Trước hết, luôn đảm bảo các bề mặt và vật liệu nội thất không chứa các thành phần độc hại. Bên cạnh đó, bàn ghế cần đặt xa kệ tủ và cửa sổ để đảm bảo trẻ không thể leo trèo.
Khi nhà có trẻ nhỏ, cha mẹ cũng cần hạn chế tối đa các vật dụng có nhiều cạnh sắc nhọn hay các đồ dùng nhỏ có thể nuốt vào miệng, vật dụng gắn liền với dây điện có thể gây nguy hiểm.
Một số loại màn cửa, giấy dán tường và thảm có thể phát tán khí hay các sợi làm ô nhiễm không khí trong phòng, gây hại đến đường hô hấp của trẻ. Vì thế, khi thiết kế phòng trẻ em, cha mẹ cần đảm bảo căn phòng luôn thông thoáng, không khí được luân chuyển để lọc bụi bẩn.
|
Thiết kế phòng trẻ cần tính đến sự an toàn và linh hoạt. |
Bàn ghế, giường tủ trong phòng trẻ cần được thiết kế với kích thước phù hợp để trẻ cảm thấy thoải mái, dễ dàng và ngồi đúng tư thế khi sử dụng.
Các hộp tủ, cửa ra vào cần được thiết kế sao cho đóng mở dễ dàng. Đồ vật hay các đồ chơi mà trẻ hay sử dụng nên được cất trong túi treo hay những chiếc rổ để bé có thể lấy một cách dễ dàng.
Không gian học tập, vui chơi cần đủ rộng cho phép bé tương tác với anh chị em hoặc bạn bè.
Giường cũi của trẻ phải có cấu trúc chắc chắn, đảm bảo an toàn khi trẻ nằm và di chuyển. Với trẻ dưới 2 tuổi, giường ngủ không nên có gối ôm, gối có độ nhún cao, đồ chơi hay chăn mền quá lớn vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Nệm trong giường cần đủ thấp để trẻ không dễ dàng trèo ra ngoài.
Nếu phòng của trẻ ở trên tầng có cửa sổ, cần khóa chặt cửa sổ hoặc thay bằng khung cửa kính cố định để trẻ không thể tự mình mở và trèo ra ngoài.
Tủ quần áo và kệ sách là những đồ đạc hấp dẫn và nguy hiểm với những trẻ thích leo trèo. Cha mẹ nên gia cố những vật dụng này vào tường bằng bản giằng nhằm hạn chế rủi ro cho trẻ.
Cuối cùng, các trẻ lớn rất nhanh. Do đó, cha mẹ cần ưu tiên những giải pháp linh hoạt, tiết kiệm chi phí khi thiết kế phòng của trẻ. Cần đảm bảo phòng của bé có không gian dự phòng để đáp ứng được nhu cầu của bé khi lớn lên. Chẳng hạn, khi bé đến tuổi đi học, căn phòng cần có thêm góc học tập, chỗ để cặp sách, tập vở…