SearchNews

Chung cư mới tại Hà Nội: Tiền một đằng, của một nẻo

12/07/2010 14:01

Bỏ ra hàng tỷ đồng để mua căn hộ chung cư, người dân ở nhiều khu đô thị mới tại Hà Nội vẫn sống cảnh điêu đứng vì dịch vụ xuống cấp và thái độ thiếu trách nhiệm của Ban quản lý tòa nhà.

Bỏ ra hàng tỷ đồng để mua căn hộ chung cư, người dân ở nhiều khu đô thị mới tại Hà Nội vẫn sống cảnh điêu đứng vì dịch vụ xuống cấp và thái độ thiếu trách nhiệm của Ban quản lý tòa nhà.

Tùy tiện cắt điện, cắt nước, vệ sinh nhếch nhác, quản lý tòa nhà thiếu trách nhiệm, xem thường quyền lợi của các hộ dân... là thực trạng đang diễn ra tại khu căn hộ cao cấp M5 Nguyễn Chí Thanh.

Nhiều hộ dân tại khu chung cư M5 Nguyễn Chí Thanh phản ánh cuộc sống đảo lộn vì thường xuyên mất điện, mất nước không báo trước . Ảnh: Minh Tuấn

Nhếch nhác như nhà nghỉ bình dân

Gia đình bác Vinh trú tại phòng 05 tầng 17 toà nhà M5 Nguyễn Chí Thanh cho biết, nước sinh hoạt mất từ tối ngày 10 đến gần 9 giờ sáng ngày 11-7 mới được cấp trở lại. Ở trên tầng cao, các thành viên gia đình bác Vinh đành phải di tản đến gia đình bà con ở khu khác để vệ sinh nhờ, rất bất tiện.

“Với nhà cao trên ba mươi tầng như M5, điện, nước là vô cùng quan trọng” - bác Vinh nói. Một số hộ dân khác tỏ ra rất bức xúc trước thái độ của đơn vị quản lý tòa nhà. “Khi mất nước, tất cả các gia đình không hề nhận được một dòng thông báo nào! Rõ ràng là coi thường quyền lợi của các hộ dân” - Một gia đình phản ánh.

Đại diện một gia đình tại tầng 18 M5 Nguyễn Chí Thanh cho biết đã phải bỏ ra hơn 4 tỷ đồng mua căn hộ này và được quảng cáo là dịch vụ rất cao cấp. Tuy nhiên, cung cách quản lý tòa nhà thì rất thiếu chuyên nghiệp. Hành lang nhếch nhác, vật liệu xây dựng vung vãi, cầu thang bộ hơn 30 tầng tuyệt nhiên không có ánh điện và rất bẩn thỉu, rác thải sinh hoạt tập kết ngay cửa thang máy!

Rác thải sinh hoạt dồn vào cửa thang máy tòa nhà M5.

“Chất lượng dịch vụ kém trong khi đơn vị quản lý vẫn thu đều mỗi tháng 200.000 đồng” - Anh Tuấn trú ở phòng P12A4 nói. Một số hộ dân khá bức xúc với tình trạng bố trí nơi gửi xe ôtô. “Mới chỉ có khoảng 40 hộ dân đến ở nhưng bãi xe nhiều hôm chật cứng, nếu xảy ra cháy nổ thì hậu quả thật khó lường”...

Tại khu đô thị mới Nam Trung Yên, đơn vị quản lý vận hành khu nhà chung cư cũng thiếu trách nhiệm. Ông Nguyễn Trí Năng - Bí thư chi bộ tổ 63 cho biết, nhiều hộ dân đua nhau cải tạo, đập phá, sửa chữa gây ô nhiễm khu nhà. Buổi tối, bên ngoài tòa nhà bóng đêm mịt mùng như ở vùng sâu, vùng xa vì không có điện chiếu sáng sân chơi. Nhiều lần cắt điện không báo trước, người dân phải leo bộ cả chục tầng nhà.

Ai quản Ban quản lý chung cư?

Đại diện nhiều hộ dân tại M5 Nguyễn Chí Thanh phản ánh, theo quy định, các hộ dân phải có đại diện tham gia Ban quản trị tòa nhà. Tuy nhiên chủ đầu tư tòa nhà M5 là Cty Đầu tư xây lắp và phát triển nhà vẫn chưa thành lập Ban Quản trị tòa nhà theo đúng quy định.

Tại khu đô thị Nam Trung Yên, ông Nguyễn Trí Năng cho biết đã kiến nghị lên phường và Công ty Dịch vụ quản lý chung cư nhiều lần nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. “Kiến nghị nhiều mà không có kết quả, chúng tôi thấy nản...”-Ông Năng nói.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, trách nhiệm đầu tiên với các hộ sống tại chung cư thuộc về chủ đầu tư các tòa nhà. Tuy nhiên mối quan hệ giữa bên mua nhà và bên bán nhà nhiều khi bất bình đẳng, thiệt hại thường thuộc về người dân.

Qua kiểm tra rà soát về điều kiện kỹ thuật, an toàn cháy nổ đối với nhiều tòa nhà cao tầng tại Hà Nội vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã phát hiện nhiều vi phạm, nhất là ở các khu căn hộ tái định cư.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đang tập hợp báo cáo của các chủ đầu tư và quận huyện về tình trạng vi phạm tại các dự án, chưa thực hiện trách nhiệm về xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, xây trường học, trách nhiệm với người mua nhà. Trên cơ sở đó, ngay trong tháng 7 này, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiến hành kiểm tra một số khu đô thị.

(Theo Tiền Phong)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu