Ngôi nhà ống 4 tầng của gia đình bà Phượng rộng hơn 100m2 tọa lạc tại quận 3 (Tp.HCM). Mặt tiền nhà kín đáo do công trình nằm trong hẻm nhỏ nên gia chủ tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên từ giếng trời giữa nhà. Phía dưới khoảng thông tầng rộng 5m2 là hồ cá nhỏ và tiểu cảnh xanh mát. Bà Phượng quyết định chọn thiết kế mái che giếng trời di động để có thể điều khiển từ xa bằng motor.
Trong thời gian đầu, bà Phượng rất chịu khó đóng mở mái che giếng trời để đón nắng gió tự nhiên cho ngôi nhà ống. Phần mái này sẽ được đóng lại để tránh mưa gió mỗi khi các thành viên trong nhà đi vắng. Mùa khô năm ngoái, Tp.HCM khan hiếm mưa suốt cả tháng trời nên bà Phượng để mái mở suốt ngày đêm để đón sáng và khí trời giúp cây cảnh trong nhà phát triển tốt.
Bà Phượng vội vã về nhà để che chắn giếng trời khi trời bất ngờ đổ mưa. Thế nhưng, do không được bảo dưỡng định kỳ, mái che giếng trời bị kẹt, không thể điều khiển tự động được. Nước mưa tràn lênh láng khắp sàn tầng 1 do khu vực này không có hệ thống thoát nước. Để ngăn nước chảy vào phòng khách và khu bếp, cả nhà bà Phượng phải lấy đồ chặn quanh khu thông tầng. Đồng thời, bà Phượng cũng phải di chuyển các món đồ kê gần giếng trời để tránh mưa gây ẩm thấp, hư hỏng. Sáng hôm sau, chủ nhân mới có thể gọi được thợ tới sửa mái che giếng trời.
|
Gia chủ nên thiết kế, thi công mái che giếng trời một cách cẩn thận để tránh thấm dột sau một thời gian sử dụng. (Ảnh minh họa: ADV) |
Trong khi đó, gia đình ông Tùng ở quận Bình Thạnh (Tp.HCM) cũng gặp nhiều phiền phức với giếng trời dù đã chọn làm phần mái cố định. Ông Tùng thiết kế khoảng thông tầng nhỏ chưa tới 2m2 bởi ngôi nhà chỉ rộng hơn 40m2.
Trong quá trình thi công, đội thợ đang làm cho nhà ông Tùng phải sang hỗ trợ một công trình khác. Do muốn hoàn thiện giếng trời sớm nên gia chủ đã nhờ một vài thợ lẻ tới thi công các hạng mục còn dang dở. Sợ kính cường lực kém chất lượng, không đảm bảo an toàn khi sử dụng nên ông Tùng chọn mái che làm bằng poly trong và gắn thêm khung sắt chống trộm phía trên.
Thế nhưng, sau hơn 1 năm sử dụng, mỗi khi trời mưa lớn, nước bắn tung tóe từ mái che giếng trời xuống tận tầng 1 do nước chảy qua các khe nối giữa sàn bê tông và tấm poly. Một kỹ sư xây dựng quen với gia chủ cho hay, do khác hệ số giãn nở nên phần kết nối này thường không bền vững. Nếu đội thợ thi công không có kinh nghiệm xử lý thì các liên kết này sẽ bung ra sau một thời gian sử dụng, gây thấm dột. Để khắc phục, chủ nhân buộc phải thuê người tháo khung sắt, mái che giếng trời để làm lại.
Trước thực trạng đó, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền đã đưa ra một số lưu ý đối với việc thiết kế mái che giếng trời như sau:
- Mái lợp di động: Có thể sử dụng motor điện hoặc kéo thủ công, gắn bộ cảm biến khi trời mưa thì tự động mái đóng lại. Những gia đình thường xuyên vắng nhà nên cân nhắc lựa chọn kiểu mái che giếng trời này. Tốt nhất, gia chủ nên chọn thiết bị điều khiển từ xa để đề phòng trường hợp quên đóng khi vắng nhà.
- Mái che cố định: Loại mái che này có giá thành phải chăng nên được nhiều gia đình lựa chọn. Song, việc thoát nhiệt không đạt hiệu quả như ý. Để thoát hơi nóng cho nhà ở, bạn nên sử dụng mái trong lấy sáng kết hợp với các ô gió (giống cửa chớp). Bên cạnh đó, chủ nhân có thể dùng tấm poly đặc hay kính cường lực an toàn có dán tấm phim bảo vệ.
- Giếng trời không mái che: Kiểu thiết kế này giúp giếng trời thông thoáng tuyệt đối. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là, các vật liệu hoàn thiện tại khu vực thông tầng phải phù hợp với điều kiện thời tiết ngoài trời. Đồng thời, để tránh bị ứ đọng nước khi mưa lớn, chủ nhân cần làm khung bảo vệ trên sân thượng và đường thoát nước.