Trong bối cảnh ảm đạm chung của thị trường bất động sản (BĐS), ngành vật liệu xây dựng (VLXD) cũng đang vật lộn tìm cách tháo gỡ khó khăn. Thế nhưng, bế tắc đầu ra, ngặt nghèo về vốn cộng với sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường đang đẩy nhiều doanh nghiệp xi măng, thép… đến bờ vực phá sản.
Tiêu thụ chậm, hàng tồn cao
Kể từ đầu năm 2011, cùng với sự khó khăn chung của nền kinh tế và sự ảm đạm trên thị trường BĐS, các doanh nghiệp ngành VLXD phải đối mặt với vô vàn áp lực. Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết tính đến giữa tháng 9, tổng lượng tồn kho của thép xây dựng lên đến 400.000 tấn và phôi thép 520.000 tấn, gấp đôi so với mức dự trữ bình quân hàng tháng của doanh nghiệp thép.
Hiện nhiều nhà máy thép chỉ vận hành 50-60% công suất, thậm chí ngừng sản xuất để hạn chế thua lỗ. Với lượng tồn kho này, lãi doanh nghiệp phải trả hàng tháng gần 150 tỷ đồng. Tương tự doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng đang chật vật tìm cách giải phóng hàng.
Theo dự báo từ nay đến cuối năm, khoảng 20% doanh nghiệp thép có thể sẽ bị phá sản. Do sức mua giảm mạnh trong 2 tháng gần đây, nhiều nhà máy thép buộc phải cắt giảm công suất đáng kể và các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu có khả năng bị phá sản trước nhất. Điều này đã được hiệp hội cảnh báo vài năm trước, bây giờ các doanh nghiệp này mới bắt đầu thấm thía khi thép làm ra bán không được, công suất cắt giảm đến 50%, lâm vào thế bí trước áp lực lãi suất ngân hàng cao…(Ông Nguyễn Tiến Nghị, Phó Chủ tịch VSA)
Theo số liệu của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), hết tháng 9-2011, tổng lượng xi măng tiêu thụ mới đạt 14,53 triệu tấn so với mục tiêu 20,7 triệu tấn cả năm 2011 (tiêu thụ nội địa 19,55 triệu tấn, xuất khẩu 1,15 triệu tấn).
Hiện nay lượng xi măng và clinker tồn kho của Vicem vào khoảng 2 triệu tấn. Nhiều nhà máy sản xuất thép và xi măng hoạt động cầm chừng, chỉ 20% trên dưới công suất, thậm chí nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất dù chưa tuyên bố phá sản.
Trong tháng 8, trừ 3 doanh nghiệp là Tam Điệp, Bút Sơn và Bỉm Sơn, các doanh nghiệp còn lại thuộc Vicem đều không đạt chỉ tiêu về doanh số tiêu thụ. Một số doanh nghiệp thép khá nổi tiếng như Vạn Lợi, Thép Đình Vũ (Hải Phòng), CTCP luyện thép Sông Đà, CTCP thép Cửu Long Vinashin… cũng đều ở trong tình cảnh “ngắc ngoải”, phải tạm ngưng sản xuất.
Các VLXD khác như cát, sỏi, đá ốp lát, trang trí nội thất, bê tông… cũng chung số phận. Theo thống kê của Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, lượng gạch ốp lát tồn kho đã lên tới hơn 30 triệu m2 dù các nhà máy chỉ chạy khoảng 70% công suất. Hội VLXD Việt Nam cũng cho biết một số nhà máy bê tông tồn kho lên tới hàng tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Tổng thư ký Hiệp hội Kính Việt Nam, cho biết năm nay lượng kính tồn kho gấp 2 lần năm 2010, giá bán tụt giảm tới 48% trong vòng 5 tháng trở lại đây. Hiệp hội Kính có 120 hội viên, chỉ vài hội viên có lãi còn đa số hòa và lỗ vốn. Trên thực tế, các doanh nghiệp ngành VLXD đang trải qua thời kỳ khủng hoảng kéo dài nhất từ trước đến nay.
Trong nhiều tháng qua, các cửa hàng kinh doanh VLXD tại Hà Nội, TPHCM luôn trong tình trạng ế ẩm. Giá VLXD thời gian qua hầu như không tăng nhưng vẫn rất ít người mua. Tuy nhiên, điều đáng báo động hiện nay là các doanh nghiệp thép đang sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, đầu tư manh mún, tiêu tốn điện nhiều, chất lượng sản phẩm thấp…
Nguy cơ hiển hiện
Đói vốn là biểu hiện dễ thấy ở tất cả doanh nghiệp VLXD thời điểm này. Cách đây vài tháng, trong cuộc họp với Bộ Xây dựng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Lê Văn Chung, từng bức xúc: “Đi vay lúc này cũng chỉ là để nấu cháo ăn qua bữa. Lợi nhuận chỉ vài phần trăm làm sao có tiền để trả lãi trên 20%. Thắt chặt tín dụng mà dẫn đến sản xuất đình đốn thì không hợp lý.
Nếu siết đến mức các đơn vị sản xuất, kinh doanh đổ bể, ngân hàng cũng không thể đòi được nợ. Tổng công ty Xi măng là một đơn vị sản xuất thực sự nhưng lợi nhuận chỉ khoảng 2-3%. Nếu tính lợi nhuận trên tổng vốn bỏ ra 12.000 tỷ đồng, coi như doanh nghiệp không có lãi”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xi măng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt khi thừa công suất. Theo dự báo của ông Lê Văn Chung, tiêu thụ xi măng sẽ còn căng thẳng vì thời gian tới nguồn cung xi măng trên thị trường vẫn tiếp tục tăng. Riêng trong năm 2011 toàn ngành xi măng sẽ có thêm 11 dự án mới được đưa vào hoạt động, tức lượng xi măng dư thừa năm nay dự kiến 4-5 triệu tấn và vào năm 2012 sẽ xấp xỉ 8 triệu tấn.
Theo dự báo, lượng tiêu thụ xi măng mỗi năm tăng khoảng 10%. Nhưng với tốc độ sụt giảm của thị trường như hiện nay, dự báo này trở thành lạc hậu. Bởi tháng 7-2010 lượng tiêu thụ xi măng cả nước hơn 4 triệu tấn, còn tháng 7-2011 chỉ tiêu thụ được 3,7 triệu tấn, bằng 67% so với tháng 3 cùng năm. Khó khăn nữa của ngành thép là ngân hàng rất ngại cho doanh nghiệp thép vay vốn. Theo đó, trước đây doanh nghiệp vay thế chấp chính bằng hàng hóa nay ngân hàng yêu cầu phải có thêm tài sản khác đảm bảo.
Tính đến nay, tổng công suất thép xây dựng cả nước khoảng 9 triệu tấn/năm. Trong khi đó, tháng 6 và tháng 7, mức tiêu thụ thép xây dựng mỗi tháng tối đa khoảng 300.000 tấn/tháng, dưới 50% công suất hiện tại của toàn ngành.
Điều này đang khiến nhiều doanh nghiệp thép “hoảng” khi dự kiến đến năm 2015, cả nước chỉ cần khoảng 15 triệu tấn thép và năm 2020 là 20 triệu tấn thép, trong khi tổng công suất thiết kế của các dự án lên tới 26 triệu tấn/năm, chưa kể dự án 5 triệu tấn của Tập đoàn Tata (Ấn Độ) liên doanh với Tổng công ty Thép Việt Nam tại Hà Tĩnh, dự án thép tấm cán nóng Bà Rịa - Vũng Tàu (Tổng công ty Thép Việt Nam mua lại của Tập đoàn Essar) 2 triệu tấn/năm
Tầm nhìn quy hoạch?
Không khó để “bắt bệnh” thị trường VLXD Việt Nam. Theo các chuyên gia, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng trên do để kiềm chế lạm phát, Chính phủ áp dụng nhiều biện pháp cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết khiến thị trường BĐS rơi vào tình trạng đóng băng.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do quy hoạch ngành VLXD như thép, xi măng bất hợp lý. Tình trạng các địa phương - dù không có lợi thế - nhưng vẫn đua nhau mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy xi măng, thép. Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến nay trong 65 dự án thép có công suất thiết kế từ 100.000 tấn/năm trở lên, có tới 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tập trung ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương...
Trong số này có hơn 20 dự án là địa phương cấp sai thẩm quyền… Còn câu chuyện về “vỡ” quy hoạch xi măng dường như quá quen thuộc, đã được đề cập nhiều từ vài năm trước.
Như vậy có thể thấy, việc phá vỡ quy hoạch VLXD và những hệ lụy mà nó mang lại, đặc biệt với ngành thép, xi măng rất rõ ràng. Sau giai đoạn “đói góp”, thời điểm “no dồn” lại gặp phải khó khăn về kinh tế nên các doanh nghiệp lao đao. Mặt khác, trong khi tình hình xuất khẩu không mấy khả quan, nhiều sản phẩm dư thừa công suất gấp đôi so với nhu cầu nhưng nhiều sản phẩm lại phải nhập khẩu với số lượng lớn như thép tấm, thép cuộn cán nóng… khiến cho ngành mất cân đối nghiêm trọng.
Hiện doanh nghiệp ngành thép cũng đang đối diện với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, Thái Lan, Indonesia. Rõ ràng, lúc này, cuộc khủng hoảng thừa thép, xi măng đã không còn ở dạng “nguy cơ” mà đang hiện hữu, tác động tiêu cực đến chính các doanh nghiệp, đẩy ngành thép, xi măng và nhiều doanh nghiệp VLXD khác vào tình trạng khó khăn không lối thoát.
“Mặc dù chưa tuyên bố phá sản nhưng công ty gần như không hoạt động từ 2 tháng nay. Hiện lượng thép xây dựng tồn kho hàng chục nghìn tấn, vốn ứ ở đây nên không có tiền để trả tiền điện, tiền lãi… Chúng tôi thực sự chưa biết xoay ra sao”- một doanh nghiệp thép ở Hải Phòng cho biết. Cũng theo doanh nghiệp này, nếu Nhà nước không sớm nới tín dụng, không hạn chế nhập khẩu… đến cuối năm nay sẽ có hàng loạt doanh nghiệp phá sản.
Hiện các doanh nghiệp sản xuất VLXD chỉ còn biết trông chờ vào dấu hiệu khởi sắc của thị trường BĐS và chi phí đầu vào sẽ giảm bớt khi có chủ trương giảm lãi suất của ngân hàng. Tuy nhiên triển vọng thị trường còn phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ.
(Theo Sài Gòn đầu tư tài chính)