SearchNews

Hà Nội - Sài Gòn trong mắt một khách Tây

31/07/2010 10:04

So sánh sự khác biệt trong lối sống và tính cách người Hà Nội và Sài Gòn luôn có nhiều tranh luận rất sôi nổi không chỉ với người trong nước mà còn rất rõ dưới mắt người nước ngoài. Drew Taylor, một người nước ngoài từng công tác tại Hà Nội, cũng chia sẻ cảm nghĩ của mình về vấn đề này.

So sánh sự khác biệt trong lối sống và tính cách người Hà Nội và Sài Gòn luôn có nhiều tranh luận rất sôi nổi không chỉ với người trong nước mà còn rất rõ dưới mắt người nước ngoài. Drew Taylor, một người nước ngoài từng công tác tại Hà Nội, cũng chia sẻ cảm nghĩ của mình về vấn đề này.

Tôi có dịp công tác ở Hà Nội khá nhiều lần. Ngoài công việc, thói quen mà cũng là niềm vui của tôi là dành thời gian quan sát con người và tập quán ở mỗi vùng miền mình đến. Tôi nghe nói đã từ lâu, đề tài so sánh sự khác biệt trong lối sống và tính cách giữa người Hà Nội và người Sài Gòn luôn có nhiều tranh luận rất sôi nổi và thú vị. Không chỉ với người trong nước, sự khác biệt này cũng rất rõ dưới mắt người nước ngoài.

Ở Hà Nội, luật bất thành văn là một cuộc họp lúc mười giờ sáng thường sẽ bắt đầu vào lúc mười giờ ba mươi phút. Lòng kiên nhẫn của bạn sẽ được dịp thử thách. Tuy thế, khách đến họp ở Hà Nội rất dễ thương. Họ đến với nụ cười và những cái nhăn mặt, nhíu mày rất dễ thông cảm với hàng tá lý do khách quan, nào là giao thông tệ quá, người lái taxi không biết đường, nào con ở nhà bị sốt, đồng hồ tự nhiên chạy chậm, cầu thang bộ lên tầng cao quá...

Hàng hoa trên những chiếc xe đạp ở Hà Nội.

Ở Sài Gòn, thường thì bạn sẽ biết khách của bạn sẽ đến trễ bao lâu vì họ đã gọi phone cho bạn từ sáng. Khi đến, khách chỉ ngắn gọn: “Xin lỗi, mình đến trễ!” và vào đề ngay lập tức. Không có lý do, không có trao đổi cá nhân ngoài lề. Đi dọc các con đường và ngõ ngách của quán nhậu ở Hà Nội, bạn sẽ thấy cánh đàn ông chuyện trò rôm rả không thua gì các phiên chợ buổi sáng của các bà. Họ nói chuyện đùa, chuyện tếu, chuyện phiếm, chuyện mặn chuyện lạt một cách say sưa và tự nhiên như thể chỉ có đàn ông là công dân danh dự trên quả đất này. Sau vài tuần bia và rượu, cánh đàn ông không hề trở nên đáng yêu hơn với gương mặt đỏ kè, giọng nói lè nhè hoặc the thé. Rồi họ chuyển sang chuyện chính trị, chuyện đấu đá ở cơ quan, hoặc bắt đầu lên giọng triết lý về các vụ scandal nóng nhất.

Không thua mà cũng chẳng kém, dân Sài Gòn cũng mê nhậu. Nhưng những cuộc nhậu của người Sài Gòn có phần nhẹ nhàng hơn, ngẫu hứng hơn. Họ bù khú kiểu bạn bè thư giãn sau một ngày làm việc chứ không “tới bến” hay “hết ga” như dân nhậu Hà Nội. Một điều đáng để ý là quán nhậu Sài Gòn không hề thiếu vắng những bóng hồng! Nữ giới cũng có nhu cầu đi ăn đi chơi thành nhóm và họ không ngần ngại thể hiện mình một cách có văn hóa và trách nhiệm.

Văn hóa bán buôn bán lẻ ở đất Hà thành cũng có nhiều điều vừa thú vị, vừa hồi hộp. Chẳng hạn như sau khi chấm được món hàng vừa ý, bạn hỏi chủ tiệm: “Cái này bao nhiêu?”. Ngay lập tức bạn sẽ được chủ hàng kéo ghế mời ngồi. Khi bạn còn đang ngẩn ngơ với phép lịch sự ngoài tầm hiểu biết này thì chủ hàng đã bắt đầu bài diễn văn, nào là món hàng cực kỳ đặc biệt không tìm được ở đâu cái tốt hơn, nào cái này mới là đồ thật, còn cái của cửa hàng bên cạnh là đồ giả đồ nhái, nào bạn sắp sửa được nghe một cái giá phải chăng nhất, nào ngày mai trời có thể mưa, nào trận banh tối qua gay cấn thế nào... Câu chuyện cứ dài vô tận mà bạn vẫn chưa nghe được chuyện chính. Bạn hỏi lại: “Món này giá bao nhiêu?”. Chủ hàng dừng một lát, ngắm nghía món hàng vài lần rồi ngửng lên dò tình hình các cửa hàng bên cạnh, quay qua dò độ hăng hái trên mặt bạn, sau đó “quất” bạn bằng một cái giá cao khoảng ba lần giá thực tế. Kinh nghiệm không dưới hai lần của tôi là vậy.

Đi shopping ở Sài Gòn có phần đỡ sợ hơn vì hình như quan điểm làm ăn của người miền Nam cũng trực tiếp, rõ ràng như tính cách người miền Nam. Ngắm được món đồ bạn thích rồi thì chỉ việc hỏi giá. Chủ hàng sẽ nói giá cho bạn một lần thôi. Bạn cố kỳ kèo: “Có bớt không?”. Câu trả lời thường là: “Đúng giá, không thách!”. Bạn thấy món đồ phải chăng, móc tiền ra trả và đi về nhà, thế là xong, giao dịch chưa đầy hai phút.

Tính cách cũng phản ánh trong thói quen sưu tầm đồ xưa của dân chơi ở cả hai miền. Người Hà Nội sẵn sàng lùng sục các cửa hàng đồ cũ, các ngôi nhà xưa để tìm đồ cũ có giá trị như xe đạp, xe máy cổ, đồng hồ cổ, bàn gỗ cổ... Họ sẵn sàng chi tiền mua những món đồ hiếm ấy, mang chúng về nhà và để chúng nằm xếp xó ở góc nhà, dưới gầm cầu thang thêm... mươi, mười lăm năm nữa. Để đồ cổ chìm vào quên lãng cũng là một cách nâng giá trị đồ cổ - thâm trầm và công hiệu hiếm thấy. Ấy vậy mà nếu bạn chỉ vào món đồ bị bỏ quên và xin mua lại thì câu trả lời thường là: “Nó còn zin trăm phần trăm đấy! Giá khoảng bốn ngàn đô thôi!”.

Thú chơi của dân chơi ở Sài Gòn là thích chơi hơn thích ngắm. Lùng được món đồ nào thích là người biết chơi lập tức bị hút vào việc tân trang, thay cái này, sửa cái kia, độ cái nọ... sao cho món đồ cũ có giá trị lịch sử hay thẩm mỹ trở thành món đồ cổ có giá trị sử dụng. Cuối tuần lượn một vòng Sài Gòn, thế nào bạn cũng sẽ thấy vài nụ cười khoe khoang của mấy tay chơi đang lượn trên chiếc xe cổ được mọi người trầm trồ: “Ngộ quá ta!”.

Sự khác biệt trong tính cách con người tạo ra sự khác biệt trong văn hóa hay là ngược lại? Đó là câu hỏi chưa bao giờ làm tôi hết ngạc nhiên. Hà Nội và Sài Gòn: “Ngộ quá ta!”.

(Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu