Bố cục chữ I
Bố cục bếp chữ I còn được gọi là bếp thẳng, kiểu tủ nhỏ gọn nhất trong số các bố cục bếp hiện nay mà vẫn đảm bảo được chức năng của một gian bếp.
|
Bố cục bếp chữ I nhỏ gọn, phù hợp với hầu hết các không gian. |
Ưu điểm
Ưu điểm lớn nhất của bếp chữ I là thiết kế đơn giản, tiết kiệm diện tích mà vẫn đảm bảo được công năng sử dụng. Hơn nữa, kiểu bố cục này còn tạo thành khu vực nấu nướng thuận tiện, dễ di chuyển.
Nhược điểm
Dù tiết kiệm được nhiều không gian nhưng bố cục bếp này có thể gây khó khăn nếu hai người cùng đứng bếp một lúc và có ít không gian lưu trữ hơn các loại bố cục bếp khác. Bên cạnh đó, bề mặt bàn bếp khi đó khá nhỏ nên chỗ để và chế biến thực phẩm cũng bị hạn chế.
Nếu tủ bếp dạng chữ I được thiết kế dài ra để tăng diện tích sử dụng và lưu trữ thì việc đi lại trong quá trình nấu nướng sẽ vất vả hơn.
Khi nào nên sử dụng bố cục bếp chữ I?
Với kích thước nhỏ gọn, dễ thi công, bạn có thể ứng dụng bố cục bếp chữ I cho bất cứ ngôi nhà nào. Tuy nhiên, kiểu bếp này đặc biệt phù hợp với phong cách đơn giản, hiện đại và thường phát huy hiệu quả cao với các căn bếp diện tích nhỏ, căn hộ chung cư. Khi ứng dụng kiểu dáng bếp chữ I, bạn nên chọn tủ bếp màu trắng hoặc ngả vàng bởi hai màu này sẽ làm cho không gian trở nên thoáng và rộng hơn nhiều.
Bố cục bếp song song
Bếp song song có hình dạng của một hành lang, được chia làm hai hệ tủ song song và đối xứng nhau. Thông thường, bếp ga và bồn rửa đặt ở một bên. Bên còn lại dành cho tủ lạnh, bàn sơ chế và không gian lưu trữ. Đây là thiết kế hiệu quả nhất trong việc nấu nướng. Trên thực tế, nhiều nhà hàng, quán ăn thường sử dụng bố cục bếp này.
|
Thông thường, với kiểu bếp song song, bếp ga và bồn rửa sẽ được bố trí ở cùng một phía. |
Ưu điểm
Bếp song song cho phép tận dụng gian bếp nhỏ một cách hiệu quả, đảm bảo không gian nấu nướng, lưu trữ thoải mái. Đặc biệt, kiểu bếp này cho phép người nội trợ di chuyển dễ dàng đến các ngõ ngách để lấy đồ dùng cần thiết, từ đó tạo nên sự thoải mái nhất. Việc điều chỉnh độ dài và phân chia các khu vực chức năng của bếp song song cũng linh hoạt và dễ dàng hơn.
Nhược điểm
Quá trình nấu ăn sẽ trở nên thuận tiện hơn nếu bạn trang bị bồn rửa ở cả hai bên hệ tủ. Bếp song song đôi khi chỉ phù hợp cho một người đứng bếp để có thể di chuyển linh hoạt nhất, không làm cản trở công việc nấu nướng. Ngoài ra, cách bố trí bếp kiểu này thường có xu hướng cô lập không gian ăn uống.
Khi nào nên sử dụng bố cục bếp song song?
Bố cục bếp song song thích hợp với những không gian bếp có chiều rộng hẹp và chiều sâu dài. Khi lựa chọn bố cục bếp này, nên để ánh sáng vào cả hai đầu hành lang của bếp để tạo sự kết nối với các khu vực còn lại trong nhà.
Bố cục bếp chữ L
Có thể nói, bố cục bếp chữ L là kiểu dáng phổ biến và tiện lợi nhất bởi nó phù hợp với mọi không gian và phong cách bếp trong gia đình. Bếp chữ L được thiết kế với một góc vuông mở ra hai cạnh. Các cạnh bếp ôm sát tường, trong khi góc vuông giúp tận dụng được vị trí góc phòng, đồng thời mở ra hai phía tạo cảm giác gian bếp như rộng rãi hơn. Bên cạnh đó, khoảng cách từ chỗ đứng chuẩn bị đồ nấu đến vị trí đặt bếp được rút ngắn lại, từ đó tiết kiệm công sức và thời gian di chuyển cho người nội trợ.
|
Bếp chữ L phù hợp với mọi phong cách và không gian bếp. |
Ưu điểm
Thiết kế tủ bếp chữ L không chắn ngang luồng lưu thông đi lại trong nhà, làm tăng diện tích nấu nướng, tạo lối đi thông thoáng trong bếp. Hình dạng mặt tủ bếp rất dễ phân chia thành các khu vực chức năng khác nhau để phục vụ cho quá trình nấu nướng. Tủ bếp chữ L tối ưu được diện tích cho không gian nhỏ, phù hợp với hầu hết các căn bếp của gia đình Việt hiện nay, đặc biệt là khi người dân ngày càng có xu hướng sống trong các căn hộ chung cư.
Việc lắp thêm diện tích cho tủ khi cần thiết khá linh hoạt. Bạn có thể nối thêm một vài bộ phần ở hai cạnh tủ bếp để chứa đồ và tạo sự rộng rãi cho khu vực nấu nướng mà không làm ảnh hưởng đến cách phân chia khu vực cũ.
Nhược điểm
Tủ bếp chữ L không phù hợp với các không gian quá rộng bởi khi đó, việc thiết kế các cạnh tủ dài bất thường làm mất cân bằng cho tổng thể chung. Hơn nữa, các khu vực sơ chế, lưu trữ, đun nấu ở cách xa nhau cũng gây không ít bất tiện cho người nội trợ.
Góc chết của bếp chữ L thường ít được sử dụng do bất tiện khi lưu trữ và nằm ngoài tầm với của người nội trợ. Để khắc phục, người dùng cần đầu tư thêm chi phí cho phụ kiện tủ bếp, đó là giá xoay liên hoàn dùng cho góc chữ L.
Bố cục bếp chữ L phù hợp với không gian nào?
Ưu điểm lớn của bố cục bếp chữ L là giúp khỏa lấp đi không gian chết trong bếp nên nó phù hợp với mọi không gian bếp dài và hẹp, bếp nhỏ hay rộng và thích hợp với các kiểu bố trí nội thất khác nhau. Để tạo sự thuận tiện khi di chuyển trong quá trình nấu nướng, chủ nhà nên tính toán sao cho chiều dài hai cạnh của chữ L không quá lệch nhau.
Bếp chữ U
Với thiết kế lớn hơn hẳn so với hai loại bếp chữ I và chữ L, bếp chữ U có thể được coi là loại bếp trọn vẹn và đầy đủ nhất. Không gian bếp có dạng hình chữ U, được bao quanh bởi 3 mặt tủ bếp và tủ để đồ, tạo thành khu vực nấu nướng biệt lập, rộng rãi và linh hoạt. Đôi khi, một cạnh bếp chữ U còn có thể được thiết kế thành quầy bar, bàn đảo…
|
Bếp chữ U được bao quanh bởi 3 mặt tủ bếp và tủ để đồ, cung cấp không gian lưu trữ khá lớn. |
Ưu điểm
Bếp chữ U cho phép bạn dễ dàng phân chia các khu vực chức năng trong bếp như khu sơ chế, khu nấu ăn, khu lưu trữ một cách thuận tiện. Nhờ tận dụng cả 3 diện tường mà bếp chữ U cung cấp không gian lưu trữ khá lớn. Do chỉ có một lối thoát duy nhất nên các vị trí chức năng của bếp chữ U được sắp đặt theo quy tắc nhất định, có định hướng rõ ràng giúp cho gian bếp luôn ngăn nắp, gọn gàng.
Nhược điểm
Chi phí thiết kế bếp hình chữ U thường cao hơn so với các kiểu dáng khác. Lựa chọn dáng bếp chữ U đồng nghĩa với việc bạn sẽ có ít lựa chọn hơn nếu muốn cải tạo bếp về sau. Do vậy, kiểu bếp chữ U chỉ phù hợp với những người thích sự ổn định, đồng thời cần sử dụng các chất liệu cao cấp, có độ bền tốt để tránh phát sinh sửa chữa không đáng có trong tương lai.
Tủ bếp chữ U phù hợp với không gian nào?
Bếp chữ U phù hợp với nhiều không gian khác nhau. Với không gian bếp lớn, bếp chữ U cung cấp thêm không gian để lưu trữ, sơ chế và có thể thiết kế thêm quầy bar, bàn ăn, bán đảo… Với không gian bếp nhỏ hơn, các cạnh của bếp chữ U có thể được rút ngắn lại để tối ưu hóa việc di chuyển trong gian bếp và vẫn đảm bảo chức năng.
Bếp chữ G
Bếp chữ G là một biến thể của kiểu bếp chữ U, có thêm quầy bar hoặc bán đảo gắn liền với bếp tạo thành hình chữ G.
|
Bếp chữ G cung cấp không gian rộng rãi để người nội trợ có thể thoải mái thao tác trong quá trình nấu nướng. |
Ưu điểm
Bếp chữ G chiếm một phần diện tích khá lớn giúp bạn có nhiều không gian để lưu trữ đồ đạc và đảm bảo căn bếp luôn gọn gàng, ngăn nắp. Thiết kế hai đầu độc lập, song song giúp bạn dễ dàng phân chia các khu vực lưu trữ, sơ chế hay nấu nướng. Sự bao bọc của hình dáng chữ G cung cấp khoảng không thoáng đãng để người nội trợ dễ dàng di chuyển qua lại giữa các khu vực.
Bản thân hình dáng chữ G đã tạo ra những không gian chức năng được tách biệt rõ rệt. Gia chủ sẽ không phải lo lắng về cách phân chia giữa các khu vực, không gian trong bếp nhà mình nữa. Cuối cùng, bếp chữ G còn tạo cảm giác ngôi nhà trông bề thế và đẳng cấp hơn hẳn.
Nhược điểm
Bếp chữ G sở hữu tới 3 góc chết nên bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian, công sức và chi phí để xử lý điều này. Giải pháp được nhiều chuyên gia khuyên dùng là sử dụng các tấm đợt góc hay phụ kiện góc cho các không gian này.
Thiết kế kiểu dáng vuông, chiếm nhiều diện tích bếp khiến bếp chữ G không phải là lựa chọn dành cho những không gian hẹp, nhỏ và dài. Sự cồng kềnh của tủ bếp chữ G cũng đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư bếp sẽ lớn hơn so với các kiểu bếp khác.
Bếp chữ G phù hợp với những không gian nào?
Bố cục hình chữ G phù hợp với những phòng bếp rộng rãi. Kiểu dáng bếp này cho phép gia chủ dễ dàng phân chia chức năng bếp và bài trí đồ dùng tùy ý ở các góc bếp. Tất nhiên, người nội trợ cũng sẽ vất vả hơn khi thu dọn đồ và và vệ sinh bếp sau khi nấu nướng.
Bếp có đảo
Bếp có đảo khá phổ biến và được các gia đình trẻ yêu thích, là sự kết hợp giữa bếp hình chữ I, chữ L, song song, chữ U với đảo bếp. Tùy vào nhu cầu sử dụng và đặc điểm gian bếp mà đảo bếp có thể đóng vai trò là khu vực nấu nướng, bồn rửa, quầy bar hay bàn ăn.
|
Một dạng bếp chữ U kết hợp đảo. Ở đây, đảo bếp kết hợp với ghế cao được sử dụng như bàn ăn sáng. |