác kiểm tra vận chuyển ti-tan và tổ công tác thu thuế tài nguyên nhằm tăng cường quản lý hoạt động này.
(Theo Nhân dân)