Cửa uPVC ra đời ở các nước châu Âu cách đây hơn 60 năm. Nhờ các đặc tính ưu việt có khả năng cách âm, cách nhiệt cao, cửa uPVC đã nhanh chóng được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Thị trường cửa Việt Nam 10 năm trở lại đây, ngoài các dòng cửa truyền thống như cửa gỗ, cửa nhôm chỉ có tác dụng che mưa, che nắng, đã xuất hiện các loại cửa sổ, cửa đi uPVC có khả năng cách âm, cách nhiệt cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh các nhà máy hiện đại được đầu tư dây chuyền thiết bị mang tính tự động hóa cao, công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến, với phong trào “trăm hoa đua nở” đã xuất hiện thêm nhiều cơ sở cùng sản xuất và kinh doanh mặt hàng này. Trong đó, không ít xưởng sản xuất nhỏ mang tính thủ công, chỉ đầu tư thiết bị sản xuất sơ sài như vài chiếc máy cắt, máy hàn cũng quảng cáo sản xuất cửa uPVC với tên gọi na ná, chủ yếu nhái theo các thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng tốt và đem lại hiệu quả cách âm, cách nhiệt khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn khi lựa chọn.
Cửa uPVC ngoài những đặc tính ưu việt là khả năng cách âm, cách nhiệt, giúp chống ồn, tiết kiệm điện năng làm mát và sưởi ấm, còn mang đến cho ngôi nhà vẻ đẹp thanh thoát, sang trọng và hiện đại. Song để đạt được các tính năng này và giữ được vẻ đẹp bền lâu, đòi hỏi thanh profile uPVC không chỉ có bề ngoài đẹp mà vật liệu bên trong phải đạt tiêu chuẩn, nếu không sản phẩm sẽ nhanh bị xuống cấp trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở nước ta. Trong khi đó, không ít người tiêu dùng Việt Nam thường chỉ quan tâm đến giá thành sản phẩm mà bỏ qua yếu tố chất lượng. Để chọn được cửa uPVC có chất lượng tốt, đảm bảo tính cách âm, cách nhiệt, bạn cần chú ý tới các các yếu tố cấu thành nên sản phẩm từ thanh profile, hệ phụ kiện kim khí, hộp kính đến hệ gioăng cao su.
Thanh profile là một bộ phận quan trọng cấu tạo nên cửa, được định hình từ nhựa uPVC, khác với các loại nhựa thông thường. uPVC là Polyvinyl Chloride cứng được biến tính bởi các thành phần: Acrylic Polymers tạo cho nhựa bền chắc, chịu được va đập mạnh; chất ổn định (Stabilizers) giúp nhựa chịu được tác động của nhiệt và tia cực tím; chất phụ gia (Additives) chống oxy hóa và ố vàng; sáp ong để tạo cho thanh profile có bề mặt bóng, đẹp. Các thành phần này giúp cho vật liệu uPVC không bị cong vênh, co ngót, không bị lão hóa hay ố vàng trong điều kiện bức xạ mặt trời, có khả năng chống cháy cao và giữ được vẻ đẹp ban đầu trong suốt thời gian sử dụng.
Trên thế giới, những tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn trong việc sản xuất, cung cấp thanh profile uPVC có thể kể đến như: HT TROPLAST AG với các thương hiệu nổi tiếng như Kommerling, KBE, Trocal hay các công ty Veka, Rehau, Aluplast, Tessenderlo... có nguồn gốc từ châu Âu. Trong đó, HT TROPLAST AG là tập đoàn sản xuất chiếm thị phần lớn nhất châu Âu với 22% và hơn 20% thị phần thế giới (Veka chiếm 17%, Rehau chiếm 14% thị phần châu Âu). Thanh profile của HT TROPLAST AG được sản xuất tại các nhà máy ở nhiều nơi trên thế giới như: Đức, Nga, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ và Trung Quốc với những nghiên cứu và ứng dụng thành công trong điều kiện khí hậu đặc thù của từng khu vực. Đối với khu vực châu Âu, thanh profile được cấu tạo nhiều khoang rỗng hơn để chống lại thời tiết lạnh. Còn đối với khu vực châu Á, do khí hậu nhiệt đới nắng nóng nên được tăng thêm các chất phụ gia chống oxy hóa và ố vàng.
Kommerling thuộc HT TROPLAST AG là thương hiệu đi đầu trong việc sản xuất thanh profile theo tiêu chuẩn “Greenline”. Đây là hệ thống tiêu chuẩn cho các chất ổn định không có Chì trong thanh profile uPVC, thân thiện với môi trường, không gây độc hại cho người sử dụng. Chì là một kim loại nặng độc hại cho cơ thể con người. Chì có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và đường miệng gây đau mắt, cổ họng, mũi, nhức đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ… Tiếp xúc với chì thường xuyên sẽ dẫn đến nhiễm độc chì khiến ăn không ngon, sụt cân, buồn nôn, đau bụng, tăng nguy cơ cao huyết áp, về lâu dài sẽ gây ra các bệnh về thận, bệnh thiếu máu và tổn hại cho não.
Bởi vậy, các quốc gia ở châu Âu đã cấm hoàn toàn việc sử dụng Chì trong sản xuất thanh profile mà thay vào đó là chất tổng hợp Kẽm – Canxi để tránh gây độc hại cho con người và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, ở một số nước châu Á và tại Việt Nam, kim loại Chì chưa bị cấm sử dụng trong sản xuất nên đa số nhà cung cấp Trung Quốc hay một số nước khác vẫn sử dụng Chì để làm chất phụ gia trong sản xuất thanh profile do Chì có giá thành rẻ hơn so với hợp chất Kẽm – Canxi.
Cùng với đó, các nhà cung cấp này còn giảm những chất phụ gia đắt tiền và tăng các loại bột đá rẻ tiền nhằm hạ giá thành sản phẩm, nên thanh profile nhanh bị ố vàng, xước, giòn, mối hàn bị rạn nứt và còn có thể bị biến dạng. Lõi thép gia cường bên trong thanh profile đôi khi cũng bị làm mỏng và không dùng thép mạ chống gỉ, do đó thanh profile bị yếu, thép dễ bị gỉ làm mất tác dụng. Để phân biệt được chất lượng thanh profile uPVC lúc còn mới là rất khó, ngay cả dấu hiệu ngoại quan như bề mặt bóng đẹp cũng chỉ bộc lộ nhược điểm sau một thời gian sử dụng.
Cửa uPVC được phát minh và sử dụng đầu tiên tại những quốc gia ở Châu Âu, nên công nghệ sản xuất thanh profile của những quốc gia này được đánh giá là tiên tiến nhất hiện nay do có bí quyết riêng và kinh nghiệm lâu năm. Với xu thế toàn cầu hóa, các tập đoàn, công ty đa quốc gia đã xây dựng nhà máy sản xuất profile tại nhiều nơi trên thế giới. Thanh profile được sản xuất từ các nhà máy này đều đạt tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn đối với người sử dụng. Bởi vậy, bạn không phải lo ngại sản phẩm được sản xuất ở đâu mà chỉ nên quan tâm sản phẩm được sản xuất bởi công ty nào. Với những thương hiệu có uy tín, kinh nghiệm và thị phần lớn như: Kommerling, KBE, Trocal, Aluplast … bạn có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh việc lựa chọn thanh profile chất lượng tốt, khi mua sản phẩm uPVC bạn cũng cần để ý tới xuất xứ của hệ phụ kiện kim khí gồm: chốt đa điểm, bản lề 3D, khóa chuyên dụng… Do cửa thường xuyên chịu tác động cơ học như đóng, mở nên phụ kiện cần làm từ loại thép không gỉ, có độ bền cao. Hiện nay, trên thị trường có một số hãng làm nhái phụ kiện với chất lượng không đảm bảo để hạ giá thành sản phẩm. Nhưng chỉ sau một thời gian sử dụng, loại phụ kiện này sẽ bộc lộ nhược điểm như: gỉ sét, chờn lỏng, làm cho cửa không kín khít, giảm độ cách âm, cách nhiệt. Bởi vậy, bạn nên lựa chọn những sản phẩm sử dụng hệ phụ kiện kim khí của các hãng hàng đầu Châu Âu. Với những sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, bạn có thể gặp phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng do những nhà sản xuất thủ công cung cấp.
Kính cũng là một thành phần quan trọng cấu tạo nên cửa uPVC và người ta có thể dùng kính đơn hoặc hộp kính tùy theo nhu cầu. Nhưng để đạt hiệu quả cách âm, cách nhiệt tốt nên sử dụng hộp kính. Ngoài ra, hộp kính với các loại kính an toàn, kính cường lực sẽ đảm bảo an toàn cho người sử dụng và không phải làm thêm song sắt chống đột nhập. Sản xuất hộp kính phải luôn trong điều kiện buồng kín, độ ẩm thấp, nhằm tránh hiện tượng đọng hơi nước. Bên trong hộp kính được bơm khí trơ (khí Argon chứ không phải là chân không như nhiều người nhầm tưởng) để cân bằng áp suất và giảm sự truyền âm, truyền nhiệt. Kính an toàn, kính cường lực cần phải đạt tiêu chuẩn và được kiểm tra chặt chẽ trước khi đưa vào sản xuất hộp kính. Hiện có nhiều nhà cung cấp kính cường lực nhưng chỉ là bán cường lực hoặc bị lỗi gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Vì vậy, đối với kính cường lực, cần phải được đưa qua thiết bị kiểm tra kính sau khi tôi (Heat-Soak-Test). Trong quá trình kiểm tra, những tấm kính lỗi sẽ tự vỡ và bị loại bỏ nhằm giảm thiểu nguy cơ nổ kính trong quá trình sử dụng. Hiện nay ở nước ta, chỉ có một số công ty lớn mới đầu tư dây chuyền sản xuất hộp kính hiện đại và kiểm soát tốt được quá trình sản xuất theo đúng chuẩn mực quốc tế.
Hệ gioăng cao su cũng là một chi tiết quan trọng góp phần đảm bảo độ kín khít của cửa uPVC. Nếu hệ gioăng không tốt sẽ nhanh chóng bị lão hóa, mất tính đàn hồi và bị mủn bục chỉ sau thời gian ngắn sử dụng.
Ngoài những linh kiện cấu tạo nên sản phẩm, khâu sản xuất và lắp đặt cũng rất quan trọng giúp cửa uPVC đạt được những tính năng ưu việt, do loại cửa này có nhiều điểm khác biệt so với các loại cửa khác. Đối với khâu sản xuất phải kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Còn đối với khâu lắp đặt, để đảm bảo độ kín khít, người ta bơm keo bọt nở vào khe giữa tường và khung cửa và trát Silicon phía ngoài khe cửa. Thao tác này rất quan trọng, vì nếu không làm cẩn thận, đúng quy trình thì sẽ dễ bị ngấm nước mưa qua cửa. Ngoài ra, do nẹp và kính rất khít nhau nên trong quá trình lắp đặt nếu cân chỉnh không chính xác, cửa bị vênh thì kính sẽ dễ bị nứt trong quá trình sử dụng. Do cửa uPVC cân chỉnh được bằng bản lề nên bạn có thể học cách tự cân chỉnh để cửa luôn đảm bảo độ kín khít cao và khả năng cách âm, cách nhiệt tốt.
(Theo VTC)