Thiết kế của dự án Vườn chim tại miền Bắc Thái Lan như một cơ sở giáo dục, đồng thời, tạo ra môi trường bảo tồn sự sống cho các loài chim. Dự án đã xây dựng mô hình mô phỏng môi trường sống tự nhiên, đồng thời, xây dựng một khách sạn nhỏ và tháp ngắm chim trong khuôn viên dự án. Các chất xơ, cọ phế thải trong nông nghiệp được các tác giả tận dụng làm vật liệu để che chắn xung quanh tạo thêm nơi ở và nguồn thức ăn cho các loài chim trong khu vực.
Hướng tiếp cận sáng tạo nhằm giải quyết tác hại của nạn buôn bán chim bất hợp pháp ảnh hưởng tới việc bảo tồn động vật hoang dã hiện nay của dự án đã được ông Donald Bates (Australia), thành viên ban giám khảo đánh giá cao.
Vị giám khảo đã nhận xét: “Dự án được xây dựng phù hợp với chủ trương của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, đồng thời kết hợp thành công giữa bảo tồn, giáo dục, nghiên cứu và du lịch sinh thái”.
Dự án Vườn chim tại miền Bắc Thái Lan mô phỏng môi trường sống tự nhiên.
Giải Bạc đã được dành cho dự án Trung tâm trẻ mồ côi và thư viện Lali Gurans tại Kathmandu, Nepal… của hai nhà thiết kế Hilary Sample và Michael Meredith (Mỹ). Dự án đã hướng tới đối tượng là những người nông dân nghèo ở nông thôn với việc tối thiểu hóa chi phí vận hành thông qua công nghệ phục hồi năng lượng và tái sử dụng nguyên liệu. Mô hình vườn đứng sử dụng phương pháp canh tác bền vững của dự án này vừa tạo nên môt bức tường cách nhiệt, đồng thời cung cấp thực phẩm cho quá trình chế biến thức ăn.
Thông qua thư viện tổng hợp cho cộng đồng, dự án góp phần xóa bỏ sự cách biệt giữa trung tâm trẻ mồ côi với cộng đồng xung quanh, đồng thời, cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho người dân trong trường hợp xảy ra địa chấn.
Dự án Trung tâm trẻ mồ côi và thư viện Lali Gurans tại Kathmandu,
Nepal giành giải Bạc.
Giải Đồng được dành cho thiết kế của Milinda Pathiraja (Sri Lanka) cho một thị trấn nông thôn vùng Ambepussa. Dự án nhằm giúp những cựu chiến binh tái hòa nhập với cộng đồng sau chiến tranh bằng dự án đào tạo kỹ thuật xây dựng thông qua việc xây dựng một thư viện công cộng. Công trình được thiết kế bao quanh một sân nhỏ bên trong, tận dụng tối đa lợi thế của hệ thống thông gió chéo và ánh sáng mặt trời, tường đất nện cùng các vật liệu tái chế để giảm tác động tiêu cực của công trình đến hệ sinh thái.
Giải Đồng được dành cho thiết kế của Milinda Pathiraja (Sri Lanka) cho một
thị trấn nông thôn vùng Ambepussa.
Một trong 5 giải khuyến khích là dự án trung tâm nghiên cứu bền vững ở Kyoto, Nhật Bản. Dự án sử dụng công nghệ tiên tiến cùng phương pháp chế biến gỗ lâu đời của nước Nhật giúp đẩy nhanh thời gian xây dựng.
Dự án trung tâm nghiên cứu bền vững ở Kyoto, Nhật Bản.
Dự án Trung tâm y tế và công cộng ở Tatiba Baraibura, Jharkhand, Ấn Độ cũng đạt giải khuyến khích. Thiết kế tòa nhà đơn giản nhưng tinh tế, sử dụng nguồn vật liệu tại chỗ, kết hợp kỹ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại.
Dự án Trung tâm y tế và công cộng ở Tatiba Baraibura, Jharkhand, Ấn Độ.
Giải Nhất thế hệ tương lai Holcim thuộc về đề tài tái xây dựng ngôi làng cổ thuộc tỉnh Xueshan, Trung Quốc. Dự án đề xuất khôi phục lại ngôi làng cổ bị hư hại sau động đất dựa vào các đặc trưng của địa phương, sử dụng các kỹ thuật xây dựng truyền thống với tre là vật liệu chính.
Ngôi làng cổ thuộc tỉnh Xueshan, Trung Quốc.
Giải thưởng Holcim Awards 2014 với tổng giá trị 330.000 USD đã được trao cho 13 dự án từ 9 nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tiêu chí để đánh giá dự án là chất lượng xây dựng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường tự nhiên và phát triển cộng đồng địa phương.