Một trong những bước tìm tòi cho ý tưởng cần phải có là một tiếng nói chung giữa những người làm thiết kế công trình và người làm thiết kế, thi công nội thất mà ở đây không phải lúc nào tiếng nói ấy đều có sự đồng điệu.
Khi tình thế công trình bắt buộc phải chia nhỏ hạng mục để tăng hiệu quả kinh doanh, hay cụ thể hơn là các căn hộ lớn phải chia nhỏ thêm và thay đổi cơ cấu cho phù hợp với túi tiền của phần đông khách hàng thì đa phần các căn hộ đều có sự thay đổi lớn về bố trí phân khu trong từng căn hộ.
Việc các căn hộ lớn trong tình thế bị phá vỡ bố cục tổng thể và phải tái cấu trúc thành các căn hộ nhỏ hơn trong khả năng diện tích hạn chế kèm theo sự gia tăng các chức năng phục vụ công cộng khi số căn hộ tăng lên, hay cách bài trí nội thất một căn hộ có diện tích nhỏ phải đáp ứng tốt cho người sử dụng trở thành bài toán khá đau đầu với những người làm thiết kế nội thất khi gặp phải các công trình “sự đã rồi” như thế.
Trong một số trường hợp, người thiết kế công trình rất khó khăn để có thể phân chia hợp lý mặt bằng căn hộ do các yếu tố kỹ thuật, đường ống, phân luồng giao thông vì sự thay đổi cơ cấu như trên thì giải pháp tối ưu để khắc phục tình trạng này là phương pháp bố trí nội thất sao cho các không gian trong căn hộ có thể sử dụng một cách linh hoạt và vai trò của người thiết kế nội thất lúc này cần phải được thể hiện rõ ràng nhất.
Minh chứng cho phương pháp này là việc sử dụng các kết cấu nội thất đơn giản nhưng đa năng và phân chia không gian một cách ước lệ.
Với phương pháp này thì công việc của người thiết kế công trình sẽ được đơn giản hóa rất nhiều, chỉ cần bài trí công năng sao cho các phòng có được không gian lớn nhất, giao thông thuận tiện nhất mà không phải chú trọng quá nhiều vào chức năng phục vụ của từng phòng.
Một lời khuyên cho người thiết kế công trình là nếu điều kiện cho phép thì chỉ cần bố trí phân khu cho phòng ngủ chính, khu WC là riêng biệt còn các không gian khác hoàn toàn có thể tích hợp hay ngăn chia tùy theo điều kiện căn hộ.
Điều đặc biệt nữa là có thể tận dụng chiều cao, khối tích của công trình để tạo ra nhưng không gian phong phú nhưng vẫn đảm bảo yếu tố sử dụng, lưu ý là phòng khách chỉ cần 12 - 15m2 là có thể bố trí kèm với hệ thống nhà bếp; phòng ngủ chính cũng chỉ cần diện tích chừng đó là đủ để tích hợp cả phòng thay đồ hay không gian làm việc.
Người thiết kế công trình chỉ cần lo đến phần kỹ thuật đường ống và cung cấp năng lượng sao cho thích hợp.
Đối với những căn hộ mà người thiết kế công trình có thể bố trí được các không gian riêng biệt nhưng hay vấp phải những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ ví dụ như trong phòng ngủ có 2 mặt tường là cửa sổ, 1 mặt có cửa đi hay trường hơp có 1 kết cấu cột lớn trong phòng chiếm mất diện tích, kiểu dạng phòng này rất khó bố trí nội thất nếu người thiết kế kiến trúc không tinh ý thì người làm nội thất cũng khó mà giải quyết.
Giải pháp thông thường của kiến trúc thường là bố trí hốc âm để đặt tủ âm tường trong trường hợp có cột.
Tuy nhiên nếu chiều sâu <50 cm thì sẽ rất khó làm tủ. Nếu cạnh đó còn có cửa sổ thì phải tính chừa khoảng chiều sâu đủ để lắp rèm... Khi phòng có quá nhiều cửa sổ ăn theo hình thức kiến trúc bên ngoài thì vị trí cửa sổ sẽ quyết định việc bố trí nột thất có hợp lý hay không.
Có thể khéo léo điều chỉnh hình thức kiến trúc sao cho phải có mảng tường đủ rộng để kê đầu giường và nên có mảng tường đặc để kê kệ TV cùng hệ thống cung cấp điện, mạng thích hợp.
Bản thân hướng cửa mở vào phòng cũng là một vấn đề. Việc bố trí cửa vào ép sát vào tường chưa chắc đã phải là điều tốt, tiết kiệm diện tích. Thực tế cho thấy đôi khi cửa mở cách tường đủ độ sâu trong khoảng 50 - 60cm hoặc 35 - 40cm lại cho ta một cách bố trí đồ để tiết kiệm không gian hơn vì khi đó, tủ áo hay tủ kệ tivi sẽ được bố trí sau cửa đi và tận dụng được không gian chết góc quay cửa đi.
Đi tìm tiếng nói chung giữa người làm thiết kế công trình và thiết kế nội thất luôn là một cuộc chơi bổ khuyết thú vị, luôn cần đến sự tương hỗ lẫn nhau vì đôi khi cũng không thiếu những bất đồng giữa kiến trúc sư và người làm thiết kế nội thất.
Mối quan tâm lớn nhất của kiến trúc sư thường là các yếu tố bố trí mặt bằng, công năng và diện tích ngôi nhà hay diện tích một căn phòng làm sao cho phù hợp nhu cầu sử dụng và mục tiêu đầu tư của chủ nhà.
Với người làm nội thất, ngoài những yếu tố đó, còn quan tâm đến các yếu tố chi tiết cụ thể trong từng không gian nhỏ của công trình như hướng của vào, vị trí cửa sổ, diện tích các mảng đặc rỗng, chiều cao, khối tích...
Từ đó có các giải pháp bố trí đồ nội thất phải ăn khớp với công năng và địa thế của từng không gian tương ứng ví như hướng kê giường ngủ phù hợp với hướng cửa (nên ở giữa phòng, đối diện với hướng vào nhưng không trực diện cửa, kệ tivi đối diện với giường ngủ, tủ áo nên kê vào góc, cách xa giường…).
Khi bố trí đồ nội thất, người làm nội thất sẽ quan tâm tới sự bố trí của hệ thống điện, đầu nối mạng, truyền hình cáp, internet... vì thế nếu sự liên hệ giữa kiến trúc sư và người làm nội thất là mật thiết thì sẽ không dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười như khi kê đồ sẽ che lấp ổ cắm, công tắc điều khiển hay không còn chỗ lắp mấu treo rèm vì tường sát cửa sổ…
Tóm lại, để có sự đồng bộ trong một ngôi nhà phải có sự kết hợp tính toán, bài trí sẵn ngay từ ban đầu của người làm kiến trúc. Có nghĩa là phải có sự định hình được xu hướng trong việc bài trí đồ đạc trong nhà.
Tránh tình trạng bố trí kiểu tự phát để rồi khi gia chủ trang bị đồ nội thất lại phải một lần đục phá, sửa chữa gây mất thời gian và tốn kém trong khi hiệu quả sử dụng lại không cao.
Nếu tất cả có sự định hướng ngay từ ban đầu của kiến trúc sư thiết kế thì bản thân người làm điện, nước, nội thất sẽ rất dễ dàng.
Khi tổ chức khoa học, chưa cần biết lắp đặt thiết bị của hãng nào nhưng tất cả có điểm đấu nối kỹ thuật sẽ tạo nên một sản phẩm thống nhất và đưa đến cho khách hàng điều kiện sử dụng và sinh hoạt hoàn hảo.
Đó chính là tiêu chí mà mỗi người thiết kế đều mong muốn đạt được.