SearchNews

Những lưu ý quan trọng khi thiết kế phòng khách liền kề bếp

24/05/2019 17:11

Mẫu phòng khách liền kề bếp đang là xu hướng phổ biến trong kiến trúc nhà ở hiện đại, đặc biệt là đối với căn hộ chung cư hoặc nhà phố chật hẹp. Tuy nhiên, để hai khu vực này đảm bảo cả về công năng, tính thẩm mỹ, gia chủ không nên bỏ qua những lưu ý quan trọng ngay từ khi lên ý tưởng thiết kế.

Thiết kế phòng khách liền kề bếp trong trường hợp nào?

Phòng khách và khu bếp ăn trong những ngôi nhà có diện tích lớn thường được thiết kế thành hai không gian độc lập bởi mỗi không gian có chức năng cũng như nội thất riêng biệt. Thế nhưng, đối với căn hộ chung cư hoặc nhà ống, nhà phố nhỏ hẹp, việc dựng lên một bức tường bê tông thô cứng ngăn cách hai khu vực sẽ khiến không gian nhà thêm chật chội, bí bức, thậm chí là thiếu sáng. Trong trường hợp này, thiết kế phòng khách liền kề bếp là lựa chọn hoàn hảo.

Thực tế cho thấy, thiết kế phòng khách liên thông khu bếp ăn đã và đang là xu hướng được ưa chuộng trong kiến trúc nhà ở hiện đại. Mẫu phòng khách liền kề bếp không chỉ dành cho căn hộ, nhà phố nhỏ chật mà còn là thiết kế được chủ nhân những căn hộ cao cấp rộng lớn hoặc biệt thự sang trọng yêu thích, lựa chọn.

Ưu điểm của thiết kế phòng khách liên thông bếp ăn

Việc thiết kế phòng khách liền kề bếp có nhiều ưu điểm. Trước hết, thiết kế này giúp tiết kiệm tối đa diện tích, tạo cảm giác thoáng đãng và rộng rãi hơn cho những ngôi nhà nhỏ hẹp. Đồng thời, mẫu phòng khách liên thông bếp nấu sẽ không cản trở tầm nhìn cũng như đường đi của ánh sáng tự nhiên lẫn ánh sáng đèn cho toàn bộ không gian.

phòng khách liền kề bếp phong cách châu Âu
Mẫu phòng khách liền kề phòng bếp được bài trí theo phong cách đồng quê châu Âu.

Mặt khác, ý tưởng thiết kế này giúp kết nối chặt chẽ giữa các khu vực chức năng, thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình. Việc đi lại giữa phòng khách và phòng bếp trở nên dễ dàng hơn, mọi người có thể nhìn thấy nhau, tương tác nhiều hơn, giúp tăng tính kết nối giữa các thành viên. Đặc biệt, với những gia đình trẻ, bố mẹ vừa có thể thao tác nấu nướng, vừa quan sát các con đang vui đùa hoặc xem các chương trình giải trí ở phòng khách.

Cùng với đó, thiết kế phòng khách liền kề bếp còn giúp chủ nhân có thể tích hợp thêm nhiều nội thất thông minh, có thể chuyển đổi linh hoạt công năng, tăng sự tiện nghi cho không gian sống. Chẳng hạn, khi không sử dụng, bộ bàn ăn gắn tường có thể gập gọn thành tủ sách, tủ rượu hoặc kệ trang trí bắt mắt.

Tuy nhiên, để mẫu phòng khách liền kề bếp thể hiện được những ưu điểm vượt trội, mang đến cho bạn không gian sống như ý, chủ nhân cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

Lựa chọn phong cách chung hoặc hài hòa

Đối với phòng khách và khu bếp ăn được thiết kế trong cùng một không gian, bạn nên chọn cùng một phong cách cho cả hai khu vực nhằm tạo sự thống nhất, đồng điệu. Các gia đình hiện nay thường có xu hướng lựa chọn phong cách nội thất Bắc Âu, nội thất đương đại bởi vẻ đẹp sang trọng, sự tiện nghi và tối đa hóa công năng mà chúng mang lại.

Nếu muốn tạo sự khác biệt nhất định về phong cách thiết kế nội thất cho phòng khách và khu bếp - ăn, bạn có thể lựa chọn hai phong cách riêng nhưng phải có sự hài hòa, gắn kết nhất định về tông màu, ánh sáng cũng như cách trang trí.

bếp liên thông không gian tiếp khách
Cần đảm bảo sự hài hòa về phong cách nội thất, trang trí khi thiết kế bếp liên thông
không gian tiếp khách. 

Bố cục không gian rõ ràng

Để tránh tạo cảm giác chật chội, rối mắt bạn nên phân chia bố cục không gian nội thất phòng khách và khu bếp ăn một cách rõ ràng. Theo đó, gia chủ sẽ căn cứ vào mặt bằng ngôi nhà hoặc căn hộ đề tùy biến điều chỉnh vị trí đặt phòng khách cũng như góc nấu nướng. Kinh nghiệm cho thấy, phòng khách nên đặt ở hướng đón sáng từ cửa sổ lớn hoặc cửa chính. Trong khi đó, phòng bếp nên đặt ở cuối nhà để có sự kết nối liên thông với phòng tắm và khu vệ sinh. 

Phòng khách, khu bếp - ăn dù đặt ở vị trí nào cũng cần lưu ý tới các yếu tố về độ thông thoáng nhằm mang lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe. Nếu muốn phân tách tương đối giữa hai không gian chức năng này, bạn có thể sử dụng vách ngăn kính trong suốt, vách ngăn CNC nghệ thuật, vách gỗ hoa văn, tấm kim loại đục lỗ. Thậm chí, ngay đảo bếp, quầy bar, tủ kệ trang trí cũng có thể trở thành vách ngăn phân chia ước lệ nhưng nhìn tổng thể vẫn liền một khối thống nhất.

bố cục phòng bếp liên thông phòng khách
Dù được thiết kế trong cùng một không gian nhưng khu vực tiếp khách và phòng bếp cần có sự phân chia bố cục rõ ràng.

Riêng với nhà phố, gia chủ và kiến trúc sư cần phải thống nhất và tính toán ngay từ đầu nếu muốn thiết kế bếp liên thông với phòng khách. Chẳng hạn, diện tích dành hai khu vực này nên theo tỷ lệ nào, để khi không thích kiểu bếp mở nữa thì có thể thêm vách thành bếp kín hoặc ngược lại. 

Lựa chọn nội thất hài hòa cho phòng khách liền kề bếp

Khi lựa chọn nội thất cho phòng khách liền kề bếp, gia chủ nên lưu ý tới yếu tố màu sắc và kích thước. Chẳng hạn, nếu bạn đã chọn cho phòng khách những món nội thất kích thước lớn như bộ ghế sofa hoặc bàn ghế bằng gỗ chạm khắc cầu kỳ thì gian bếp nên chọn đồ nhỏ gọn, kiểu dáng đơn giản để tiết kiệm diện tích và tạo sự cân bằng.

Đối với những căn phòng có diện tích khiêm tốn, chủ nhân nên ưu tiên lựa chọn nội thất phòng khách và khu bếp theo phong cách hiện đại, màu sắc tươi sáng, họa tiết tối giản nhằm tạo cảm giác thoáng rộng hơn so với diện tích thực. Tuy vậy, sự hiện diện của một vài món đồ màu tối có thể khiến căn phòng trở nên ấn tượng, thu hút hơn.

lựa chọn nội thất phòng khách liên thông bếp ăn
Phòng khách liên thông khu bếp ăn nên sử dụng nội thất nhỏ gọn, kiểu dáng thanh thoát và màu sắc hài hòa.

Lưu ý, khi chọn đồ nội thất cho cả phòng khách lẫn khu vực bếp - ăn, bạn nên ưu tiên sử dụng cùng một phong cách để tạo sự hài hòa, tính thẩm mỹ cao nhất. Tuyệt đối tránh sự "đụng độ" giữa nội thất hiện đại với cổ điển hoặc giữa nội thất châu Âu đơn giản với nội thất châu Á truyền thống cầu kỳ, kiểu cách. 

Ngoài ra, bạn cần chừa lối đi thông thoáng khi sắp xếp nội thất, nhất là lối lưu thông giữa góc nấu nướng với khu vực tiếp khách để tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày cho tất cả các thành viên trong gia đình.

Tránh sử dụng màu sắc quá đối lập

Lựa chọn màu sắc là khâu vô cùng quan trọng khi thiết kế phòng khách liền kề bếp, đặc biệt là đối với nhà ống, căn hộ nhỏ hẹp. Nguyên tắc là, cần đảm bảo tính nhịp điệu giữa màu sắc phòng khách và khu bếp ăn nhằm tạo sự kết nối giữa hai căn phòng trong cùng một không gian.

Muốn vậy, bạn nên tránh chọn màu quá đối lập, phá vỡ sự đồng điệu giữa nội thất phòng khách và phòng bếp. Nếu căn phòng có diện tích nhỏ, gia chủ nên ưu tiên sử dụng gam màu trung tính (trắng, ghi, xám) hoặc màu tươi sáng (xanh dương, xanh lá nhạt, vàng nhạt) làm phông nền chủ đạo giúp không gian phòng trở nên thoáng rộng hơn; nên tránh những gam màu tối, màu nóng (đỏ, đen, tím, nâu đậm) dễ tạo giác âm u, lạnh lẽo, không ấm cúng.

Nếu biết cách sử dụng màu sắc khéo léo, bạn sẽ tạo được sự phân tách tương đối, tạo điểm nhấn riêng cho từng khu vực chức năng mà vẫn đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ liền một khối. Bạn có thể tham khảo cách kết hợp màu sắc cho thiết kế phòng khách liền kề bếp như sau:

Tông màu tươi sáng, nhẹ nhàng

phòng khách phong cách bãi biển
Mẫu phòng khách phong cách bãi biển dịu mát với sự kết hợp ăn ý giữa sắc xanh dương và xám nhạt. Trong khi đó, bàn trà, kệ trang trí và sàn lát gỗ màu nâu đậm giúp gia tăng chiều sâu cho không gian. 
phòng bếp tông màu tươi sáng, nhẹ nhàng
Trên nền trắng và xanh ghi chủ đạo, những điểm nhấn màu nâu gỗ từ mặt bàn ăn, khung tranh trang trí... giúp cân bằng bảng màu và tạo cảm giác ấm áp cho phòng bếp.

Tông màu trung tính

phòng khách đẹp nhẹ nhàng, tinh tế
Gia chủ khéo léo sử dụng màu trắng sữa chủ đạo cho trần và tường nhà kết hợp ăn ý với sắc ghi, vàng nhạt từ đồi nội thất, phụ kiện trang trí kiến tạo không gian tiếp khách đẹp tinh tế.
phòng bếp màu trung tính
Sự kết hợp ăn ý giữa hai tông màu xám - tro cho tường bếp giúp nội thất màu trắng sữa, nâu gỗ và vàng đồng trở nên nổi bật hơn.

Tông màu ấm áp

phòng khách tông màu vàng nhạt chủ đạo
Mẫu phòng khách tông màu vàng nhạt chủ đạo nhưng không hề tạo cảm giác bức bối khó chịu khi kết hợp hài hòa với nội thất màu nâu nhạt, xanh dương làm điểm nhấn.
trang trí phòng bếp với tông màu ấm áp
Để kiến tạo không gian bếp ăn ấm cúng, bạn có thể sử dụng màu nâu đất nhạt chủ đạo kết hợp cùng sắc vàng cát. Trong khi đó, nội thất màu trắng hoặc màu gỗ đậm sẽ tạo điểm nhấn bắt mắt cho căn phòng.

Tạo điểm nhấn với đèn chiếu sáng

Khi thiết kế hai khu vực chức năng khác nhau trong cùng một không gian, bạn cần tìm cách tạo điểm nhấn riêng cho từng khu vực, vừa giúp phân tách ước lệ, vừa gia tăng tính thẩm mỹ chung. Ngoài màu sắc tường, đồ nội thất, đèn chiếu sáng được các chuyên gia đánh giá là giải pháp hữu hiệu trong trường hợp này. 

Đối với không gian tiếp khách, bạn hãy chọn thiết bị chiếu sáng có cường độ cao hơn một chút so với ánh sáng nền cho những vị trí muốn tạo điểm nhấn. Các gia đình hiện nay thường sử dụng đèn hắt, đèn âm tường, đèn treo tường hoặc đèn LED để chiếu sáng những món đồ trang trí hoặc tranh treo trên tường phòng khách.

phòng khách liên thông bếp ăn ngập tràn ánh sáng
Tông màu trắng chủ đạo kết hợp cùng ánh sáng tự nhiên giúp không gian phòng khách - bếp ăn trở nên thoáng rộng hơn. Trong khi đó, ánh sáng đèn sẽ tạo điểm nhấn cho khu
vực đảo bếp, bàn ăn.

Với phòng bếp, ngoài ánh sáng nền, bạn nên lắp thêm một bóng đèn ở khu vực đặt bếp, nơi chế biến thức ăn, quầy bar, đảo bếp. Đặc biệt, góc ăn uống không thể thiếu bộ đèn thả trần kiểu dáng thanh mảnh, nhỏ gọn, thiết kế tinh tế. Ngoài ra, chủ nhân cũng có thể lắp đèn chuyên biệt trong tủ kính đựng chén bát bởi ánh sáng đèn sẽ giúp tôn lên vẻ đẹp sang trọng của đồ bằng sứ, thủy tinh hay pha lê.

Nếu phòng khách liền kề bếp được thiết kế trong một không gian nhỏ chật, bạn có thể tập trung xử lý chiếu sáng cho một bức tường phòng khách để tạo cảm giác rộng thoáng hơn, tránh gây rối mắt.

Giải quyết vấn đề mùi thức ăn và sự riêng tư

Đối với người Á Đông nói chung, phòng khách được xem là bộ mặt của gia chủ, nơi thể hiện tính cách, gu thẩm mỹ, thậm chí là đẳng cấp của chủ nhân. Do đó, khi thiết kế phòng khách liền kề bếp cần tính toán kỹ lưỡng để khu vực bếp nấu không ảnh hưởng tới mỹ quan của không gian tiếp khách. Nếu có thể, nên có một khoảng ngăn cách tương đối giữa hai khu vực chức năng này.

Nếu nhà đủ rộng và sâu, bạn hãy bố trí một khoảng mặt nước hoặc cây xanh ở khu vực giếng trời để phân tách bếp và phòng ăn. Trong trường hợp diện tích nhà hạn chế, hãy tạo một bình phong che chắn, vách ngăn linh động như lam đứng, vách ngăn kính, cửa kính màu dạng trượt để đóng mở không gian linh hoạt. Nếu khách ghé chơi khi cả nhà đang dùng bữa hoặc phòng bếp không gọn gàng, bạn sẽ đóng hệ lam này lại để đảm bảo tính riêng tư cần thiết. Đồng thời, vách ngăn còn giúp khắc phục lỗi phong thủy "lộ Táo" khi thiết kế phòng khách liền kề bếp.

Về việc xử lý mùi thức ăn, dầu mỡ từ phòng bếp lan sang khu vực tiếp khách, bạn có thể sử dụng máy hút mùi dùng than hoạt tính hoặc máy hút mùi đưa không khí trong bếp ra ngoài theo đường ống khói. Cách thứ hai tiết kiệm và lâu bền hơn nhưng chủ yếu áp dụng với nhà riêng, không khả thi với căn hộ chung cư. Để đạt hiệu quả cao và đảm bảo tính thẩm mỹ, giải pháp thoát mùi cho phòng bếp bằng ống khói riêng biệt kết hợp với máy hút mùi hiện đại cần được đặt ra ngay khi từ khi thiết kế, xây dựng.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu