SearchNews

Thiết kế trần thạch cao cho nhà ở và những lưu ý "nằm lòng"

07/05/2020 15:55

Với nhiều ưu điểm vượt trội về công năng, tính thẩm mỹ và lợi ích khi sử dụng, trần thạch cao đang là lựa chọn phổ biến nhất của các gia đình hiện nay. Tuy nhiên, để chọn được mẫu trần thạch cao đẹp, phù hợp với tổng thể kiến trúc và bền vững theo thời gian, bạn cần phải lưu ý tới nhiều vấn đề trước khi quyết định làm kiểu trần này cũng như trong quá trình sử dụng, bảo dưỡng.

Trần thạch cao đã và đang là xu hướng mới trong ngành xây dựng. Đây là giải pháp tối ưu để thay thế cho trần đúc, trần bê tông, gỗ hoặc tấm trần nhựa. Thậm chí, nhiều người dễ nhìn nhầm trần thạch cao là trần đúc thật nếu không tinh mắt. Trần thạch cao tuy phổ biến và được ưa chuộng trong thiết kế nhà ở nhưng nhiều người vẫn băn khoăn liệu trần có bền không, có bị thấm nước, nứt rạn... Góp phần giải đáp những thắc mắc đó, bài viết chia sẻ tới bạn đọc các ưu, nhược điểm của trần thạch cao cũng như những lưu ý quan trọng khi sử dụng.

Trần thạch cao là gì

Trần thạch cao là loại trần nhà được làm từ các tấm thạch cao. Các tấm này được gắn cố định bởi hệ khung vững chắc bên dưới trần bê tông. Chi tiết hơn, trần thạch cao là tổ hợp của các lớp vật liệu bao gồm khung xương thạch cao, tấm thạch cao, sơn bả và các vật tư phụ liên quan. Chức năng chính của các vật liệu như sau:

  • Khung xương thạch cao: Cố định hệ trần theo khung xương có sẵn, tối ưu tính vững chắc để lên thạch cao, sơn bả.

  • Tấm trần thạch cao: Bộ phận liên kết trực tiếp với khung xương thông qua vít chuyên dụng, tạo độ phẳng cho trần.

  • Sơn bả: Có tác dụng tạo độ mịn, đều màu cho bề mặt trần nhà.

hình ảnh cấu trúc cơ bản của mẫu trần thạch cao phổ biến
Cấu trúc cơ bản của mẫu trần thạch cao phổ biến

Ưu, nhược điểm của trần thạch cao

Trần thạch cao gồm 2 loại chính là trần nổi và trần chìm. Trong đó, trần chìm gồm trần phẳng và trần giật cấp. Mỗi loại trần thạch cao có những ưu, nhược điểm riêng. Do đó, thay vì phó mặc tất cả cho đội ngũ thiết kế và thi công, bạn cần tìm hiểu thật kỹ để lựa chọn được kiểu trần phù hợp nhất với nhà mình.

Trần thạch cao nổi

Trần thạch cao nổi hay còn gọi là trần thạch cao thả. Đây là kiểu trần có phần khung xương nổi trên bề mặt sau khi hoàn thiện.

Ưu điểm

  • Thi công đơn giản, nhanh gọn nên tiết kiệm được chi phí nhân công

  • Dễ dàng tháo lắp, sửa chữa khi xảy ra sự cố hoặc thay mới

  • Trần nhà ít bị cong võng sau khi thi công

  • Giúp giấu gọn hệ thống đường ống nước, dây điện, dây mạng

Nhược điểm

  • Khó thay đổi mẫu mã vì trần nổi thường sử dụng các mẫu tấm với kích thước cố định

  • Tính thẩm mỹ không cao do các mẫu tấm kích thước nhỏ tạo cảm giác không gian như bị chia nhỏ, manh mún.

Hình ảnh  phòng khách hiện đại với trần thạch cao thả màu trắng, họa tiết đơn giản
Trần thạch cao thả màu trắng, họa tiết đơn giản tạo cảm giác thoáng rộng hơn cho phòng khách và không gian sinh chung của gia đình.

Trần thạch cao chìm

Trần thạch cao chìm là loại trần có cấu tạo khung xương được ẩn toàn bộ bên trên các tấm thạch cao, do đó bạn không thể nhìn thấy các khung xương này và có cảm giác giống như trần bê tông thông thường được sơn bả đẹp mắt. Trần thạch cao chìm gồm 2 loại trần phẳng và trần giật cấp với những ưu, nhược điểm nhất định.

Trần thạch cao phẳng

Ưu điểm của trần phẳng là quá trình thi công đơn giản, giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Vì giản lược tối đa các chi tiết trang trí nên trần phẳng tạo cảm giác cao thoáng hơn cho không gian nhà. Đây là kiểu trần thạch cao phù hợp để thiết kế nội thất căn hộ chung cư, nhà phố.

Tuy nhiên, mẫu mã trần thạch cao phẳng không đa dạng, dễ lộ khuyết điểm nếu đội thợ thi công không chuyên nghiệp. Chẳng hạn, nếu xử lý mối nối không cẩn thận thì trần bị gồ, ảnh hưởng tới thẩm mỹ chung.

hình ảnh phòng ngủ của trẻ với giường đôi, trần thạch cao phẳng, ga gối màu hồng xinh xắn, tranh treo tường
Thi công trần thạch cao phẳng đơn giản, nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian và công sức.

Trần thạch cao giật cấp

Giới kiến trúc sư cho rằng, đây là kiểu trần thạch cao có tính thẩm mỹ cao nhất, mẫu mã đa dạng, mang đến vẻ đẹp sang trọng, quyến rũ cho ngôi nhà. Hơn nữa, trần giật cấp cũng phù hợp với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau. Chính bởi vậy, kiểu trần này dù chi phí đắt đỏ hơn nhưng vẫn rất được ưa chuộng, đặc biệt là trong thiết kế phòng khách.

Hạn chế của trần thạch cao giật cấp là quá trình thi công phức tạp nên tốn nhiều công sức, kinh phí hơn so với trần nổi. Mặt khác, khi trần bị hỏng hóc, gia chủ cần phải sửa lại toàn bộ chứ không thể gỡ ra từng tấm và thay mới các tấm bị hỏng.

hình ảnh cận cảnh mẫu trần thạch cao giật cấp kết hợp trần nổi cho phòng khách
Trần thạch cao giật cấp kết kết hợp trần nổi thường được ứng dụng khi thiết kế phòng khách.

Những lưu ý khi sử dụng trần thạch cao

Trước khi làm trần thạch cao

Trước khi thiết kế và thi công làm trần thạch cao, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau để không phải hối tiếc sau khi hoàn thiện.

Chọn kiểu trần phù hợp

Như đã trình bày ở phần trên, trần thạch cao có 2 loại chính là trần thạch cao chìm và trần thạch cao nổi. Bạn nên căn cứ vào ưu, nhược điểm của từng kiểu trần để có được sự lựa chọn phù hợp nhất cho không gian sống nhà mình. Thực tế cho thấy, trần thạch cao nổi thường được ứng dụng ở các công trình công cộng như hội trường, văn phòng, trường học. Trong khi đó, trần thạch cao chìm được sử dụng nhiều trong các căn hộ chung cư, nhà riêng, biệt thự...

Ngoài kiểu trần thạch cao chìm và nổi, loại trần này còn được phân chia theo tính năng gồm trần thạch cao chống ẩm, chống cháy, chịu lực, cách âm hay tiêu âm. Việc lựa chọn đúng tính năng của trần thạch cao không chỉ giúp phát huy tối đa hiệu quả chúng mang lại mà còn góp phần kiến tạo không gian sống tiện nghi, thoải mái nhất.

Hình ảnh phòng khách sử dụng trần thạch cao giật cấp bắt mắt.
Trần thạch cao chìm với mẫu mã đa dạng, tinh tế được sử dụng nhiều trong các công trình nhà ở như biệt thự, nhà phố, căn hộ chung cư.

Chọn phong cách hài hòa với tổng thể 

Sau khi đã chọn được kiểu trần phù hợp, bạn cần lưu ý tới phong cách thiết kế trần thạch cao sao cho hài hòa với tổng thể không gian nhà. Chẳng hạn, với nội thất phong cách cổ điển thì bạn nên chọn mẫu trần thiên về cổ điển thay vì trần hiện đại. Bởi lẽ, nếu phong cách trần và nội thất không đồng nhất sẽ khiến tổng thể chung của công trình mất cân đối, ảnh hưởng lớn đến tính thẩm mỹ.

Với căn phòng có khoảng cách từ sàn tới trần từ 2,9-3m, bạn nên chọn vật liệu nhẹ để thi công dễ dàng. Nếu chiều cao căn phòng hạn chế, gia chủ không nên lựa chọn các mẫu trần thạch cao giật nhiều cấp, chi tiết quá cầu kỳ, rườm ra bởi điều này có thể tạo cảm giác bí bức, tù túng cho người dùng.

hình ảnh mẫu trần thạch cao đẹp cho phòng ngủ tông màu trung tính chủ đạo
Mẫu trần thạch cao đẹp, hài hòa với phong cách tổng thể của phòng ngủ.

Chọn vật tư đồng bộ, chính hãng 

Đây là yêu cầu bắt buộc khi làm trần thạch cao cho nhà ở. Gia chủ cần lựa chọn được những sản phẩm vật tư chính hãng và đồng bộ nhằm đảm bảo độ bền, tính năng của trần cũng như sự an toàn trong quá trình thi công, sử dụng. Trong đó, khung xương là phần vô cùng quan trọng trong hệ trần thạch cao. Chức năng của khung xương là nâng đỡ toàn bộ hệ trần cùng các phụ kiện khác như đèn chiếu sáng, đèn chùm, hệ thống dây điện. Thế nên, bạn nên ưu tiên lựa chọn hệ khung xương chính hãng, vững chắc để sử dụng lâu dài và đảm bảo an toàn.

Đối với các tấm thạch cao, hãy chọn tấm cứng chắc, lõi mịn. Kinh nghiệm cho thấy, chất lượng lõi tấm đồng đều sẽ giúp tấm bền chắc hơn và dễ uốn cong. Hơn nữa, tấm thạch cao chất lượng sẽ không bị bung giấy hoặc bị gãy khi uốn cong.

hình ảnh phòng khách liên thông phòng ăn sử dụng trần thạch cao thả, trần thạch cao giật cấp ấn tượng
Gia chủ nên lựa chọn trần thạch cao chính hãng và thi công đúng kỹ thuật để góp phần kéo dài tuổi thọ cho công trình.

Chọn nhà cung cấp, đơn vị thi công uy tín

Đơn vị cung cấp vật tư và đội thợ thi công là những yếu tố bạn cần quan tâm hàng đầu trước khi quyết định làm trần thạch cao bởi nó quyết định độ bền cũng như tính thẩm của công trình. Chất lượng của trần thạch cao một phần phụ thuộc vào kỹ năng thi công, lắp đặt và hoàn thiện của nhà thầu. Do đó, bạn cần chọn được đội thợ chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm chuyên môn, có tâm để sở hữu công trình như ý. Mặt khác, gia chủ nên tránh chọn quá nhiều nhà cung cấp đơn lẻ bởi họ có thể đổ lỗi, thoái thác trách nhiệm cho nhau khi sự cố không mong muốn xảy ra.

hình ảnh mẫu trần thạch cao họa tiết nổi trong phòng khách phong cách cổ điển
Trần thạch cao họa tiết nổi phù hợp với biệt thự phong cách cổ điển hoặc tân cổ điển.

Cân nhắc về giá

Hiện nay, giá và cách thức báo giá thi công trần thạch cao trên thị trường rất đa dạng. Có thể do hạn chế về mặt tài chính mà gia chủ thường băn khoăn chọn giữa đơn vị cung cấp, nhà thầu thi công báo giá rẻ với đơn vị có giá cao hơn hẳn. Tuy nhiên, thực tế chứng minh, hoàn thiện trần thạch cao với mức giá quá rẻ có thể sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của công trình.

Khi sử dụng trần thạch cao giá rẻ, gia chủ có thể phải đối mặt với những nguy cơ như sản phẩm chất lượng kém hoặc không đồng bộ; thi công không đúng kỹ thuật; đội thợ làm nhanh, làm ẩu để rút ngắn thời gian thi công công trình. Theo đó, trần thạch cao có thể bị cong võng, thậm chí là gây sập rất nguy hiểm.

hình ảnh phòng khách, khu ăn uống ấn tượng với trần thạch cao thả như lơ lửng giữa không trung
Kết hợp cùng ánh sáng đèn LED, trần thạch cao thả như lơ lửng giữa không trung, tạo điểm nhấn ấn tượng cho không gian tiếp khách và phòng ăn.

Tham khảo thông tin kỹ thuật

Mặc dù việc thi công trần thạch cao thuộc về đội thợ nhưng bạn cũng nên tìm hiểu các thông tin cơ bản về kỹ thuật làm trần thạch cao để có thể giám sát trong quá trình thi công. Một khi nắm rõ các bước làm trần thạch cao, những khuyến cáo sử dụng từ nhà sản xuất... bạn sẽ cùng đội thợ hoàn thiện công trình một cách tốt nhất có thể.

Ngoài ra, với nhà mái tôn, gia chủ không nên làm trần thạch cao quá sát với phần mái. Thay vì thế, nên tạo ra khoảng trống nhất định giữa mái và trần bởi nó có tác dụng đáng kể trong việc chống nóng, chống ồn.

Trong quá trình sử dụng trần thạch cao

Trần thạch cao bị co lại

Tuổi thọ của trần thạch cao phổ biến là 10 năm hoặc dài hơn nếu gia chủ biết cách bảo dưỡng, xử lý đúng và kịp thời. Sau một thời gian sử dụng, trần thạch cao sẽ bị co lại bởi tác động của ngoại cảnh. Các vết nứt thường xuất hiện trên bề mặt trần, nhất là tại các vị trí trát xi măng gây mất thẩm mỹ. Trường hợp này chủ yếu xảy ra đối với trần chìm.

Để khắc phục, cần phải dặm và sơn lại kịp thời vì nếu kéo dài có thể phải tháo bỏ trần. Lưu ý là, khi sơn lại trần, gia chủ nên lựa chọn những đơn vị có uy tín để thi công, sao cho không chênh lệch giữa vết sơn cũ và màu sơn mới.

hình ảnh trần thạch cao phòng khách phong cách tối giản
Theo thời gian sử dụng, trần thạch cao có thể bị co ngót, rạn nứt.

Trần thạch cao rất kỵ nước

Tuy có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng trần thạch cao lại rất kỵ nước. Do đó, cả trước và sau khi công trần, bạn cần phải kiểm tra kỹ lưỡng mái ngói/mái tôn phía trên nhằm đảm bảo không gây ra hiện tượng rò rỉ nước. Riêng với mái ngói, gia chủ cần bít tất cả các vị trí hở trên ngói để tránh nước có thể ngấm xuống trần thạch cao. Nếu không làm cẩn thận, trần bị ngấm nước sẽ nhanh bị ố vàng, mất thẩm mỹ và hỏng hóc.

Tránh để chuột cắn hỏng trần

Khi thi công trần thạch cao, cả gia chủ lẫn đội thợ cần phải kiểm tra thật kỹ mái nhà để chắc chắn rằng không có đường cho chuột có thể đi lại trong trần nhà. Bởi lẽ, nếu vẫn còn đường cho lũ chuột đi vào thì sẽ tạo ra những âm thanh khó chịu, phiền phức và thậm chí là làm hỏng trần thạch cao.

hình ảnh phòng khách căn hộ chung cư sử dụng trần thạch cao
Những mẫu trần thạch cao đẹp luôn là lựa chọn lý tưởng cho căn hộ chung cư.

Lưu ý khi sửa chữa trần thạch cao

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trần thạch cao không còn nguyên vẹn như ban đầu như do tác động của ngoại cảnh, hoạt động của con người, thời gian sử dụng quá lâu... Việc khắc phục, sửa chữa trần thạch cao bị nứt, rạn không hề đơn giản. Nếu thực hiện sai kỹ thuật, xử lý không triệt để có thể khiến cả hệ thống trần bị hư hại, phải phá bỏ và thi công mới từ đầu. Vậy nên, trước khi sửa chữa trần, bạn nhất định phải lưu ý một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, xác định rõ nguyên nhân khiến trần bị nứt để tìm cách khắc phục phù hợp và triệt để. Trường hợp không xác định được đúng nguyên nhân dẫn tới khắc phục sai thì sau một thời gian ngắn, vết nứt rạn lại tiếp tục xuất hiện, thậm chí còn nghiêm trọng hơn lần trước.

Thứ hai, thay thế tấm thạch cao mới phải cùng kích thước với tấm cũ. Nếu trần thạch cao hư hỏng nặng không thể sửa chữa và bắt buộc phải thay thế bằng tầm mới thì bạn nên chọn sản phẩm mới hài hòa về kích thước, màu sắc lẫn chủng loại. Mặt khác, trước khi lắp tấm mới lên, cần kiểm tra lại các kết cấu khung trần treo bên trên, xem có còn đảm bảo chất lượng hay không. Có vậy, bạn mới khắc phục được triệt để cũng như hạn chế tối đa những phát sinh về sau.

Thứ ba, lưu lại hình ảnh tấm thạch cao cũ trước khi tháo dỡ. Nếu trần thạch cao có các họa tiết hoa văn, phào chỉ cầu kỳ thì trước khi tháo dỡ tấm nào đó, bạn cần lưu lại hình ảnh để khi lắp đặt xong có thể vẽ lại họa tiết đó cho đồng bộ với tổng thể.

Thứ tư, không chắp vá trần khi vết nứt quá nhỏ. Nếu vết nứt trên trần quá nhỏ, bạn tuyệt đối không chắp vá trần. Cách tốt nhất là phủ kín bằng bột bả. Việc vá trần là không cần thiết khi vết nứt không lớn hơn 7mm chiều rộng và chúng không bị đổi màu. Song, trong trường hợp trần thạch cao bị đổi màu, gia chủ nên sửa chữa kịp thời, đúng cách để không làm lây lan sang các vùng khác.

Thứ năm, phối hợp hài hòa: Việc sửa chữa trần thạch cao không đơn thuần là đặt miếng vá rồi sơn lại chúng mà phải sử dụng đến bột dán, băng keo chuyên dụng để xử lý "đẹp" các mối nối thạch cao, đồng thời trải đều các khu vực xung quanh phần bản vá. 

Một số lưu ý về mặt phong thủy khi làm trần thạch cao

Phong thủy nhà ở đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng. Do đó, khi thiết kế trần thạch cao, gia chủ nên lưu ý thêm một số vấn đề sau đây để không gian sống vừa hợp phong thủy ngũ hành, vừa giàu tính thẩm mỹ.

Màu sắc

Theo quan niệm phong thủy, trần nhà tượng trưng cho trời, mang tính dương. Vì thế, khi làm trần thạch cao, bạn nên chọn trần tông màu tươi sáng, nhẹ nhàng như xanh lam nhạt, vàng nhạt, trắng sữa, hồng nhạt. Những gam màu này tạo cảm giác rộng rãi, thoáng đãng và ấm cúng hơn cho ngôi nhà. Trong khi đó, bạn không nên chọn các tông màu tối, đậm bởi chúng gây cảm giác bí bức, nặng nề, u ám, ảnh hưởng tới tâm trạng của các thành viên gia đình.

Để chọn được màu trần phù hợp nhất, bạn nên căn cứ vào bản mệnh của gia chủ. Ví dụ, màu trắng hoặc kem là lựa chọn hoàn hảo cho người mệnh Kim, màu xanh nhạt phù hợp với chủ nhà mệnh Thủy...

hình ảnh trần thạch cao giật cấp trong phòng ngủ của trẻ với hình dán trăng sao phản quang
Mẫu trần thạch cao giật cấp gắn trăng sao vui mắt cho phòng ngủ của trẻ.

Bố cục tạo hình

Trần thạch cao là loại vật liệu dễ tạo hình khối trang trí và thuận tiện để bố trí hệ thống đường ống, dây cáp điện. Tuy nhiên, nếu không được thi công cẩn thận, không phù hợp về mặt phong thủy thì trần thạch cao có thể mang lại những bất lợi, vận xui, kìm hãm vận khí tốt lành của gia chủ. Chính bởi vậy, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Trần nhà nơi có ghế ngồi không nên làm xà ngang. Gia chủ cũng nên tránh kê ghế ngồi tại nơi có xà ngang bên trên. Trong trường hợp bất khả kháng, bạn hãy đặt 2 chậu trúc hai bên khu vực ghế ngồi để hóa giải.

  • Trần thấp không tốt về phong thủy. Do đó, với những ngôi nhà hoặc căn hộ chung cư có trần thấp, bạn nên tránh trang trí trần thạch cao với hình khối, hoa văn rườm rà, phức tạp. 

Phụ kiện trang trí

Đèn chùm, đèn tuýp, đèn LED âm trần là những phụ kiện trang trí không thể thiếu khi hoàn thiện trần thạch cao. Tuy nhiên, khi lắp đèn, bạn nên tránh để ánh đèn chiếu thẳng xuống vị trí ghế ngồi bởi sẽ tạo cảm giác căng thẳng, bất an cho người ngồi phía dưới. Xét về lâu dài, điều này không tốt cho sức khỏe của người dùng.

Phù hợp với từng phòng chức năng

hình ảnh cận cảnh mẫu trần thạch cao đẹp cho phòng khách căn hộ chung cư
Mẫu trần thạch cao đẹp cho phòng khách căn hộ chung cư phong cách hiện đại.

Việc thiết kế trần thạch cao đối với từng phòng chức năng trong nhà ở cũng không giống nhau. Đối với trần thạch cao phòng ngủ hoặc phòng thờ, gia chủ nên tránh thiết kế họa tiết hình tròn, đường uốn lượn vì những hình này thuộc hành Kim có tính động trong khi các không gian này cần đảm bảo yếu tố tĩnh.

Với trần thạch cao phòng khách, phòng ăn và phòng của trẻ, hoa văn tròn hay các đường uốn lượn lại rất phù hợp. Các khối hình vuông phù hợp với nhiều không gian chức năng khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh để các góc nhọn (vốn có nhiều sát khí) chĩa ra cửa phòng vì điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới vận khí của gia chủ.

Lam Giang

>> Nhà phố thêm đẹp với 10 mẫu trần thạch cao này

>> Để có một công trình thạch cao hoàn mỹ

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu