Khi gia đình chị Hiền đang ngon giấc thì mảng tường lớn trên đầu đổ sụp xuống. Ông Lê Xuân Điều cũng hết hồn vì một mảng vữa bê tông lớn lở từ ôvăng rơi xuống ngay trước cửa nhà... Hàng nghìn hộ dân sống tại các khu chung cư ở Nam Định luôn phải đối diện với nguy hiểm như vậy.
Khu chung cư nằm sát ngã sáu Năng Tĩnh thuộc tổ 27, phường Trần Đăng Ninh được người dân gọi là “khu chung cư nhảy dù” vì không ai quản lý nên dân tự “nhảy dù” vào sinh sống. Hiện có 59 hộ đang sống tại đây.
Các khu nhà này chỉ xây được ba trong số năm tầng rồi bỏ dở. Hiện nó được liệt vào loại chung cư xuống cấp nghiêm trọng nhất thành phố Nam Định. Toàn bộ tường gạch đều bị xói mòn và 100% không trát áo, có nơi tường bị nứt 20-30 cm. Theo nhiều hộ dân đang sống nơi đây, chỉ cần những hộ ở tầng trên đi mạnh chân một chút là tường nhà tầng dưới... lung lay.
Ông Bùi Xuân Bàn, số nhà C9, lô 2 ở đây từ năm 1982 nói như mếu: “Ở các chung cư khác phải đội nón đi vệ sinh cũng còn hạnh phúc chán. Ở đây căng bạt áo mưa thì căng chứ có ăn thua gì. Mưa to mưa nhỏ thì trong nhà cũng như ngoài sân. Khổ không nói hết!”.
Ở các cầu thang, trần nhà tầng hai và bao lơn chỉ còn trơ sắt gỉ. Đặc biệt, các cầu thang ở lô số 2, lô số 4 của chung cư gần như muốn sụp hoàn toàn. Ông Trần Viết Đề, tổ trưởng tổ dân phố 27, bức xúc: “Năm 2005, khi cơn bão số 7 đi qua Nam Định, toàn bộ 59 hộ đã phải sơ tán ra nhà tạm của ga trú bão vì chung cư có thể sập bất cứ lúc nào. Năm nay có bão chúng tôi không biết sẽ ra sao”.
Chung cư... sợ gió
Một chung cư khác mà người dân thành phố Nam Định gọi là “khu chung cư sợ gió” là tòa nhà ở tổ 4, phường Cửa Bắc được xây dựng năm 1973. Hiện chung cư có 70 hộ và 230 nhân khẩu sinh sống.
Khu chung cư kỳ lạ ở chỗ dù gió to hay gió nhỏ thì từng mảng tường vôi đều lở xuống. Hiện tại toàn bộ phần tường vôi và ximăng phía sau đã bị bóc trơ gạch, có chỗ gạch bị mưa gió xói mòn đến nửa viên.
Gần đây nhất, 2h đêm 11/3, khi gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, nhà số 11 lô 3, đang ngon giấc thì mảng tường lớn trên đầu đổ sụp xuống sát giường. Chị Hiền vẫn chưa hoàn hồn: “May mà nó sụp cách giường 50 cm chứ không thì...”. Trước đó, ông Lê Xuân Điều, số nhà 15 lô 2, cũng hết hồn vì một mảng vữa bêtông lớn lở từ ôvăng rơi xuống ngay trước cửa nhà mình chỉ vì một cơn gió.
Hầu hết nhà vệ sinh đều bị thấm dột. Nước từ tầng trên nhỏ xuống khiến nhiều hộ luôn phải đội nón mỗi khi vào nhà vệ sinh.
Phải dỡ bỏ
Theo ông Trần Đức Nam, Giám đốc Công ty Kinh doanh và phát triển nhà ở Nam Định, ngoài “khu chung cư nhảy dù” là không có ai quản lý, còn lại 22 khu khác trên địa bàn TP đều thuộc sự quản lý của công ty. “Nhà nhảy dù” được xây để cấp cho cán bộ công an và y tế tỉnh Hà Nam Ninh, chủ đầu tư và thi công là Công ty Xây dựng số 2 Hà Nam Ninh. Công ty này bắt đầu xây dựng từ năm 1978 nhưng sau đó không biết vì lý do gì bỏ dở từ giữa năm 1980.
Ông Nam đánh giá hầu hết khu chung cư công ty quản lý đều đã quá hạn sử dụng vì được xây từ 30-40 năm trước. Đồng thời những khu nhà này đã xuống cấp trầm trọng với mức độ tương đương nhau và đã đến lúc phải dỡ bỏ để xây mới.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng việc xây mới hết sức khó khăn, đặc biệt là do hạn hẹp kinh phí và hiện tại tỉnh vẫn chưa có chủ trương rõ ràng. Trong lúc chờ đợi, mỗi năm tỉnh và TP Nam Định cấp cho Công ty Kinh doanh và phát triển nhà ở khoảng 400-500 triệu đồng. Số tiền này, theo ông Nam, là quá ít và quá khó phân bổ để khắc phục sự cố ở tất cả các khu nhà, mà chỉ là sửa chữa tạm một số phần như lan can, bao lơn hay ống thoát nước.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Nam Định, cho rằng: “Hiện tại các khu chung cư trên địa bàn không thuộc quản lý của thành phố, thành phố chỉ quản lý về mặt hành chính, còn quản lý về mặt vật chất và tu bổ thuộc về Công ty Kinh doanh và phát triển nhà ở Nam Định. Tuy nhiên, trước sự xuống cấp nghiêm trọng đe dọa tính mạng và tài sản hàng nghìn hộ dân, thành phố đã có văn bản đề nghị tỉnh có phương án khắc phục hoặc xây mới và tỉnh đã phê duyệt”.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, cụ thể phương án và mức kinh phí cho việc xây dựng mới thì thành phố chưa được biết. Trước mắt các hộ dân sẽ được di dời nếu có mưa to hay bão.
(Theo Tuổi Trẻ)