Vật liệu xây không nung (VLKN) đang dần được sản xuất quy mô lớn để đưa vào công trình thay thế gạch nung truyền thống. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu và công nghệ để sản xuất vật liệu này đang có những bất cập cần phải tháo gỡ. Đó là nhận định của KS Phạm Văn Bắc - Phó vụ trưởng VLXD (Bộ Xây dựng).
Chương trình phát triển VLKN giai đoạn 2008 - 2020 đã xác định, đến 2015 tất cả các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải sử dụng từ ít nhất 30% tổng khối lượng vật liệu xây bằng VLKN, thay thế vật liệu gạch nung truyền thống. Bởi vậy, từ năm 2008, nhiều DN sản xuất VLXD trong nước đã tiến hành sản xuất VLKN. Các nhóm vật liệu mà các DN tập trung sản xuất và quảng bá rộng rãi là xi măng bê tông cốt liệu, gạch nhẹ, bê tông bọt, bê tông khí chưng áp… Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng khi sản xuất, các DN cũng phải thừa nhận có nhiều cái khó vì công nghệ vẫn phải phụ thuộc vào nước ngoài và chất lượng nguồn nguyên liệu chưa ổn định.
Trao đổi về cái khó này, ông Phạm Văn Bắc cho rằng: “Ở nước ta, nguyên liệu sản xuất VLKN như xi măng, cát, tro bay thì luôn sẵn có, nhưng vôi và bột nhôm hiện trong nước không có. Sản xuất bê tông khí chưng áp đang gặp thách thức không nhỏ khi mà các nhà máy sản xuất đang sử dụng 10 - 20% vôi trong thành phần nguyên liệu, vì với yêu cầu kỹ thuật riêng nên bê tông khí chưng áp cần loại vôi đáp ứng được yêu cầu cần thiết mới tạo nên sản phẩm đúng tiêu chuẩn. Chỉ có lò vôi công nghiệp (dạng lò đứng đầu tư theo công nghệ châu Âu hay lò quay) thì mới tạo được độ ổn định, đúng thông số kỹ thuật yêu cầu, nhưng lò vôi dạng này ở nước ta còn ít, do đó, chúng ta lại đang sử dụng vôi từ lò thủ công để sản xuất bê tông khí chưng áp, nên chất lượng không ổn định. Còn về thành phần bột nhôm, chúng ta đang phải nhập từ Trung Quốc. Yêu cầu bột nhôm để sản xuất bê tông khí chưng áp đòi hỏi hoạt tính cao, độ mịn cao mới đảm bảo độ đồng đều của các bọt khí trong khối bê tông, nhưng hầu hết các DN cho biết bột nhôm nhập ở Trung Quốc chất lượng không ổn định, chưa đạt yêu cầu”.
Hiện nay, các DN trong nước đã nghiên cứu được công nghệ và thiết bị để sản xuất gạch xi măng cốt liệu, bê tông bọt… Có một số DN đã và đang nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và sản xuất thiết bị hoàn chỉnh để chuyển giao cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khó khăn đối với bê tông khí chưng áp hiện chưa có đơn vị nào trong nước có khả năng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mà hoàn toàn phải nhập công nghệ của Trung Quốc và Đức. Bất cập ở chỗ, “tuy giá thành thiết bị của Trung Quốc hợp lý hơn nhưng chất lượng và trình độ chuyển giao công nghệ còn nhiều hạn chế, thiết bị của Đức hiện đại, chất lượng sản phẩm tốt nhưng mức đầu tư cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao tiêu thụ sẽ khó khăn” - ông Bắc cho biết thêm như vậy.
Rõ ràng VLKN có nhiều ưu điểm nhưng trong quá trình sản xuất, các nhà khoa học, nhà đầu tư cũng cần nghiên cứu để chủ động về công nghệ, đầu tư công nghệ mới, dây chuyền với quy mô sản xuất phù hợp, đưa VLKN đi đúng hướng đã đề ra.
(Theo Baoxaydung)
y