SearchNews

Tư vấn thiết kê lối thoát hiểm cho căn nhà

24/09/2014 08:09

Trong thiết kế nhà, chúng ta thường quan tâm đến sự phân bố các phòng, các tiện ích mà ít ai nghĩ đến phương án thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.

Theo lời khuyên của các kiến trúc sư, khi xây nhà, gia chủ nên lưu ý hơn đến việc thiết kế các lối thoát hiểm như ban công, cửa sổ, lối leo lên bồn nước hoặc giếng trời ... để đề phòng khi có biến cố xảy ra.

Vụ chết cháy 7 người vào rạng sáng ngày 17/9 trong một ngôi nhà trên đường Nguyễn Trãi, Tp.HCM nguyên nhân một phần là do không có lối thoát hiểm. Đây cũng là hạn chế của đa phần các thiết kế nhà của người Việt, đặc biệt là vùng đô thị, nơi diện tích đất đai chật hẹp.

Một cư dân sống tại quận Phú Nhuận, Tp.HCM tâm sự, gia đình ông cũng muốn đầu tư một lối thoát hiểm nhưng khó thực hiện bởi căn nhà quá bé, mọi người đang phải sống chen chúc trong một cái hộp.

Không chỉ thế, để đề phòng trộm cắp, chủ nhà không dám làm cửa hậu hay lối thông lên mái nhà, ban công thì phải bịt kín bằng khung sắt, nhà thì phải trang bị năm bảy lớp khóa khác nhau. Bởi sự bịt kín đó nên khi có họa hoạn xảy ra, người trong nhà không có đường thoát và dễ bị ngạt. Thực tế, ai cũng muốn được sống trong một không gian thoáng đãng, song do hạn chế về diện tích và đảm bảo an ninh nên chủ nhà thường ít để ý đến các lối thoát hiểm.

Tư vấn thiết kê lối thoát hiểm cho căn nhà
Các lối thoát hiểm như ban công, cửa sổ, lối leo lên bồn nước hoặc giếng trời ...
hữu ích khi có biến cố xảy ra.

Trước thực tế trên, kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu khuyên các chủ nhà ở đô thị khi thiết kế nhà cần bố trí các phòng ốc hợp lý, lối đi thông thoáng sẽ đảm bảo an toàn cho gia đình hơn.

Bên cạnh đó, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền cho rằng nhiều chủ nhà khi xây dựng chỉ chú trọng tăng diện tích sử dụng nên đã chiếm luôn cả diện tích dành cho lối thoát hiểm khi cần thiết. Trong khi đó, theo quy định xây dựng, trừ những nhà có diện tích nhỏ, các bản thiết kế phải có một khoảng diện tích thông thoáng để đón ánh sáng tự nhiên, đồng thời cũng dùng làm lối thoát hiểm khi có vấn đề xảy ra.

Kiến trúc sư Truyền cũng có đưa ra một số giải pháp thoát hiểm mà vẫn đảm bảo an ninh an toàn khi xây nhà đối với những ngôi nhà phố chật hẹp. Đó là, cần phải có ít nhất là 2 lối thoát hiểm cho mỗi phòng, lối thoát xa nhất không quá 25m tùy thuộc quy mô công trình nhà phố hay chung cư. Bên cạnh đó, nếu cửa thoát hiểm làm bằng cửa kính thì gia đình nên trang bị búa hoặc dao cắt kính, chốt mở cửa không chỉ đảm bảo an toàn mà cần phải thuận tiện...

Ông Châu cũng cho biết, xu hướng xây nhà hiện nay của người dân thường có 2 lớp gồm cửa sắt xếp và cửa sắt pano kính. Lối thiết kế này đảm bảo độ an toàn cao cho chủ nhà, song nếu chốt khóa quá phức tạp, khó mở khi xảy ra sự cố, vô hình đã "khóa" chủ nhân bên trong. Đối với những căn hộ không có ban công thì nên gắn bản lề tại khung bảo vệ cửa sổ để dễ dàng mở khi cần thiết.

 Lối thoát hiểm cho căn nhà cùng tư vấn thiết kế
Nên thiết kế thang cố định lên thăm mái nhà để dễ dàng thoát hiểm 
khi có hỏa hoạn.

Theo kiến trúc sư Truyền thì lối thoát hiểm qua ban công mặt tiền là lựa chọn tối ưu nhất. Song đa phần nhà phố hiện nay đều xây bưng bít mặt tiền, không có lối thoát hiểm. Tuy nhiên, nếu gia chủ sử dụng phương án trang bị ô lưới bảo vệ an toàn sẽ đảm bảo được yêu cầu bảo vệ cũng như thoát hiểm mà không gây mất thẩm mĩ.

Kiến trúc sư này cũng cho biết thêm, tầng mái của các nhà thông thường hay đặt bồn nước, vậy nên thiết kế thang cố định lên thăm mái để khi có hỏa hoạn thì có thể theo đường này đi sang nhà hàng xóm lánh nạn.

Hiện nay, có rất nhiều phương án để chủ nhà phát hiện nguy cơ cháy nổ trong gia đình, điển hính là việc trang bị camera báo cháy. Đây là hình thức tiện dụng và hiện đại. Tuy nhiên, nó lại thường đẩy chủ nhà vào thế bị động khi có tình huống xảy ra. Bởi, khi xây dựng, việc thiết kế phương án thoát hiểm an toàn vẫn là càn thiết và chủ nhà cần thường xuyên kiển tra các thiết bị cứu hỏa cũng như lối thoát hiểm trong nhà để chủ động hơn trong việc đối phó khi có hỏa hoạn.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu