SearchNews

Bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên Từ ý tưởng đến hiện thực

14/10/2011 21:48

Gắn bó với Hà Nội hơn một thế kỷ nay, cầu Long Biên chứng kiến biết bao biến động lịch sử. Nếu cây cầu trở thành một bảo tàng, hẳn sẽ nhiều người rất tự hào. Dẫu từ ý tưởng đến hiện thực còn khoảng cách quá lớn, song, đây là một gợi ý đối với công tác bảo tồn những kiến trúc có giá trị ở Hà Nội...

Gắn bó với Hà Nội hơn một thế kỷ nay, cầu Long Biên chứng kiến biết bao biến động lịch sử. Nếu cây cầu trở thành một bảo tàng, hẳn sẽ nhiều người rất tự hào. Dẫu từ ý tưởng đến hiện thực còn khoảng cách quá lớn, song, đây là một gợi ý đối với công tác bảo tồn những kiến trúc có giá trị ở Hà Nội...

Ý tưởng về bảo tàng cầu Long Biên

Từ lâu, cầu Long Biên đã chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng người Hà Nội. Ðó không chỉ là một công trình giao thông, mà còn là một biểu tượng văn hóa. Cầu Long Biên gắn với một thế kỷ đầy biến động của Thăng Long - Hà Nội. Cũng từ lâu, vấn đề bảo tồn cầu Long Biên được nói đến, không chỉ bao hàm việc nâng cấp, sửa chữa một công trình giao thông, mặc dù đến nay, cây cầu thế kỷ này vẫn đóng vai trò khá quan trọng trong giao thông của thành phố.

Một trong những người gắn bó với cây cầu Long Biên là bà Nguyễn Nga (Việt kiều Pháp), Tổng Giám đốc Công ty Cầu Rồng. Chính bà là người đã hai lần khởi xướng tổ chức Festival cầu Long Biên trong các năm 2009 và 2010. Mới đây, bà Nguyễn Nga trình bày một đề xuất táo bạo về bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên. Theo đề án, đường ray ở chính giữa cây cầu sẽ dành riêng cho các hoạt động văn hóa. Những nhịp cầu sẽ được bao phủ bởi những tấm kính trong suốt và một không gian lớn sẽ được dành để triển lãm mô hình tàu hỏa chạy bằng hơi nước, các toa tàu cổ trở thành quán cà-phê, nhà hàng. Khu bãi giữa sông Hồng sẽ được cải tạo thành công viên tự nhiên với làng nghề trồng dâu, nuôi tằm... Bên bờ bắc, sẽ xây dựng bảo tàng nghệ thuật đương đại có hình dáng bông hoa sen đang hé nở. Nhiều tuyến phố quanh đó được biến thành khu phố đi bộ...

Ðây là một đề xuất chưa từng thấy, bởi quy mô, cũng như kinh phí dự kiến 4.860 tỷ đồng để thực hiện dự án. Nhìn chung, dư luận ủng hộ đề xuất này. Nhà báo Pháp Daniel Roussel, người đã từng sống và làm việc ở Hà Nội những năm 1980 khẳng định: "Phải biến cây cầu thành một địa điểm du lịch không thể bỏ qua đối với du khách khi tới thăm Hà Nội như cách mà các quốc gia trên thế giới đã làm với các công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô và các thành phố lớn". Trong khi đó, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội cho rằng: "Dự án này sẽ tạo ra sự gắn bó, tương tác giữa di tích với người Hà Nội, người Việt Nam với bạn bè thế giới".

Ðồng ý về mặt ý tưởng, nhưng các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu lịch sử và những chuyên gia về lĩnh vực đô thị tỏ ra lo ngại bởi tính khả thi của dự án. Trong đó, vấn đề xử lý một không gian rộng lớn như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc tổ chức giao thông của khu vực. Ngoài ra, vấn đề xã hội hóa công tác bảo tồn, kết hợp với những hình thức kinh doanh dịch vụ... được triển khai ngay trong phạm vi "bảo tàng" là điều chưa có tiền lệ.

Những gợi mở trong công tác giữ gìn di sản

Trong di sản đô thị Thăng Long - Hà Nội, có nhiều kiến trúc có giá trị lịch sử, trong đó có những công trình mang dấu ấn của kiến trúc Pháp như cầu Long Biên. Việc biến cầu Long Biên thành một bảo tàng rất khó trở thành hiện thực, nhưng câu chuyện bảo tồn cầu Long Biên gợi mở cho chúng ta nhiều suy nghĩ trong bảo vệ các kiến trúc có giá trị lịch sử.

Với di tích đã được công nhận, việc bảo tồn đơn giản chỉ cần làm theo đúng Luật Di sản. Những kiến trúc có giá trị, nhưng chưa được xếp hạng như cầu Long Biên thì khác. Vấn đề bảo tồn cầu Long Biên đã tranh luận nhiều, nhưng không có giải pháp khiến ta nhận ra rằng, nhiều kiến trúc có giá trị lịch sử của Hà Nội chưa được quan tâm đúng mức. Những công trình đó, có nhiều loại, có thể đơn thuần là giá trị kiến trúc, có thể gắn với danh nhân, hoặc một thời đại lịch sử... Chỉ nói riêng những kiến trúc gắn với tên tuổi danh nhân, trên thế giới, nhiều ngôi nhà hoặc nơi lưu dấu tích của các nhà văn, danh họa, nghệ sĩ tên tuổi đều lưu giữ và được tổ chức thành những nhà lưu niệm, hấp dẫn khách du lịch. Còn ở Hà Nội, những di sản kiến trúc liên quan đến những nhà văn hóa làm rạng danh cho Hà Nội hầu như không được ai biết đến. Chẳng hạn, trong bộ tứ Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái của hội họa Việt Nam thì có hai danh họa đã từng sinh sống ở ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học. Nhưng nay, một tấm biển chỉ dẫn cho địa danh này cũng không có.

Với cầu Long Biên, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Ðạo Kính cho rằng, không nên đặt vấn đề công nhận công trình này là di tích, vì như thế sẽ rất khó tìm ra phương cách ứng xử. Cần coi cầu Long Biên là một công trình kiến trúc, kỹ thuật có giá trị cần được bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị với tư cách là một thành phần cấu thành di sản đô thị của Thủ đô. Hiện chúng ta chưa thể thống kê được Hà Nội có bao nhiêu kiến trúc có giá trị lịch sử như vừa nêu. Nếu bảo tồn, sẽ cần những khoản kinh phí khổng lồ mà ngân sách thành phố không thể gánh nổi. Bởi thế, trong đề xuất bảo tồn phát triển cầu Long Biên của bà Nguyễn Nga, vấn đề đáng tham khảo hơn cả chính là đề xuất xã hội hóa công tác bảo tồn, kết hợp với một số loại hình kinh doanh dịch vụ. Nếu nghiên cứu, giải quyết thỏa đáng vấn đề này, sẽ có nhiều kiến trúc có giá trị trên địa bàn Thủ đô được bảo tồn. Hẳn người xem sẽ thấy thú vị khi được ngắm chiếc bàn nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Nguyễn Tuân... từng ngồi làm việc; tham quan nơi ở, không gian sáng tác của các đại danh họa như vừa kể... thay vì chỉ xem những tư liệu khô cứng ở bảo tàng.

( Theo Nhân Dân)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu