Chủ đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc có quyền quyết định mức phí thu trên các đường này cũng như khai thác các dịch vụ dọc tuyến đường.
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vừa ký ban hành một số cơ chế thí điểm với các dự án đầu tư, khai thác đường bộ cao tốc do Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Theo đó, VEC sẽ có quyền quyết định mức thu phí cũng như khai thác các dịch vụ dọc tuyến đường cao tốc do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư như trạm xăng dầu, trạm dừng xe, quảng cáo và các công trình khác.
Nếu các dự án đường cao tốc được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định là có hiệu quả thì được vay lại từ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn vay thông thường hoặc vay thương mại của các Chính phủ, các tổ chức tín dụng quốc tế, hoặc từ nguồn vốn phát hành trái phiếu quốc tế dài hạn của Chính phủ.
VEC cũng sẽ được phát hành trái phiếu công trình trong nước và quốc tế do Chính phủ bảo lãnh. Nếu trong thời gian hoàn vốn của dự án, VEC chưa thu hồi đủ vốn từ nguồn thu và các nguồn thu khác để trả các khoản vay, thì được phát hành thêm trái phiếu để hoàn trả.
Đối với những dự án đầu tư đường cao tốc do Nhà nước yêu cầu đầu tư nhưng khả năng thu phí hoàn vốn thấp, Chính phủ sẽ xem xét hỗ trợ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng.
VEC được thành lập năm 2004 nhằm xây dựng mạng đường cao tốc Việt Nam qua hình thức "lấy cao tốc xây cao tốc". Công ty này kinh doanh, xây dựng mạng đường cao tốc quốc gia, các công trình kết cấu hạ tầng giao thông và khai thác các dịch vụ dọc tuyến cao tốc như nhà nghỉ, nhà hàng, trạm xăng, biển quảng cáo, vật liệu xây dựng.
Hiện VEC quản lý 5 dự án đường cao tốc gồm các tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình 50 km, Nội Bài - Lào Cai 260 km, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây 54 km, Trung Lương - Cần Thơ 80 km và Nội Bài - Mai Dịch 20 km.
N.C.