SearchNews

Cuối năm ồ ạt hoàn thiện nhà

25/01/2008 11:42

Hai tháng trước Tết Nguyên Đán thường là khoảng thời gian "bấn loạn" của các công ty chuyên thiết kế, xây dựng các công trình dân dụng. Lý do chính là hầu hết người dân đều có tâm lý muốn một căn nhà tươm tất đón xuân.

Hai tháng trước Tết Nguyên Đán thường là khoảng thời gian "bấn loạn" của các công ty chuyên thiết kế, xây dựng các công trình dân dụng. Lý do chính là hầu hết người dân đều có tâm lý muốn một căn nhà tươm tất đón xuân.

Bận bịu quanh năm, lại hay phải đi công tác xa nên vợ chồng anh Ngọc Minh dù đã sở hữu một căn hộ tại khu chung cư Trung Hòa - Nhân Chính vẫn chưa có thời gian hoàn thiện nội thất để chuyển ra ở riêng. Sau nhiều lần hạ quyết tâm, tháng 10/2007, anh chị mới tìm đến một công ty thiết kế để nhờ họ giúp đỡ và việc thi công phải cuối tháng 11 mới bắt đầu. Dù vậy, họ đặt ra yêu cầu với bên thi công phải hoàn thiện nhà trước Tết Nguyên Đán.

Trường hợp của vợ chồng anh Minh không hiếm vào thời điểm cuối năm này. Theo anh Bùi Việt Hoài, Giám đốc Công ty Kiến trúc A+ (Hà Nội), từ khoảng tháng 8, công việc của các KTS bắt đầu bận. Ban đầu là phần thiết kế trên bản vẽ, sau đó là thi công. Phần thi công sẽ dồn dập vào khoảng 3 tháng cuối năm. "Không như nhiều nơi khác, chúng tôi làm chủ yếu là nội thất nên cuối năm, khối lượng công việc có thể tăng từ 30 đến 40%, nhất là trong khoảng 2-3 tháng trước Tết. Hạng mục được thực hiện chủ yếu là hoàn thiện phần nề, cho tới việc đóng đồ gỗ hay các công việc khác liên quan đến trang trí và hầu như chủ đầu tư nào cũng ra "tối hậu thư" phải có nhà mới ăn Tết".

Lý do của sự bận bịu có chu kỳ hằng năm này là do hầu hết mọi người đều mong có một căn nhà đẹp cho dịp Tết. Đây cũng là thời điểm thu nhập của họ rủng rỉnh hơn và bắt đầu nghĩ đến chuyện làm đẹp không gian sống của mình. Tuy nhiên, với nhiều người, lý do thứ hai cũng không kém phần quan trọng, liên quan đến tâm linh, đó là không muốn một căn nhà phải xây dựng "bắc cầu" trong hai năm, sẽ không tốt.

"Chúng tôi là dân làm ăn. Hoàn thiện, xây sửa nhà đều phải xem ngày xem tuổi, không duy tâm cũng không được. Nhà tôi là chung cư làm còn có thể nhanh, nhưng bạn bè tôi, có nhiều người xây nhà 4-5 tầng, không hoàn thành kịp, đành phải cố gắng thúc thợ đổ cho xong mái tầng trên cùng mới yên tâm ăn Tết", anh Minh nói.  

Thông thường, một tốp thợ 10 người của một công ty thiết kế có quy mô trung bình có thể cùng làm hai công trình một lúc và làm nội thất cho một căn nhà chung cư mất khoảng 2 tháng. Nhưng vào dịp Tết, họ sẽ phải chia nhỏ ra, nhưng thời gian làm căng hơn, có khi suốt từ sáng đến tận tối muộn.

"Thiếu thợ, chúng tôi phải tiến hành thuê thêm nhân công từ nơi khác, hoặc hợp đồng giữa các công ty với nhau. Thợ có hai loại, đội khung cứng là đội của công ty luôn làm cho mình. Ngoài ra, còn có thợ phụ trội, thuê từng phần một, chẳng hạn làm gỗ hay làm thạch cao riêng. Giá thành cho loại thợ này thường cao hơn từ 10 đến 20% và lương được trả theo ngày", anh Tuấn Anh, Văn phòng Kiến trúc AV, cho biết.

Chuyện tới tận 28-29 Tết mà thợ chưa được nghỉ cũng không có gì lạ. Thậm chí, do xem ngày đẹp, nhiều chủ nhà vẫn phải dọn đến nhà mới, trong khi hằng ngày thợ vẫn tiếp tục công việc bởi tâm lý của các đội thợ thường là có tư tưởng nghỉ ngơi khá thoải mái vào dịp đầu năm. Họ ăn "Rằm" rồi lại tham gia đủ loại hội làng nên sau Tết, rất khó tập hợp sớm được lực lượng.

Công việc tăng, nhưng hầu hết các nhà thầu xây dựng những đợt cuối năm này không thể tăng giá, ngoại trừ báo giá vật liệu tăng do nhà cung cấp. Thông thường các hợp đồng thi công đều đã ký trước đó, với những điều khoản ràng buộc giữa hai bên. Báo giá có giá trị trong một thời gian nhất định và không thể thay đổi. "Nhiệm vụ của chúng tôi là phải hoàn thành công trình đã nằm trong hợp đồng. Đây không chỉ là công việc trước mắt mà còn là uy tín lâu dài của công ty", anh Tuấn Anh nói thêm.

Linh Hương

 

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu